THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:28

Ghép tạng Việt Nam: Nhiều kỷ lục được xác lập

Những bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật ghép tạng

Những năm gần đây, ngành ghép tạng Việt Nam liên tục xác lập thêm được những thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu không kém so với y học thế giới. 2017 là năm chứng kiến thêm rất nhiều kỷ lục trong ngành ghép tạng Việt nam

Ngày 11/1/2017, y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) lần đầu thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo, cứu sống hai cô gái được cha mẹ mình hiến thận. Bệnh nhân đầu tiên là cô gái Kiên Giang bị suy thận mạn giai đoạn cuối, người duy nhất trong gia đình có đủ điều kiện để hiến thận là bố dượng. Tuy có cùng nhóm máu B, tương đối hòa hợp miễn dịch nhưng bệnh nhân lại có một kháng thể kháng lại HLA của bố dượng, nếu tiến hành ghép rất nguy hiểm. Bệnh nhân thứ hai là cô gái 32 tuổi ở Đăk Nông, bị suy thận mạn giai đoạn cuối và được mẹ ruột hiến thận. Dù mẹ con có cùng nhóm máu nhưng có một kháng thể dương tính với nhau, không thể tiến hành ghép. Cả hai cặp đều có cùng nhóm máu B, sau khi được các bác sĩ giải thích đã đồng ý trao đổi chéo cho nhau. Sau ca mổ ghép chéo, cả hai bệnh nhân chấm dứt những tháng ngày gắn liền bệnh viện và tuần 3 buổi chạy thận nhân tạo, hồi phục để trở về cuộc sống đời thường với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Đây là lần đầu Việt Nam thực hiện ghép thận trao đổi chéo thành công. . 

Một trường hợp khác, bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được bố 28 tuổi và bác ruột 30 tuổi mỗi người tặng một phần phổi để tạo thành hai lá phổi cho con. Ca ghép diễn ra ngày 21/2/2017, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, không giống các tạng khác. Một trong những điều quan trọng với thành công của ca ghép là chọn phổi khỏe để ghép. Rất may trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ đã cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả 2 lá phổi cho trẻ.

Các bác sĩ bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép tim

 

Ngày 15/3/2017, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã quyết định tiến hành ca mổ ghép tim đầy rủi ro. Cậu bé 10 tuổi Nguyễn Thành Đạt mắc bệnh cơ tim giãn, tim yếu dần đến lúc ngừng hoàn toàn, không còn giải pháp nào khác ngoài ghép tim. Trong thời gian chờ đợi tim để ghép, sự sống của bé được duy trì nhờ thuốc và máy móc hỗ trợ nhưng cũng không thể kéo dài quá lâu.May mắn 20 ngày sau đó có một thanh niên 19 tuổi chết não hiến tạng với thông tin sinh học cơ bản phù hợp với bé. Nếu không ghép thì rất phí quả tim được hiến, mà ghép sẽ vô cùng khó khăn bởi làm sao để ghép vừa quả tim từ một người trưởng thành nặng hơn 55 kg cho một đứa trẻ 10 tuổi.Ca mổ diễn ra đêm 15/3/2017 và là ca ghép tim với thời gian phẫu thuật dài nhất mà các bác sĩ tại đây thực hiện.Thế giới ghi nhận ca ghép tim có độ vênh nhau lớn nhất giữa cân nặng, kích thước của người cho và nhận là 3,4 lần; trung bình 1,5-2 lần. Trường hợp bé Đạt kích thước quả tim vênh đến 2,7 lần. Rất may sự chuẩn bị kỹ càng của các bác sĩ đã giúp ca mổ ghép thành công, quả tim ấy đã đập được trong lồng ngực cháu bé. 

Tháng 5/2017, một nam bệnh nhân 25 tuổi chẩn đoán bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML)m đây là bệnh máu ác tính hiếm gặp, tiên lượng rất xấu, thời gian sống trung bình 20-30 tháng. Ghép tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên xét nghiệm HLA của người chị gái duy nhất kết quả lại không phù hợp. Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã gửi mẫu của bệnh nhân để tìm người hiến tế bào gốc không cùng huyết thống tại Trung tâm Tzu Chi, Đài Loan. May mắn sau 6 tuần rà soát, ngân hàng tế bào từ Đài Loan báo có người cho phù hợp HLA 10/10. Người hiến tặng thiện nguyện là nam giới 37 tuổi, cùng cân nặng 79 kg và cùng nhóm máu A với bệnh nhân.

Các bác sĩ bắt đầu gấp rút bước vào hành trình tiếp nhận tế bào cho ca ghép xuyên biên giới đầu tiên. Nửa đêm 20/9, túi tế bào gốc từ Đài Loan vượt chặng đường 15 giờ  về đến TP HCM để ghép cho chàng trai ung thư máu, đánh dấu ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên Việt Nam. Thành công của ca ghép mở ra cơ hội hợp tác với các ngân hàng tế bào gốc trên thế giới để tìm nguồn hiến phù hợp cho người Việt, tạo nền tảng thành lập hệ thống hiến tế bào gốc quốc gia.

Chỉ còn chờ những tấm thẻ đồng ý hiến tạng      

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến 26/12-2017, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não là 11.653 trường hợp. Con số này gần gấp đôi so với năm 2016 (6.726 trường hợp). Đến nay, số người đăng ký hiến tạng khi còn sống là 192 trường hợp; số người đã tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe, các thông số y, sinh học trước khi hiến tạng tại Trung tâm là bảy trường hợp. Hiện nay, có một trường hợp đăng ký thực hiện hiến xác.

Năm 2017, Việt Nam thực hiện được 664 ca ghép tạng, trong đó 631 ca ghép thận; 29 ca ghép gan; ba ca ghép tim; một ca ghép phổi. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ ghép được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi với hơn 1.500 ca, tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Bệnh nhân phục hồi sau ca ghép tạng

 

Trong tổng số 11.663 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não vào năm 2017, con số đăng ký tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) lên tới 4.600 trường hợp, gấp rưỡi so với năm 2016. Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn luôn khẳng định vị trí là một đơn vị ghép tạng chinh phục được nhiều kỷ lục nhất. Năm 2017, Bệnh viện Chợ Rẫy lập 8 kỷ lục Việt Nam do Hội Kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là các kỷ lục về "Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam”; “Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam”.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được. Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn nhưng số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016, nhưng so với 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.Việt Nam đã sẵn sàng cho những ca ghép tạng khó, tiến tới chinh phục nhiều kỹ thuật mới trong ghép tử cung, ghép chi... Về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã sẵn sàng, chỉ còn chờ những tấm thẻ đồng ý hiến tạng, để cứu sống thêm nhiều người khác…

 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh