THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:48

Gặp mặt với các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

 

Tham dự buổi tiếp cùng Bộ trưởng còn có Thứ trưởng Đào Hồng Lan, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dạy nghề, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới, Viện Khoa học – Lao động và Xã hội. Về phía Bộ Ngoại giao có 22 Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại các quốc gia do ông Dương Chí Dũng, Trợ lý Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan, phát biểu và chúc mừng các đại sứ mới được bổ nhiệm.

 

Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Đào Hồng Lan chúc mừng các Trưởng Đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tới thăm và làm việc tại Bộ, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, tốt đẹp giữa các cơ quan đại diện tại nước ngoài với Bộ thời gian qua về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội. Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan của Chính phủ, được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội với cơ cấu tổ chức gồm 18 đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 31 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước; 13 đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục, Cục; 3 Quỹ; 2 Dự án viện trợ và Làng SOS trẻ em Việt Nam.

Về hợp tác quốc tế của Bộ thời gian qua, Bộ hợp tác thông qua hơn 100 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 20 tổ chức quốc tế và khu vực, hơn 40 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Hiện nay, Bộ đang xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tăng cường hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc và các Diễn đàn khu vực; Tiếp tục đẩy mạnh vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC); Chủ động tham gia các Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ; Tăng cường đối thoại chính sách với các đối tác song phương về lao động, việc làm, an sinh xã hội; Tăng cường chủ động khai thác sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho việc xây dựng các chiến lước, các ưu tiên lớn của Ngành trong giai đoạn 2016 – 2020. 
Về vấn đề hợp tác, hiện nay, Bộ đang phối hợp công tác với 4 khu vực: Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi. Đối với từng quốc gia và khu vực cụ thể, Bộ phối hợp theo từng mảng lĩnh vực riêng. Ví dụ, tại khu vực Châu Á, Bộ hiện đang phối hợp với Hàn Quốc về các lĩnh vực: Lao động – Việc làm; Dạy nghề; An toàn, vệ sinh lao động; Bình đẳng giới; bảo hiểm xã hội. Đối với Hàn Quốc, Bộ đề xuất về lĩnh vực Lao động – Việc làm bao gồm: Tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt nam theo Chương trình EPS, đặc biệt là Ngành Ngư nghiệp cũng như chỉ tiêu tiếp nhận thuyền viên tàu đánh cá gần bờ sang Hàn Quốc làm việc cho năm 2016 và năm 2017; Ủng hộ, phối hợp với Việt Nam trao đổi, thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thực hiện một số biện pháp ưu tiên đối với người lao động tại bốn (04) tỉnh miền Trung vừa có sự cố môi trường để đưa họ đi làm việc tại Hàn Quốc; Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp như công tác tuyên truyền, vận động tại Việt Nam cũng như Hàn Quốc.

Thay mặt các Đại sứ và Tổng Lãnh sự sẽ đi nhận nhiệm vụ tại 45 quốc gia nhiệm kỳ 2016-2019, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Dương Chí Dũng cho biết​, trước khi đi làm nhiệm vụ, Đoàn đến chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm việc với các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương, nắm bắt yêu cầu đối ngoại cũng như xác định triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực với các quốc gia, khu vực trên thế giới.

Ông Dương Chí Dũng Trợ lý Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao phát biểu.

 

Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Đại sứ và Tổng Lãnh sự đi nhận nhiệm vụ đều cảm thấy vinh dự, trách nhiệm lớn lao; mong muốn sẽ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao giao phó; góp phần củng cố quan hệ đối ngoại, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; nỗ lực xây dựng cơ quan đại diện xứng đáng với hình ảnh đất nước, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới. 

Tại buổi tiếp, ông Dương Chí Dũng đánh giá cao sự đón tiếp trọng thị của Bộ LĐ-TB&XH dành cho đoàn đồng thời đề xuất các Trưởng đại diện cùng trao đổi thực chất, sâu sắc với Bộ LĐ-TB&XH về lĩnh vực hợp tác quốc tế của Bộ cũng như mối quan hệ sắp tới tại các quốc gia. Ông Dương Chí Dũng chia sẻ, hiện nay, 22 Trưởng Đại diện và Tổng Lãnh sự thực hiện nhiệm kiêm nhiệm tại 45 quốc gia trải rộng ở bốn (04) Châu lục. Ông Dương Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta cần xây dựng chiến lược đối ngoại trong 5 năm tới, những nhiệm vụ trọng tâm về ngoại giao chính trị - kinh tế, xuất khẩu lao động, đối tác chiến lược và hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác song phương giữa các quốc gia. Các đại biểu đã cùng chia sẻ, trao đổi thông tin về các lĩnh vực xuất khẩu lao động, bình đẳng giới, đào tạo nghề, an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động, việc làm… Đặc biệt nhấn mạnh một số bất cập trong công tác xuất khẩu lao động như tình trạng lao động bỏ trốn hoặc bỏ về giữa chừng, công tác quản lý lao động của cơ quan phái cử, năng suất lao động thấp, trình độ ngoại ngữ, tay nghề chưa cao… Các đại biểu cam kết, thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ chặt chẽ hơn nữa nhằm cải thiện những bất cập nêu trên. 

                                  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  nghi nhận những ý kiến, của các Trưởng Đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các Đại sứ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động và xã hội. Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ giao quản lý 12 lĩnh vực về lao động, người có công và xã hội với số lượng đối tượng cần được chăm lo lớn: 23 triệu người trong nhóm yếu thế; 8,8 triệu người có công; 3 triệu người trong nhóm bảo trợ xã hội…

Đặc biệt, Chính phủ hiện chỉ còn 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó Bộ chủ trì và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2021. Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, Bộ cần xử lý 3 vấn đề ưu tiên hàng đầu, đó là: Công tác chăm lo chính sách, đời sống dành cho người có công với cách mạng; dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, thị trường, dự báo cung – cầu lao động và doanh nghiệp cho người lao động; Tác động về Tổ chức Lao động và Quan hệ Lao động sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).  

Toàn cảnh buổi tiếp.


Để hoạt động hợp tác giữa hai Bộ hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài phối hợp chặt chẽ với Bộ trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, nhằm bảo hộ công dân đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam tại nước ngoài; Mở lại thị trường lao động tại một số quốc gia; Thực hiện nghĩa vụ thành viên thường niên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong quá trình hội nhập. Bộ trưởng tin tưởng, với tư cách của mình, trong từng hoàn cảnh cụ thể, các Trưởng Đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục mở ra cho Việt Nam những cánh cửa mới về lĩnh vực xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo và nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, chụp ảnh lưu niệm với các Đại sứ và Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm.

Mạnh Dũng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh