Gặp bà mẹ 11 năm sống tại Anh - người đưa kiểu ăn dặm châu Âu vào Việt Nam
- Bác sĩ
- 19:58 - 15/05/2020
My Nguyễn (Mandy Nguyễn), 31 tuổi.
Tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, chuyên ngành Quản Lý Thương Hiệu Thời Trang cao cấp tại Istituto Marangoni London.
Từng làm Fashion buyer ở Harvey Nichols, một trong những Luxury department store lâu đời và có tiếng nhất ở Anh.
Làm mẹ của bé Gracie, 2 tuổi, có tiệm đồ ăn dặm nấu sẵn cho trẻ con, người đã đưa cách ăn dặm kiểu Châu Âu tới Việt Nam.
Bỏ công việc mơ ước và cuộc sống 11 năm ở Anh vì... quá bình yên
Nguyễn My (Mandy Nguyễn) 31 tuổi, sinh ra tại Hà Nội, có 11 năm sống học tập và làm việc tại Anh. Hiện tại My đã về lại Việt Nam làm công việc chính là nghề Làm Mẹ, mẹ của bé Gracie, 2 tuổi.
Học hết lớp 9, My đi du học tại Anh rồi học từ PTTH đến đại học và thạc sĩ. Sau đó My lập gia đình với một người đàn ông Việt có thâm niên sống tại Anh còn lâu hơn mình. My cũng làm về thời trang đúng chuyên ngành, công việc là Fashion buyer, tức là lựa chọn những mẫu đồ hiệu hợp thị hiếu về bán tại một trong những cửa hàng cao cấp lâu đời và có tiếng nhất ở Anh.
Ấy thế mà một công việc đúng chuyên ngành, năng động và rất thời thượng như thế không hẳn khiến My vui. Một công việc đi làm 8 tiếng, lúc cả hai vợ chồng mệt nhoài về nhà rồi nấu nướng cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong là đã đến giờ đi ngủ. Thế là My bàn với chồng quay về Việt Nam.
Cuộc sống ổn định và yên bình được lập trình chuẩn mực này có thể là mơ ước với nhiều người nhưng nó khiến My cảm thấy không thỏa mãn cho phần tuổi trẻ đang có. Và thế là dù nhiều người coi trời Âu là biển lớn, là ước mơ thì người phụ nữ đã có gần nửa cuộc đời tính đến thời điểm hiện tại ở Anh lại muốn quay về quê hương, dù nó có chút phiêu lưu.
Cú ngã sấp mặt cho dự án đầu tiên tại Việt Nam
Và năm 2015, 2 vợ chồng My về Việt Nam. My bắt đầu startup với 1 dự án về thời trang trẻ em. Lúc đó My chưa có con nhưng vì gần gũi đặc biệt với đứa cháu nhỏ của mình mà có cảm hứng với thời trang trẻ em. Tuy nhiên, sau 1 năm cho cả việc nghiên cứu và thực hiện thì nó… thất bại. Bộ sưu tập đầu tiên và cũng là cuối cùng cho dự án này đóng lại.
Bản tính là làm gì cũng được nhưng phải làm mới và khác so với người khác nên My chọn xây một thương hiệu riêng với nguyên liệu từ tự nhiên, sợi bông được đặt từ Ấn Độ. Thế nhưng, do chưa tìm hiểu về thị trường Việt Nam nên cô thất bại ngay từ lúc còn đang chập chững startup vì sản phẩm cho giá thành quá cao, không phù hợp với số đông mua đồ giá thành vừa phải với tư tưởng trẻ con mau lớn. Một bộ phận khác có tiền hơn thì họ chọn đồ từ những thương hiệu có tiếng cơ. Một món đồ cho trẻ từ 6-7 tháng My làm có giá từ 600 - 1 triệu. Nếu có người mua cũng rất ít vì chỉ diện cho trẻ đi chơi, không thể bán số lượng nhiều. Và như thế, dự án khởi nghiệp đầu tiên của My đã nhanh chóng chết yểu.
Lúc này My cũng tự nhận ra mình vốn là người thích rất nhiều thứ nhưng bản thân lại không định hình được một nghề nghiệp để theo đuổi 1 cách hào hứng, say mê và lâu dài. Và đúng thời điểm này thì My có em bé, cô bắt đầu khởi nghiệp với 1 nghề thực thụ, đó là nghề Làm mẹ.
Sự thay đổi sau khi làm mẹ và cơ duyên đưa kiểu ăn dặm Châu Âu về Việt Nam
Có con gần như đã thay đổi My thành người khác, đặc biệt thứ nghề nghiệp mà khiến cô cảm thấy vui thích và hợp nhất với mình từ trước đến giờ chính là đây. My đã hạnh phúc với tất cả những điều nhỏ bé từ một đứa trẻ, niềm cảm hứng hạnh phúc từ máu mủ, từ sự ngây thơ, ngộ nghĩnh của trẻ nhỏ.
Vì có 11 năm sống ở Anh nên My đã có thời gian quan sát thực tế, cộng với việc đọc các tài liệu nước ngoài và cô nhận thấy những ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Châu Âu để lựa chọn cho bé Gracie. Cũng từ đây mà sinh ra niềm cảm hứng khiến cô viết 1 blog về chuyện cho trẻ ăn dặm.
Nguồn cảm hứng với baby food khiến người phụ nữ vốn không thích nấu ăn đã hàng ngày vào bếp tự tay nấu cho con mình mọi bữa ăn dù nhà có người giúp việc. Học thạc sĩ ở nước ngoài, dù có 11 năm sống ở Anh và dù làm 1 công việc đúng ngành mình theo học, nhưng lần đầu tiên sau khi làm mẹ người phụ nữ này mới biết có 1 thứ mình mê đến thế đó là làm mẹ và nấu ăn cho trẻ con.
Lần đầu tiên sau khi làm mẹ người phụ nữ này mới biết có 1 thứ mình mê đến thế đó là làm mẹ và nấu ăn cho trẻ con.
Chính vì thế, My mới nảy ra ý tưởng chia sẻ nhiều hơn để mọi người biết đến phương pháp ăn dặm, dường như chỉ có mình cô theo đuổi. Và từ đó cùng với việc làm mẹ My viết blog và mở 1 tiệm đồ ăn dặm kiểu Châu Âu với nguyên liệu được chọn lựa kỹ càng.
Khách hàng đầu tiên của My chính là Gracie, em bé 27 tháng hiện không to béo mập mạp, nhưng chỉ duy nhất 1 lần sốt do mọc răng, bé không bị ốm lần nào. Điều đặc biệt khi đưa cho bé 2 sự lựa chọn là bim bim và rau, bé sẽ không ngần ngại chọn rau.
Cách My chơi với con cũng khiến nhiều mẹ phục vì dành nhiều thời gian và tâm huyết vào những trò vừa học, vừa chơi cùng trẻ. Nhiều người nói rằng tại nhà My có điều kiện, có thời gian nên mới có thể làm thế được. Nhưng My thì cho rằng cuộc sống ai cũng có những nỗi lo riêng, người có tiền lo khác người không có tiền, nhưng My trân trọng từng khoảng thời gian bên con và dành thời gian cho con cô không thấy lãng phí.
“Ở phương Tây người ta có nói đến 1000 ngày vàng chính là khoảng thời gian từ trong bụng mẹ đến 2 năm đầu đời. Vì thế, lúc mình dành thời gian cho Gracie mình thấy hạnh phúc lắm. Bé cũng dạy lại mình nhiều điều, đặc biệt là hãy sống cho đúng khoảnh khắc hiện tại này. Gracie thích cái bóng của mình, thích vết nứt trên tường… Đừng để đầu óc trôi trong những miên man, thiên nhiên tươi đẹp trước mặt không ngắm nhưng lại mải nghĩ tối nay ăn gì. Nếu có lo thì lo cả đời nên hãy sống tận hưởng hiện tại, hãy thiền động… để luôn bình an, vui vẻ mỗi ngày”, My nói.
Theo phương pháp ăn dặm kiểu Châu Âu thì các bé 6 tháng sẽ được bắt đầu với thực đơn rau củ riêng biệt.
Những ưu điểm của cách ăn dặm kiểu Châu Âu
My thấy thói quen ăn dặm kiểu truyền thống của Việt Nam là hầm xương, nấu cháo trắng và cho thêm ít rau, thêm thịt, tôm, cá, trứng… Nhưng theo cách ăn dặm kiểu Châu Âu thì các bé 6 tháng sẽ được bắt đầu với thực đơn rau củ riêng biệt vì thế rau cải bina, cà rốt hay táo… các vị rất rõ. Mẹ dần dần sẽ biết con thích món gì, có dị ứng với loại thực phẩm nào không. Sau đó sẽ tăng dần và đa dạng nguyên liệu cùng thời gian.
Nhiều loại gia vị cũng được sử dụng nấu ăn cho trẻ từ bé, đó không phải là mắm, mì chính, bột canh mà là: bột nghệ, bạc hà, húng quế, cần tây, ớt chuông, tỏi tây, hành tây… và thật lạ là cái gì các bé cũng ăn được, không phải khó ăn như nhiều người nghĩ.
Và nữa là vì các bé còn nhỏ, ban đầu bé là 1 tờ giấy trắng, đâu đã có khẩu vị đâu, là do cha mẹ hướng dẫn trẻ mà thành. Có lẽ vì thực phẩm có thành phần đa dạng, giàu dinh dưỡng, được tính toán hợp lý bằng khoa học chứ không phải bằng cảm tính, hầu như người lớn ăn gì các bé ăn cái đó, nên Gracie là minh chứng rõ nhất My thấy hiệu quả.
Cách nấu phù hợp cũng là điều quan trọng với kiểu ăn dặm Châu Âu, các món ăn không được ninh quá lâu, chỉ đun nấu trong thời gian nhất định để giữ tốt nhất vitamin trong thực phẩm, mẹ cũng không mất quá nhiều thời gian. Nên các bé ở phương Tây dường như không khảnh ăn và thậm chí ăn uống có phần hào hứng, không thụ động như nhiều bé ở Việt Nam.
Tinh bột sử dụng trong thực đơn ăn dặm của các bé Tây thì cũng rất đa dạng: Gạo trắng, yến mạch, ngũ cốc khác nhau, đại mạch, các loại đậu… Điều này rất khác, không chỉ thường là mỗi từ gạo trắng như ở Việt Nam.
My cho biết cô dù ở nước ngoài lâu năm, nhưng cũng không hoàn toàn đơn thuần chỉ là sính ngoại. Bằng việc học hỏi và quan sát nên cô đã chọn lựa ra những phương pháp ưu điểm hơn để áp dụng trong việc chăm sóc Gracie.
Sắp tới My cũng có dự định ra mắt cuốn sách về toàn bộ phương pháp cách thức nấu ăn dặm Châu Âu để cho các mẹ có cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết, không phải inbox hỏi với rất nhiều thắc mắc: Đồ ăn có cần nấu lại không? Để nấu cùng món ăn khác hay ăn riêng mình nó?... Đặc biệt nữa để các mẹ khác nếu không có điều kiện mua đồ ăn sẵn hay các mẹ ở tỉnh xa cũng có được công thức chuẩn để tự nấu cho con mình.
Cuối cùng My chia sẻ điều lớn nhất khiến cô muốn làm tất cả những việc này vì thấy được những ưu điểm của ăn dặm kiểu Châu Âu vì tính đa dạng, khoa học, giá trị dinh dưỡng cao... nên muốn chia sẻ nhiều hơn tới các bà mẹ Việt.
My không phải là người cổ xúy lối sống Tây hóa vì cô là người trân trọng các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, các mẹ hãy tham khảo các phương pháp khác nhau trong việc nuôi dạy trẻ để chọn lọc và tự tìm ra một phương pháp thích hợp cho con mình... bằng trái tim một người mẹ.