THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:27

'Không bao giờ được phép quên ngày Hoàng Sa thất thủ'

 

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), đã khẳng định như trên vào chiều 19/1, tại buổi gặp mặt 12 nhân chứng từng sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa.

Ngày một phần lãnh thổ thiêng liêng bị xâm chiếm

Ông Đồng nói rằng, nhiều năm qua UBND huyện Hoàng Sa, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng đã sưu tầm được rất nhiều tài liệu, bản đồ của các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước nói về Hoàng Sa. Tất cả các tài liệu này đều chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhân chứng Lê Lai, nguyên là nhân viên y tế trên quần đảo Hoàng Sa, chảy nước mắt kể lại lúc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Thời chiến tranh, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã khai thác, sử dụng quần đảo này. Tuy nhiên, đến ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã nổ súng xâm chiếm đảo.

"Hôm nay là một ngày mà chúng ta và các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ được quên. Đó là ngày một phần lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc bị kẻ khác xâm chiếm trái phép", ông Đồng nhấn mạnh.

Là một trong số 12 nhân chứng Hoàng Sa hiện diện tại buổi gặp mặt, ông Trần Hòa (ngụ Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) kể tháng 10/1973, khi đó ông mới đôi mươi, đã không nề hà khó khăn để ra Hoàng Sa làm y tá. Trong 3 tháng làm nhiệm vụ, ông nhớ rõ có lần biển động, một tàu cá Trung Quốc không kịp vào bờ đã tấp vào đảo trú ngụ trong đêm.

Chiếc tàu này sau đó bị bão biển đánh chìm, các ngư dân được cứu giúp lên đảo. Ông Hòa và những người lính địa phương, nhân viên khí tượng giữ đảo nhường cơm xẻ áo cho các ngư dân Trung Quốc, dù lương thực trong 3 tháng đã được tính toán chi li vừa đủ.

“Anh em chấp nhận nhịn đói để cưu mang ngư dân nước họ. Thế mà sau đó gần 3 tháng, phía Trung Quốc lại đưa quân lên đảo xua đuổi chúng tôi, rồi ngang nhiên chiếm giữ quần đảo này”, ông Hòa kể.

Một nhân chứng khác nhớ lại, vào ngày 18/1/1974, đội của ông lên tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) về đất liền thì phát hiện tàu chiến Trung Quốc đang xâm phạm phía nam đảo Hoàng Sa. Lúc này, tàu HQ-16 chặn đường, buộc tàu Trung Quốc rút lui.

Sau đó, 6 người trên HQ-16 được yêu cầu xuống xuồng trở lại đảo. Đến rạng sáng 19/1/1974, khi mọi người vào đến đảo thì phía Trung Quốc bắt đầu dội pháo và đổ bộ lính, bắt hết lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

“Bây giờ Hoàng Sa là của Việt Nam thì cả thế giới đều biết cả rồi. Nhưng họ không chịu trả lại cho chúng ta là điều đáng buồn. Chúng tôi còn sống ở đây và sẽ luôn nói với con cháu là sẽ tìm mọi cách để đòi lại quần đảo Hoàng Sa", nhân chứng Trần Văn Chương (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nói.

Phải cương quyết lấy lại Hoàng Sa

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, tặng quà cho các nhân chứng Hoàng Sa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho biết, từ năm 2014 vấn đề chủ quyền Hoàng Sa đã làm "nóng" trên tất cả các diễn đàn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, theo ông Ngữ, trách nhiệm đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không chỉ dừng lại trên mặt trận truyền thông, sưu tập, tổng hợp các bằng chứng để khẳng định chủ quyền, mà cần phải biến thành hành động.

"Bước tiếp theo là phải đưa các bằng chứng đó ra để đấu tranh pháp lý, đấu tranh ngoại giao, tiến tới đòi lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc", ông Ngữ nói.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, cho biết hai năm qua Đà Nẵng đã đưa lịch sử Hoàng Sa vào chương trình giáo dục trong các cấp học. Vị này kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa lịch sử Hoàng Sa vào sách giáo khoa để giáo dục cho các thế hệ trẻ. 

"Chúng ta sẽ không bao giờ được phép quên ngày Hoàng Sa thất thủ. Phải nói với con cháu mai sau nhớ mãi sự kiện này. Mười năm, 50 năm hoặc 100 năm sau, nhất định chúng ta phải đòi lại chủ quyền quần đảo thiêng liêng này", ông Tiếng nhấn mạnh.

Huyện Hoàng Sa phải có dân

Ông Đặng Công Ngữ nói rằng, việc TP Đà Nẵng bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa là minh chứng cho quyết tâm đòi lại chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, theo ông, Nhà nước cần phải cho phép huyện này có dân.

"Trước mắt, khi Hoàng Sa đang rơi vào tay nước khác thì chúng ta nên lấy dân ở một số phường thuộc quận Sơn Trà nhập khẩu vào huyện Hoàng Sa", ông Ngữ kiến nghị.

Vị này cũng mong muốn chính quyền Đà Nẵng sớm thành lập Hiệp hội nghề cá Hoàng Sa để các ngư dân đùm bọc, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa.

Theo Zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh