THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:28

Gánh nặng học phí

 

Tằn tiện nuôi con ăn học 

Năm học vừa rồi, gia đình chị Phan Thị Đam ở xã Liên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) có 2 con, đứa đầu học lớp 8, đứa sau lớp 6. Vì chồng sức khỏe yếu nên một mình chị phải bươn chải nuôi chồng, nuôi con. Năm nào cũng vậy, cứ sắp bước vào khai giảng năm học mới, chị lại phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con. Chị chia sẻ: “Làm cha làm mẹ ai chẳng muốn con mình được bằng bạn, bằng bè, nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện kinh tế nên đành chịu. Năm nào cũng vậy cứ vào đầu năm học mới tôi lại phải đi vay tiền hàng xóm để mua cho con bộ sách giáo khoa cũ; còn cặp thì về nhà ngoại xin chiếc cặp cũ của con anh trai về dùng tạm, chứ cơm cũng chưa đủ ăn thì giờ biết lấy đâu ra tiền để mua sách, cặp mới cho con”.

Cả hai vợ chồng gia đình anh Nguyễn Bá Khánh xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội còn khỏe mạnh nhưng lại đông con. Anh chị có 5 người con. Đầu năm học 2015 - 2016, anh chị có 4 người con cùng đi học ở 3 cấp trung học, tiểu học và mầm non. Vợ anh ở nhà làm ruộng còn anh làm thợ xây, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng nên phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày. Anh Khánh cho biết: “Năm ngoái, vào năm học mới, đi họp phụ huynh cho cả 4 đứa, các khoản đóng góp cho các con lên tới 4 – 5 triệu đồng. Để có tiền đóng học cho con, năm nào vợ chồng tôi cũng phải đi vay, sau đó cố gắng làm lụng rồi tích góp trả dần”.

Giống như tình cảnh nhà anh Khánh, chị Nguyễn Thu Hà, CN Xí nghiệp May Hà Nội (Cty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân) cho biết: “Chưa biết năm nay mức đóng khoản tiền xây dựng trường và bảo hiểm thân thể là bao nhiêu, còn năm ngoái số tiền đóng cho 2 khoản này cũng gần cả triệu đồng chưa kể các khoản khác như quỹ lớp, tiền đồng phục, tiền vệ sinh, bán trú, học thêm…Vợ chồng tôi mới có 1 con, với thu nhập bình quân của hai vợ chồng khoảng 10 triệu đồng/ tháng lại còn phải trả tiền thuê nhà, điện, nước, tiền sinh hoạt hàng ngày vì vậy lúc nào cũng phải “giật gấu vá vai” mới đủ chi tiêu hàng tháng”.

Học phí đang là gánh nặng đối với phần đông các gia đình Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cùng với các khoản chi phí chính tại trường, thì việc dạy thêm đối với cấp THCS và THPT thì vẫn diễn ra hàng ngày. Việc học thêm đã trở thành gánh nặng chồng chất trên đôi vai của phụ huynh. Với không ít gia đình, tiền đóng học thêm là một khoản chi khá lớn. Tiền đóng học thêm làm giảm chất lượng bữa ăn hàng ngày, giảm chất lượng cuộc sống. Bữa  ăn trong gia đình vốn đã đạm bạc nay càng đạm bạc hơn vì phải để dành tiền đóng học phí.

Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu giáo dục cao

Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục vào loại cao trên thế giới. Nhìn từ phía Nhà nước, trong tổng chi phí, phần chi ngân sách nhà nước cho giáo dục tăng từ 4,2% năm 2000 (chiếm 16,9% tổng chi ngân sách nhà nước) lên 5,6% GDP năm 2006 (chiếm 18,6% tổng chi ngân sách nhà nước), năm 2007 giữ nguyên ở mức 5,6% và giai đoạn 2009 - 2014 giữ ở mức 5,5% GDP hàng năm, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước .

Xét ở mức chi tiêu xã hội cho giáo dục, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước chiếm 60% tổng mức chi tiêu và tỷ lệ chi từ dân và các nguồn khác chiếm 40%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006, tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục từ phía người dân và các hộ gia đình ở Việt Nam cao hơn cả các nước đang phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản và các nước OECD.

Trong năm 2015 - 2016, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành một cuộc điều tra trên 6 tỉnh, thành phố ở Việt Nam (gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh) đối với các hộ gia đình đang có con cái theo học từ bậc giáo dục tiểu học đến hết đại học. Với quy mô mẫu là 3.200 hộ gia đình có con cái trong độ tuổi nêu trên, kết quả điều tra cho thấy mức chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam cho giáo dục ở mức tương đối cao. Cụ thể: Mức chi giáo dục bình quân của hộ gia đình tính trên tổng mẫu điều tra là 2,53 triệu đồng/con/tháng, trong đó: Mức chi giáo dục bình quân của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn khoảng 2,7 lần (tương ứng 3,07 triệu đồng/con/tháng so với 1,15 triệu đồng/con/tháng).

Cũng theo kết quả điều tra này cho thấy sự chênh lệch về chi phí cho giáo dục giữa các tầng lớp dân cư. Tổng chi cho giáo dục ở nhóm hộ nghèo có mức chi thấp nhất (0,69 triệu đồng/con/tháng) và cao nhất là nhóm hộ giàu (4,85 triệu đồng/con/tháng). Chênh lệch mức chi giáo dục bình quân giữa hộ giàu và hộ nghèo ở khu vực thành thị cao hơn mức chênh lệch của khu vực nông thôn (tương ứng 4,14 triệu đồng/con/tháng so với 3,74 triệu đồng/con/tháng).

Tỷ lệ chi giáo dục đối với tổng thể mẫu là 34,7%, trong đó: Tỷ lệ chi giáo dục của khu vực thành thị cao hơn nông thôn (35,5% so với 30,5%); của nhóm hộ giàu cao hơn nhóm hộ nghèo (42,6% so với 16,5%). Tuy nhiên, chênh lệch tỷ lệ chi giáo dục giữa hộ giàu và hộ nghèo ở khu vực thành thị lại thấp hơn mức chênh lệch của khu vực nông thôn (25,9 % so với 36,7 %).

Trong 6 tỉnh, thành phố điều tra, TP. Hồ Chí Minh có mức chi giáo dục bình quân cao nhất (3,4 triệu đồng/con/tháng); Phú Thọ có mức chi giáo dục bình quân thấp nhất (0,98 triệu đồng/con/tháng). Tỷ lệ chi cho giáo dục của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xấp xỉ nhau và cao nhất trong 6 tỉnh điều tra.

Qua kết quả điều tra, có thể thấy, giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam nói chung, thông qua mức độ quan tâm của hộ gia đình đối với giáo dục - đào tạo là rất cao. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tới hơn 30% tổng chi tiêu của hộ gia đình thì đây cũng là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay.

Nhìn từ góc độ chính sách, báo cáo điều tra, khảo sát cũng đã đưa ra kiến nghị,  Nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục và đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, tạo điều kiện để việc tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo có thể đến được với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh