Giá cá ngừ đại dương "rớt thảm"
- Tây Y
- 14:10 - 21/04/2023
Xuất khẩu thuỷ sản quý I đã có mức giảm khá mạnh khi những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 32 - 42%, chỉ có mực, bạch tuộc là giảm nhẹ 9%. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm chế biến đã tăng nhẹ 3% nhờ phân khúc cá biển được nhập khẩu về để sản xuất gia công cho các thị trường. Cụ thể một số loài có giá trị xuất khẩu tăng từ 35 - 40% như cá nục, cá tuyết, cá minh thái, cá thu… thuộc nhóm các sản phẩm được các doanh nghiệp nhập về gia công xuất khẩu trở lại để tận dụng công suất và duy trì việc làm cho công nhân.
Một tín hiệu tích cực nữa là phân khúc hàng khô và đồ hộp như cá cơm, cá bò, tép khô, cá ngừ và cá khác đóng hộp có xu hướng tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường. Nhật Bản là thị trường tiêu thụ hải sản khai thác lớn nhất, chủ yếu ở phân khúc cá biển. Do đó, xuất khẩu hải sản sang Nhật tăng 6%, trong khi các thị trường lớn khác là Mỹ giảm 42%, Trung Quốc giảm 37%, EU giảm 15%... Cá ngừ đại dương là một trong những loại thủy sản khai thác chủ lực của ngư dân Nam Trung Bộ, khi khu vực này có hơn 3.500 tàu chuyên khai thác cá ngừ đại dương với sản lượng đạt từ 20.000 - 35.000 tấn/năm. Thị trường giảm đã tác động mạnh đến khai thác. Bình Định là tỉnh có đội tàu khai thác cá ngừ lớn nhất nước, với gần 1.500 tàu cá hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương với sản lượng quý I đạt 3.760 tấn. Trong khi đó, tại Phú Yên, 600 tàu cho sản lượng khai thác khoảng 1.500 tấn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ giảm 31%, chỉ đạt 179 triệu USD. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, nhưng tỷ trọng của thị trường này giảm so với năm trước. Cùng với Mỹ, EU cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh đến 42%. Xuất khẩu cá ngừ gặp khó nên giá cá ngừ đại dương đang giảm ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, từ 150.000 đồng/kg giảm còn 100.000 -120.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn dưới 100.000 đồng/kg.