Gặp em ngày nắng: Câu chuyện chan chứa tình người những ngày đầu xuân
- Tây Y
- 20:09 - 21/01/2024
“Gặp em ngày nắng” tái hiện không khí ngày Tết với những tất bật lo toan từ người trẻ tới người già và những nỗi niềm vừa rất đỗi cá nhân, lại vừa không hề cá biệt. Đó có thể là Phương, bận rộn mưu sinh đến nỗi không còn quỹ thời gian để dành cho một mối tình, tưởng như khát khao kiếm tiền bằng mọi giá nhưng cuối cùng vẫn từ bỏ tất cả để đánh đổi một phút giây đoàn viên đêm giao thừa với cha mẹ. Đó cũng là bác tài xế ở lại thành phố để hướng đến một cái Tết muộn mằn và đầy đủ hơn cho vợ con. Đó có thể là bà Quý, cảm thấy mình như gánh nặng của con cái, cản trở hạnh phúc của họ, cô đơn đến mức thực sự muốn gửi chính mình vào trong viện dưỡng lão. Hay là ông Hợp, ông già ước ao “đi trốn” trong đêm giao thừa và rồi thành công biến mất ở ngày mùng 3 Tết. Đó có thể là chuyến hành trình ngậm ngùi nhưng cũng đầy ấm áp khi những “lão ông lão bà” tìm đến đứa cháu của một người bạn đã qua đời vì Covid để dành cho đứa cháu ấy những quan tâm bù đắp…
Chuyện phim kể về mối duyên éo le giữa Phương, cô gái nhiều gánh nặng áo cơm và Huy, chàng thanh niên đầy áp lực lập gia đình trong dịp Tết đến. Phương trở thành bạn gái của Huy trong một buổi tiệc, nhưng mối quan hệ lợi ích này lại lại dẫn họ đến rất nhiều tình huống trái ngang, mở ra những mối quan hệ không ngờ với người thân của cả hai phía. Nhưng điều đặc biệt, chính qua những biến cố và trải nghiệm, họ dần cảm mến nhau, tình yêu đã nảy nở trong họ tự nhiên như mùa xuân đang về.
Theo đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu, hôn nhân, tình yêu luôn là câu hỏi để ngỏ của người trẻ và mong mỏi của người già, thế nên, dẫu có bao ý kiến trái chiều, câu hỏi quen thuộc nhất mỗi dịp cuối năm đoàn tụ có lẽ chính là “Có người yêu chưa, bao giờ ăn cỗ!”. Đó là Huy – một người có cuộc sống đủ đầy nhưng áp lực chuyện trăm năm gặp ngay Phương – một cô gái bươn chải mưu sinh, sẵn lòng vì lợi ích mà đóng vai bạn gái người khác. Hai người, với xuất thân, hoàn cảnh khác biệt, vì một hợp đồng mà thoáng chốc trở thành cặp uyên ương, trước bao nhiêu ánh mắt trông chờ lẫn soi xét.
Thế nhưng, cùng đồng hành, cùng đứng trước nguy cơ đổ bể vai diễn, cùng cố gắng để gìn giữ niềm vui trọn vẹn cho gia đình của nhau: Với nhà Huy là niềm vui có cô dâu mới, với nhà Phương là việc có thể thuốc thang cho bố và lo cho gia đình. Trong vô thức, Huy và Phương dần xích lại gần nhau, chiêm nghiệm lại cuộc sống của chính mình qua lăng kính của người còn lại.
Thế nhưng, khi vở kịch có xu hướng “lộng giả thành chân”, đứng trước bao yêu thương tin tưởng của nhà Huy, cảm giác “lừa đảo” lòng tin của những người lớn tuổi đã khiến cho Phương chạy trốn khỏi hợp đồng, cũng chạy trốn khỏi người bạn trai danh nghĩa mà cô dần rung động. Và đó, cũng là lúc để Huy nhìn lại lòng mình. Trong mùa xuân mới, Huy đã đăng kí một tour du lịch cho trái tim, để tìm cơ hội cho chính bản thân một tình yêu thật lòng.
Bằng việc đưa vào câu chuyện hai hệ thống nhân vật: lứa trẻ với câu chuyện của Huy Phương; lứa già với câu chuyện của bà Quý, bà Thương, ông Hợp, chuyện phim đem đến lăng kính dung dị, soi rõ những khác biệt thế hệ khi đặt tất cả tình huống vào một thời điểm đặc biệt: Tết Nguyên Đán.
Đó là thời điểm mà dù muốn dù không, mỗi người đều đứng trước những tình huống mà họ sẽ phải thể hiện góc nhìn của chính mình về cuộc sống, lựa chọn niềm vui cá nhân hay hướng về nguồn cội, trở về sum họp hay muốn có khoảng trời riêng tư, một cơ hội kiếm tiền hay trở về tận hưởng những khoảnh khắc đoàn viên bên mâm cơm giao thừa. Và, những phong tục tập quán ngày Tết, liệu có là phú quý sinh lễ nghĩa, hay là những giá trị đẹp đẽ luôn cần nâng niu gìn giữ?
Từ góc nhìn khách quan, cởi mở, “Gặp em ngày nắng” vừa là sự mô tả, vừa là sự sẻ chia những quan điểm, và tôn trọng mọi góc nhìn. Ở đó không có đúng sai, chỉ có tâm thế của mỗi người trước mọi vấn đề đời sống và ứng xử sao cho chu toàn nhất. Và hơn tất cả, bằng những tình huống bình dị đời thường, chuyện phim khiến cho người trẻ nghĩ sâu hơn, người già nghĩ thoáng hơn, họ soi vào những quan điểm của nhau để điều chỉnh và hoàn thiện chính mình.
Không phải là motip mới mẻ, nhưng cách kể chuyện hiện đại, những tình huống bất ngờ, những phản ứng không lường trước, và đặc biệt, chính tính cách tươi sáng tích cực của hai nhân vật Huy Phương đã khiến cho chuyện tình yêu của đôi bạn trẻ vẫn đầy bất ngờ thú vị.
Mỗi một cảnh ngộ, mỗi một nỗi niềm đều hiện ra bình dị, để mỗi người nhìn vào thấm thía hạnh phúc của mình hơn, cũng học lại bài học về sự sẻ chia và thấu hiểu; học lại sự quý giá của đời sống để bớt hời hợt mà sống hết lòng hơn. Và hơn tất cả, câu chuyện lan tỏa một tình người ấm áp, dịu ngọt như nắng ngày xuân về.
Gặp em ngày nắng” là sự tái ngộ của một ekip trẻ trung, hiện đại: Đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu, biên tập Lại Phương Thảo, từng ghi dấu ấn với “11 tháng 5 ngày” và “Gia đình vui bất thình lình”. Điểm đặc biệt, bộ phim còn quy tụ dàn diễn viên kết hợp giữa sự tươi mới, trẻ trung như Đình Tú, Anh Đào, Trần Kiên, Cù Thị Trà, Yến My…và những gương mặt kỳ cựu, giàu kinh nghiệm như NSND Lan Hương, NSUT Thanh Quý, NSND Quốc Trị, NSND Thanh Tú…