CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:01

Ghê rợn trò giết trẻ em để… hiến tế cầu xin ghế nghị sỹ!

.

Allan Ssembatya – một trong những nạn nhân của hủ tục hiến tế trẻ em ở Uganda.

  Một ngày đầu năm 2013, sau khi lùa đàn gia súc của gia đình ra đồng cỏ, cậu bé Kanani Ankunda (9 tuổi) và cô em gái Sylvia (8 tuổi) liền chạy tới một lùm cây để tránh nắng. 2 anh em đang mải chơi thì nhác thấy bóng một người đàn ông bước tới gần. Đó là một người sống cùng làng tên Sperito Bisekwa. Do đã từng gặp người đàn ông này nên cả Kanani và Sylvia đều không hề cảnh giác.

Tuy nhiên, khi vừa đến nơi, Bisekwa đã tỏ ra vô cùng tức giận, xối xả mắng 2 anh em về tội để đàn bò của chúng ăn thức ăn gia súc của anh ta. Vừa mắng, người đàn ông vừa xồng xộc kéo 2 anh em tới một khu rừng ở gần đó. Toàn bộ quá trình này diễn ra trên đồng cỏ vắng người qua lại nên không ai hay biết.

 Tại cánh rừng, Sperito đã tấn công Kanani trước, khiến Kanani ngất đi. Khi tỉnh lại, cậu bé phát hiện một vết thương do dao rựa gây ra trên cổ mình. Nhìn sang bên cạnh, Kanani thấy em gái đang nằm đó và đã qua đời. Theo điều tra của cảnh sát sau đó, thi thể Sylvia đã bị cắt xén chằng chịt đến mức rùng rợn. Kinh khủng hơn, trái tim và âm vật của bé cũng đã bị dùng dao cắt đi.

 Hủ tục kinh dị

Cảnh sát cho biết, Sylvia đã bị Bisekwa bắt cóc rồi bán cho anh trai của anh ta là một thầy phù thủy ở địa phương. Tên phù thủy này đã lấy những bộ phận cơ thể của bé gái để làm phép cho một khách hàng của hắn. Theo Tổ chức chăm sóc trẻ em Kyampisi (KCM) – một tổ chức từ thiện, chuyên giúp đỡ những nạn nhân của tục hiến tế trẻ em và gia đình của các nạn nhân ở Uganda – những vụ việc như vụ tấn công Kanani và Sylvia đã tồn tại từ lâu tại nước này và đang có xu hướng tăng đáng kể kể từ năm 2009 cho đến nay.

Giới chức Uganda cho biết, hiến tế trẻ em không phải là một truyền thống mà hủ tục rùng rợn này xuất phát từ lòng tham của con người. Nhiều người ở nước này hiện vẫn cho rằng việc hiến tế một đứa trẻ sẽ giúp họ có được nhanh chóng trở nên giàu có, xua đuổi tà ma hay chỉ đơn giản là chữa chứng liệt dương hoặc tăng cường khả năng sinh sản.

 Thông thường, vật hiến tế sẽ là máu của nạn nhân. Những thầy phù thủy ở Uganda cho rằng, máu của người hiến tế càng “sạch” thì pháp thuật càng có công năng cao, khiến cho những đứa trẻ vô tội thường trở thành mục tiêu tấn công.

 “Những kẻ muốn thực hiện các vụ hiến tế người thường nhắm tới trẻ em vì họ có thể tìm thấy những đứa trẻ đang đi bộ tới trường, về nhà hay đi xách nước” – một nhân viên bảo trợ trẻ em ở Uganda cho biết. Trên thực tế, các vụ việc trẻ biến mất khi đang đi bộ quãng đường giữa nhà và trường học hay đang đi xách nước ở giếng làng đã ghi nhận ở nước này rất nhiều trong suốt thời gian qua.

Trong một số trường hợp khác, ngoài lấy máu, các thầy phù thủy còn lấy đi các bộ phận trên cơ thể của “vật hiến tế”. Các bộ phận này thường là trái tim, tai, gan và bộ phận sinh dục của trẻ nhỏ. Việc thực hiện nghi lễ cắt xén các bộ phận trẻ bị hiến tế tàn bạo này thường được tiến hành khi những em bé vẫn còn sống và trải qua những đau đớn tột cùng này, chỉ có một số ít nạn nhân may mắn sống sót như Kanani.

Nhân viên bảo trợ trẻ em của chính phủ Uganda Shelin Kasozi cho biết tổ chức của cô nhận được thông tin về vài vụ việc trẻ trở thành nạn nhân của tục hiến tế mỗi tháng. Kasozi nhấn mạnh rằng các vụ việc giết trẻ em để phục vụ cho nghi lễ rợn người này xảy ra ở khắp nơi trong xã hội Uganda.

“Người giàu nghĩ rằng nếu tôi chịu hiến tế trẻ thì doanh nghiệp của tôi sẽ làm ăn khấm khá hơn còn người nghèo thì lại tin rằng nếu họ hiến đi một đứa trẻ thì họ sẽ thoát nghèo, sẽ trở nên giàu có” – cô Kasozi phân tích.

 “Phần nổi của tảng băng”

Theo Ureport, hệ thống báo cáo được Quỹ nhi đồng của Liên hợp quốc và tổ chức phi chính phủ BRAC tài trợ, có đến 10.317 người trẻ ở Uganda, cư trú tại tất cả các quận/huyện của nước này khi được hỏi cho biết chúng đã nghe được thông tin về một vụ trẻ em bị hiến tế trong cộng đồng mà chúng đang sinh sống.

 

Một bé trai thiệt mạng sau khi bị hiến tế .

Còn theo báo cáo được công bố hồi năm 2013 của tổ chức Humane Africa, trong suốt quá trình theo dõi kéo dài 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9/2012, trung bình mỗi tuần xảy ra 1 vụ hiến tế trẻ em tại 1 trong 25 cộng đồng mà họ tiến hành khảo sát.

Trong năm 2013, cảnh sát Uganda ghi nhận 10 vụ trình báo về việc giết trẻ em để hiến tế còn báo cáo buôn người trong nước của nước này đưa ra con số 12 vụ việc. Tuy nhiên, Humane Africa qua khảo sát đã thống kê chi tiết 77 vụ.

Ông Moses Binoga – người đứng đầu Lực lượng chống buôn bán và chống hiến tế người do chính phủ Uganda lập nên để trấn áp vấn nạn trên – cho biết, trong năm 2014, lực lượng của ông đã nhận được 9 đơn trình báo về các vụ trẻ em bị sát hại làm vật hiến tế. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, nhóm của ông cũng đã nhận được thông tin về 5 vụ việc tương tự.

Song, các nhà hoạt động cho rằng, con số thực tế cao hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu của tổ chức KidsRights, những số liệu thống kê nói trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, chưa phản ánh được đầy đủ và thực chất phạm vi của vấn đề.

Nguyên nhân là do việc thu thập bằng chứng về quy mô thực sự của vấn đề rất khó khăn do nhiều vụ việc không được trình báo, xuất phát từ nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát cũng như việc hệ thống pháp lý của Uganda hiện vẫn chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe với thủ phạm.

Bên cạnh đó, việc các thầy phù thủy khi bị bắt thường không chịu khai ra tên khách hàng của mình cũng khiến thủ phạm thực sự trong các vụ việc này có thể thoát khỏi việc bị trừng phạt. Sau đó, họ có thể tìm đến những thầy phủ thủy khác để theo đuổi đến cùng mục đích của mình.

 Lo ngại trước thềm bầu cử

Lo ngại về hủ tục hiến tế trẻ em ở Uganda hiện càng trở nên nghiêm trọng bởi theo ông Binoga thực trạng này không chỉ xảy ra ở bộ phận những người ít học tại các vùng nông thôn của nước này, bao gồm cả những người có liên quan đến hủ tục này có cả những người thuộc tầng lớp có địa vị cao.

“Chúng tôi nghi rằng một số chính trị gia cao cấp, một số nhân vật dân sự cấp cao cũng mù quáng, tin vào những trò phù phép đến mức chấp nhận hiến tế người khác để duy trì vị trí hay công việc của họ” – ông Binoga cho hay. Ông Binoga cho biết thêm rằng ông lo ngại số vụ giết trẻ em để hiến tế ở Uganda sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành bầu cử vào năm 2016. “Tình trạng hiến tế trẻ em dự kiến sẽ tăng thêm đáng kể. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, chắc chắn sẽ có nhiều người, bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng, sẽ tìm tới những ngôi đền của các thầy phù thủy. Một số người sẽ tuyệt vọng đến mức nếu được yêu cầu phải hiến tế một đứa trẻ để giành được một ghế nghị sỹ thì họ cũng sẽ đồng ý” – ông Binoga nói.

Trước viễn cảnh này, hồi tháng 2 vừa qua, chính phủ Uganda đã soạn thảo Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn những vụ sát hại trẻ nhằm mục đích hiến tế và phê chuẩn dự luật điều chỉnh hành vi của những thầy lang, bao gồm một số kẻ hành nghề phù phép. Song, ông Binoga cảnh báo rằng việc hiến tế trẻ nhỏ sẽ không vì thế mà được loại trừ tận gốc rễ.

“Thực trạng này tồn tại dựa vào lối suy nghĩ muốn hưởng lợi bất chấp hành vi phạm tội của con người. Do đó, chừng nào người ta vẫn còn suy nghĩ ấy thì vấn nạn này sẽ vẫn còn tiếp tục” – ông Binoga nhận định.

theo Baophapluat.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh