THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:29

Gánh nặng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Việt Nam

 

Phó giáo sư Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM cho biết ước tính khoảng 329 triệu người trên thế giới mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Số bệnh nhân tăng nhanh do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Phổi tắc nghẽn mạn tính xếp thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu, sau bệnh giảm cung máu cơ tim, đột quỵ, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và vượt cả ung thư.

Tại Việt Nam, 4,2% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu ở nam giới, chiếm 25% số giường bệnh ở các khoa hô hấp bệnh viện. Trong phòng chăm sóc tích cực lúc nào cũng có bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thở máy, gây nhiều gánh nặng. Thực tế còn nhiều bệnh nhân chưa được chẩn đoán. 

 

Ảnh minh họa: medicinenetBệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh minh họa: medicinenet.

 

Theo phó giáo sư Ngọc, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh. Bên cạnh đó là các tác nhân ô nhiễm môi trường, khói đốt trong nhà do đun nấu củi, than đá...

Những triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm. Tuy không thể chữa khỏi hẳn nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong. 

"80% bệnh nhân khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tắc nghẽn đường thở tiến triển nặng khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém", phó giáo sư Ngọc chia sẻ. Khoảng 57% bệnh nhân ít tuân thủ điều trị, 31% dùng sai kỹ thuật bình xịt, hút dẫn đến hiệu quả chữa bệnh thấp.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng phổi mà còn tàn phá nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân thường mắc phải tình trạng đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi. Những bệnh này có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện hay tử vong. 

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng. Bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây bệnh như không hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh