“Gia cố” hệ miễn dịch cá nhân giữa mùa dịch virus corona: Uống nước đủ là việc quan trọng hàng đầu
- Y học 360
- 04:49 - 04/02/2020
Hệ miễn dịch có thể được xem như hệ thống quốc phòng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây nguy hiểm xâm nhập từ bên ngoài. Người có sức đề kháng và chống bệnh tốt hơn sẽ khó mắc bệnh hơn, nếu không may mắc bệnh cũng sẽ biến chuyển nhẹ hơn và khả năng khỏi bệnh cao hơn, nhất là với các bệnh lý chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như là bênh gây ra do virus trong đó có nCoV.
Vậy thì chúng ta có thể làm những gì để "gia cố" cho hệ miễn dịch, tuyến phòng vệ sát sườn nhất của cơ thể nhằm bảo vệ tốt nhất cho chính mình trong tình trạng dịch nCoV đang lan nhanh và chưa thể kiểm soát hết được như hiện nay?
Xin giới thiệu loạt bài viết hướng dẫn rất giá trị của TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP HCM).
Bài 1: UỐNG ĐỦ NƯỚC - VIỆC QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU GIÚP TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH
Khi uống không đủ nước, máu và các dịch tiết sẽ bị cô đặc, do vậy các tế bào miễn dịch của cơ thể sẽ gặp khó khăn hơn khi di chuyển theo dòng máu để ra đến khu vực niêm mạc vùng mũi họng hay di chuyển vào các dịch tiết vùng mũi họng để hoàn thành vai trò phát hiện và tiêu diệt ngay "kẻ địch" khi chúng vừa mới đặt chân vào hầu họng của chúng ta. Uống đủ nước còn giúp thải sạch các chất cặn bã trong cơ thể qua nước tiểu, tức là làm cơ thể sạch sẽ hơn, nhẹ nhàng hơn, các tế bào miễn dịch sẽ rảnh tay, không phải lo chuyện dọn dẹp môi trường bên trong mà dồn sức đối phó với "giặc bên ngoài".
Nước cũng là dung môi quan trọng cho tất cả mọi hoạt động chuyển hóa bên trong cơ thể bào gồm cả hoạt động của hệ miễn dịch, nên tế bào miễn dịch đủ nước thì mới hoạt động ở trạng thái tốt nhất được.
Uống bao nhiêu nước mỗi giờ? Uống nước gì?
Tổng lượng nước trong ngày cho mỗi người có thể được tính bằng công thức sau:
- Người lớn: 40 ml mỗi kg cân nặng, tức là lấy số cân nặng x 40 = số nước cần hàng ngày. Cộng thêm 0,5 – 1 lít /ngày nếu trời nóng, đổ mồ hôi, hay hoạt động thể lực mạnh.
- Trẻ em nhỏ: 100ml/kg cân nặng – Trẻ em lớn tối thiểu 50ml/kg cân nặng.
Tổng lượng nước uống này được chia đều trong ngày (uống mỗi giờ) với tỉ lệ như sau:
- Người lớn: nước lọc chiếm ít nhất 60%, tức là khoảng 1,2 – 1,5 lít/ngày. Phần còn lại là các dạng nước khác (cà phê, sinh tố, canh, xúp…). Tốt nhất là có thêm 300 ml-400ml sữa mỗi ngày để cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động.
- Trẻ em: Bắt buộc uống đủ lượng sữa theo độ tuổi. Sau khi trừ lượng sữa này đi, nhu cầu còn lại được cung cấp bằng nước lọc.
Cách uống nước tốt nhất là nhắc mình nhớ để uống nước hàng giờ trước khi có cảm giác khát. Khi đã cảm thấy khát, tức là cơ thể đã thiếu nước đến mức báo động rồi. Trong vòng 1 giờ trước khi có cảm giác khát, cơ thể đã rất vất vả để điều chỉnh mọi thứ. Đừng quên rằng nước là chất dinh dưỡng duy nhất không có dự trữ trong cơ thể, phải cung cấp liên tục hàng giờ.
Không uống nước quá nhiều hơn nhu cầu cần thiết
Cũng cần lưu ý không uống nước quá nhiều hơn nhu cầu cần thiết.
Đi tiểu quá nhiều sẽ kéo theo sự mất mát nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, nhất là các chất dinh dưỡng tan trong nước, làm giảm kho dự trữ vi chất dinh dưỡng của cơ thể. Các chất dinh dưỡng vi lượng này là phần quan trọng nhất cho hoạt động của mọi tế bào, nên không đủ vi chất cũng là một cách làm cho hệ miễn dịch hoạt động yếu đi.
Cũng có thể theo dõi bản thân đã uống đủ nước chưa bằng cách theo dõi lượng nước tiểu. Nếu đi tiểu trung bình mỗi 3 giờ, tiểu dễ dàng, lượng tiểu mỗi lần không quá ít, nước tiểu có màu vàng nhạt, không có cảm giác gắt nặng khi đi tiểu, mùi không quá đậm đặc… có thể tạm an lòng rằng mình đã uống đủ nước cho chính mình.
Các dạng nước "tưởng tốt mà không tốt" là nước mát, nước sâm, trà gừng, nước trái cây… có thể uống với số lượng ít 200ml/ngày, vì ý thích và niềm tin hơn là có tác dụng thật sự với việc tăng cường miễn dịch.
Đón đọc bài 2: Ăn gì giúp gia tăng miễn dịch?
TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP HCM)