CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:48

“Gia cố” hệ miễn dịch cá nhân giữa mùa dịch virus corona: "Ăn gì giúp gia tăng miễn dịch?"

Hệ miễn dịch có thể được xem như hệ thống quốc phòng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây nguy hiểm xâm nhập từ bên ngoài. Người có sức đề kháng và chống bệnh tốt hơn sẽ khó mắc bệnh hơn, nếu không may mắc bệnh cũng sẽ biến chuyển nhẹ hơn và khả năng khỏi bệnh cao hơn, nhất là với các bệnh lý chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như là bênh gây ra do virus trong đó có virus corona.

Vậy thì chúng ta có thể làm những gì để "gia cố" cho hệ miễn dịch, tuyến phòng vệ sát sườn nhất của cơ thể nhằm bảo vệ tốt nhất cho chính mình trong tình trạng dịch virus corona đang lan nhanh và chưa thể kiểm soát hết được như hiện nay?

Xin giới thiệu loạt bài viết hướng dẫn rất giá trị của TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP HCM).

Bài 2: ĂN GÌ GIÚP GIA TĂNG MIỄN DỊCH?

Có thể bạn sẽ thất vọng, nhưng câu trả lời chính xác nhất là: không một loại thực phẩm nào thật sự có khả năng làm tăng đề kháng của cơ thể.

Khi tìm hiểu về hệ miễn dịch và các cơ chế giúp cơ thể đề kháng bệnh, bạn sẽ hiểu ngay tại sao câu trả lời lại đáng buồn đến thế.

Hệ miễn dịch là một hệ thống khổng lồ các cơ quan, bộ phận, tế bào, các chất, các loại protein… khác nhau, hoạt động theo hàng loạt những cơ chế chặt chẽ nhưng rất linh hoạt. Điều này có nghĩa cơ thể cần rất nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau, cần đủ thời gian và những điều kiện về thể chất mới có thể xây dựng được một hệ miễn dịch mạnh mẽ, có khả năng chống đỡ các tác nhân xâm hại từ môi trường ngoài, bảo vệ an toàn cho cơ thể.

Tăng cường miễn dịch cá nhân – Phòng tuyến cuối cùng bảo vệ cơ thể giữa mùa dịch nCoV - Ảnh 1.

Người có sức đề kháng và chống bệnh tốt hơn sẽ khó mắc bệnh hơn.

Trung bình, thời gian để hệ miễn dịch của một người hoàn thiện thường vào khoảng 3-6 năm đầu đời, với điều kiện tình trạng dinh dưỡng tốt, phát triển thể chất cân đối, chủng ngừa đầy đủ, điều trị bệnh hợp lý… Giống hệt như xây dựng một hệ thống quốc phòng, luôn cần có thời gian để tuyển quân, huấn luyện lính, mua vũ khí, xây dựng căn cứ… chứ không phải chỉ có tiền là được. Thực phẩm và các chất dinh dưỡng chính là "tiền" của hệ miễn dịch, không có thì không thể xây dựng được hệ miễn dịch, nhưng cũng không phải cung cấp ồ ạt trong một thời gian ngắn là có thể xây dựng được hệ miễn dịch mạnh hơn.

Dù vậy, bạn cũng không cần phải thất vọng quá khi đối diện với câu trả lời khiêm tốn kia. Việc ăn uống đúng cách vẫn là một phần quan trọng, rất quan trọng để hỗ trợ cho hệ miễn dịch của bạn làm việc hiệu quả và ít thương vong nhất trong những ngày nCoV đang là mối lo ngại rập rình, giống như là cách mà hậu phương chi viện cho tiền tuyến trong những ngày chiến trận đang diễn ra ác liệt nhất vậy.

1. Ăn đủ rau xanh và quả tươi: Rau xanh và quả tươi là nguồn cung cấp các vitamin và chất khoáng, những nguyên liệu quan trọng cho quá trình hoạt động tích cực của tế bào miễn dịch.

Rất nhiều người chỉ nhớ đến vitamin C và nước cam chanh khi nói về hệ miễn dịch! Thực chất, hệ miễn dịch còn cần vitamin nhóm B để chuyển hoá chất đường, cần vitamin A để xây dựng hàng rào phòng thủ là các lớp biểu mô, cần vitamin D để chuyển hoá canxi cho các hoạt động của tế bào, cần kẽm để sản xuất các men xúc tác, cần i-ốt để sản xuất nội tiết tố tuyến giáp, một loại nội tiết tố giúp kích thích gia tăng hoạt động của nhiều loại tế bào trong cơ thể…

Tăng cường miễn dịch cá nhân – Phòng tuyến cuối cùng bảo vệ cơ thể giữa mùa dịch nCoV - Ảnh 2.

Rau và trái cây có thành phần dinh dưỡng khác nhau nên không dùng trái cây thay rau được.

Nhu cầu vitamin C hàng ngày chỉ vào khoảng 100 mg, nên nếu bạn nạp quá nhiều có thể làm toan hoá nước tiểu, tăng sự thành lập các gốc oxy hoá. Chưa hết, vị chua mạnh trong nước cam, chanh là từ acid citric, không phải từ vitamin C (acid ascorbic), có thể gây những nguy cơ không đáng có cho dạ dày. Vì vậy, đừng mất thời gian đi vắt nước cam mà nên ăn đa dạng các loại trái cây tươi và rau sống với số lượng tối thiểu 200g trái cây và 300g rau các loại hàng ngày.

Cần lưu ý rau là rau mà trái cây là trái cây, thành phần dinh dưỡng khác nhau nên không dùng trái cây thay rau được.

Chưa hết, các chế phẩm bổ sung dù là viên sủi hay viên nén đều không thể dùng thay thế rau trái, vì trong rau trái có nhiều thứ mà các chế phẩm bổ sung không có.

2. Cung cấp đủ các chất đạm thiết yếu: Các kháng thể của con người (immunoglobulin – IgA, IgM…) được làm từ chất đạm và hệ miễn dịch luôn cần loại chất đạm thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Vì vậy, nên đảm bảo đủ lượng chất đạm quan trọng hàng ngày và ưu tiên lựa chọn các loại chất đạm dễ tiêu hoá, có đầy đủ các acid amin thiếu yếu, nhưng lại ít gây tăng chuyển hoá cho cơ thể (để làm giảm bớt công việc dọn dẹp môi trường bên trong của hệ miễn dịch). Các loại thức ăn giàu đạm tốt là cá béo, sữa, trứng, thịt trắng (như thịt gà vịt, đậu hũ…), thịt heo… Mỗi người cần khoảng 200 - 300g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày.

Nếu bạn không ăn đủ lượng đạm, cơ thể của bạn sẽ huy động chất đạm từ chính những khối cơ quan của bạn (chủ yếu là đạm của cơ bắp) để chuyển hoá thành đạm sử dụng. Nhưng như thế thì khó mà đủ để cung cấp cho hệ miễn dịch hoạt động tối ưu được, vì lượng đạm làm ra từ cơ bắp thường phải được sử dụng dè xẻn và tiết kiệm, chưa kể quá trình sản xuất này sẽ làm tăng tải cho gan thận và gây ô nhiễm cho môi trường bên trong cơ thể. Còn nếu bạn ăn thừa lượng đạm, thì hậu quả cũng nhiều không kém.

Tăng cường miễn dịch cá nhân – Phòng tuyến cuối cùng bảo vệ cơ thể giữa mùa dịch nCoV - Ảnh 3.

Mỗi người cần khoảng 200 - 300g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày.

3. Ăn đủ nhu cầu của cơ thể và đa dạng thực phẩm nhất: Hệ miễn dịch cần đủ hơn 40 chất dinh dưỡng, vì vậy, thiếu bất kỳ một chất dinh dưỡng nào cũng làm suy yếu nó. Vì vậy, không nên ăn kiêng khem và nên ăn thật đa dạng thực phẩm càng tốt, mỗi loại thực phẩm sẽ cung cấp một số nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.

4. Ăn thức ăn sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm tối đa: Trong những ngày này, cơ thể cần dồn hết khả năng miễn dịch để đối phó với nCoV, vì vậy, cần tránh bất kỳ nguy cơ bệnh lý nào có thể xảy ra, trong đó có cả bệnh lý liên quan đến ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm trùng đường ruột. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch sẽ phải làm việc vất vả hơn, dễ kiệt quệ hơn, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm nCoV hơn, và bệnh phối hợp luôn đặt tình trạng nhiễm virus vào thế có nguy cơ cao hơn.

5. Thận trọng với những thức ăn lạ hoặc thức ăn không rõ nguồn gốc: Ngay cả khi các loại thức ăn này không chứa nCoV thì bạn cũng khó mà kiểm soát được liệu có một mầm bệnh nào khác trong thực phẩm đó hay không.

Bạn thấy đó, thức ăn và chất dinh dưỡng sử dụng trong thời gian nhạy cảm này không nhằm mục tiêu gia tăng sức mạnh của hệ miễn dịch, mà nhắm đến mục đích giảm thiểu các nguy cơ từ rối loạn hoạt động bên trong cơ thể để hệ miễn dịch rảnh tay đối phó với "giặc bên ngoài", đồng thời cung cấp những chất thiết yếu để các tế bào miễn dịch sẵn có khoẻ mạnh hơn, hoạt động bền bỉ hơn, hiệu quả hơn và ít thương vong nhất.

Chúc các bạn bình an và mạnh khỏe!

TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP HCM)

TS.BS Đào Thị Yến Phi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh