Ghê bẩn vì chồng từng ngoại tình, vợ giặt giũ điên cuồng đến mức ngủ cạnh máy giặt, đi khám mới biết đó là bệnh
- Y học 360
- 17:46 - 29/10/2019
Nhiều năm công tác tại khoa sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, bác sĩ phó trưởng khoa Ngô Loan Chấn đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Bác sĩ Ngô nhớ mãi 2 trường hợp đặc biệt, trường hợp thứ nhất phải "ôm" máy giặt đi ngủ vì bị ám ảnh cảm giác bẩn thỉu, trường hơp thứ hai đến đêm cũng không về đến nhà vì còn… bận đi đếm cột điện.
Theo bác sĩ, xã hội hiện đại khiến nhịp sống nhanh hơn, gấp gáp hơn và đương nhiên cũng nhiều áp lực, vì thế số người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ngày 1 gia tăng. Nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế có liên quan đến yếu tố di truyền, đặc điểm tính cách, tác dụng phụ của thuốc, yếu tố căng thẳng... đặc biệt liên quan mật thiết đến đặc điểm tính cách của bệnh nhân như theo đuổi quá mức sự hoàn hảo, do dự, thận trọng…
Người phụ nữ ngủ gật bên máy giặt vì cảm giác sợ bẩn
Bệnh nhân là cô Phạm, 42 tuổi, sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Bệnh nhân này vốn có công việc kinh doanh ổn định, gia đình hạnh phúc nhưng lại bị ám ảnh với việc dọn dẹp.
Nguyên nhân xuất phát từ 1 "tai nạn" 6 tháng trước, cô Phạm bất ngờ phát hiện người chồng thành đạt của mình có bồ nhí bên ngoài. Cuối cùng, cô vẫn chấp nhận tha thứ cho chồng nhưng cũng từ đó cô bắt đầu sợ bẩn, sợ bệnh. Ám ảnh với việc sạch sẽ, cô Phạm liên tục thay ga giường và giặt quần áo thật lâu để thoát khỏi cảm giác sợ bẩn.
Trong một lần cả gia đình đi vắng hết, cô Phạm có dịp thoải mái được giặt giũ theo ý mình. Cô đã dùng hết một túi bột giặt 2,5kg để giặt từ sáng cho đến đêm. Khi mệt quá, cô mới thiếp đi bên cạnh chiếc máy giặt. Lúc này, cô mới nhận ra vấn đề của mình quá nghiêm trọng và đến viện khám. Hành vi của cô được chẩn đoán là một loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế - "tự bắt mình phải sạch sẽ".
Tự bắt mình phải đếm các cột điện
Thực ra, những trường hợp giống với cô Phạm không hề hiếm. Một trường hợp bệnh tương tự là cô Châu, 36 tuổi, làm nhân viên ngân hàng. Vì yêu cầu nghề nghiệp nên cô Châu đã hình thành thói quen đếm đi đếm lại mọi thứ, không ngờ có ngày nó hình thành bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Cô Châu ngày càng đi làm về muộn, có khi đến đêm mới về bởi cô tự bắt mình phải đếm số cột điện trên đường từ chỗ làm về nhà.
"Hôm qua là 85 cái, vậy tại sao hôm nay là 84?", đó là câu hỏi luôn ám ảnh trong đầu cô. Nếu như cô nhận ra rằng số cột điện hôm nay mình đếm khác với những ngày trước, cô sẽ quay trở lại chỗ làm để đếm lại từ đầu. Chính vì vậy mỗi lần cô trở về nhà, cả thân thể lẫn tâm trí của cô đều mệt mỏi, kiệt sức. Tình trạng của cô cũng được bác sĩ Ngô chẩn đoán là rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?
Bác sĩ Ngô Loan Chấn cho biết rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một loại bệnh thần kinh đặc trưng bởi sự ám ảnh cưỡng chế và chuyển động cưỡng bức. Dù bệnh nhân biết rằng các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế là vô nghĩa, vô lý nhưng họ không thể kiềm chế hành động ấy tái phát vì cảm giác khó chịu, căng thẳng và lo lắng hơn. Cuối cùng, họ vẫn buộc phải thực hiện hành động để giải tỏa căng thẳng.
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?
Các ám ảnh thường xảy ra:
- Có các suy nghĩ không mong muốn như thấy các hình ảnh bạo lực;
- Xuất hiện nỗi sợ mình sẽ làm hại người khác và bản thân hoặc làm điều gì đó đáng xấu hổ;
- Cảm thấy có trách nhiệm cho những điều sai trái và điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra;
- Quan tâm quá mức đến chất thải cơ thể, chất bẩn hoặc vi khuẩn;
- Lo lắng quá mức đến các chất gây ô nhiễm và lo lắng về việc bị bệnh nặng đến một mức độ không hợp lý.
Các hành vi cưỡng chế:
- Thức dậy vài lần vào ban đêm để chắc chắn rằng các thiết bị đã được tắt, cửa đã khóa và cửa sổ đã đóng;
- Sắp xếp quần áo, giày dép hoặc chén đĩa theo một thứ tự hoặc theo một hướng nhất định thì mới hết cảm giác lo âu;
- Rửa tay liên tục vì sợ nhiễm trùng (mặc dù điều này không có khả năng xảy ra).
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần phải đến gặp bác sĩ khi:
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bạn;
- Gặp các triệu chứng về thể chất như đau ngực hoặc đánh trống ngực hoặc nếu bạn có ý định tự tử hoặc giết người.
Theo ettoday, ce