THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:51

"Gánh" đấng sinh thành

"Mẹ già lá sắp xa cây, lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao"

Chắc ai cũng nhớ những câu chuyện dù rất xưa viết về những người con hiếu thuận với cha mẹ, theo “Lĩnh Nam Chích Quái” của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Vi Vân tại Chử Xá, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố che thân phải thay nhau mà mặc.

Lúc già ốm, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.

"Gánh" đấng sinh thành  - Ảnh 1.

Hết những năm tháng cuộc đời, mẹ luôn hy sinh thầm lặng, tảo tần một nắng hai sương nuôi con khôn lớn.

Rồi câu chuyện Tự Đức có lẽ là ông vua duy nhất bị mẹ đánh đòn trong lịch sử. Năm đó, vua đi săn, chẳng may gặp lụt bất ngờ, không kịp về lo liệu ngày kỵ của tiên hoàng Thiệu Trị. Nhà vua hiếu thuận vội vàng đội mưa đến quỳ tạ tội với mẹ là Thái hậu Từ Dũ. Ông còn chủ động dâng roi mây, nằm xuống chịu đòn. Hành động của ông nhắc nhở người đời rằng, phận con luôn phải đặt chữ hiếu làm đầu.

Trong xã hội hiện nay, có không ít tấm gương hiếu thảo gây xúc động cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng không ít những người con vô đạo đức khiến cho ai ai cũng phẫn nộ và lên án gay gắt.

Chắc ai cũng không thể hình dung được, cảnh người mẹ già ngồi co ro trên giường sợ hãi khi bị chính đứa con gái ruột của mình đánh đập và chửi bới thậm tệ. Xuật trên mạng xã hội đoạn clip hơn 7 phút ghi lại cảnh đối tượng Nguyễn Thị Hoa  liên tục chửi bới, dùng chổi đánh vào mặt, xúc rác đổ lên đầu mẹ ruột của mình đã 79 tuổi. Bị đánh, bà cụ chỉ ngồi co trên giường, đưa tay chống đỡ vô cùng yếu ớt. Sự việc khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

"Gánh" đấng sinh thành  - Ảnh 2.

"Mẹ ơi sông biển dạt dào/Con sao gánh hết công lao một đời" (Quach Beem0

Hiện bà Nguyễn Thị Hoa đã bị Công an Long An khởi tố, bắt tạm giam về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 BLHS 2015.

Tương tự, cuối tháng 2/2020 tại huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, người mẹ già là bà Võ Thị D, 88 tuổi sống cùng vợ chồng con trai đã bị con dâu chửi mắng, đánh liên tục vào người. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của con trai bà D nhưng không có sự can thiệp nào. Thậm chí, người đàn ông này còn cầm roi đánh tiếp người mẹ sau khi bế bà vào bên trong.

Còn tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách đây không lâu, bà L.T.H đã bị con trai ruột là B.X.C (23 tuổi) dùng cuốc đập nhiều nhát vào đầu tử vong. Sau khi bị bắt, C khai nhận, nguyên nhân dẫn đến hành vi này là do bị mẹ mắng khi không chú tâm làm việc.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông N.X.K (SN 1950, trú tại Hải An, Hải Phòng) sống cùng với vợ chồng con gái (sau khi vợ và con trai mất). Lúc ốm đau bệnh tật, ông K không những không được con gái quan tâm chăm sóc mà còn bị con rể đánh đập tàn nhẫn, chửi mắng thường xuyên.

"Gánh" đấng sinh thành  - Ảnh 3.

“Tần tảo sớm hôm… mẹ nuôi con khôn lớn” - bức ảnh như cả một bầu trời yêu thương của người mẹ dành cho con. (Ảnh: G.T.G)

Đỉnh điểm của sự tàn ác, là trường hợp nghịch tử Lê Kiếm (45 tuổi) ngụ xã Nam Chính, huyện Đức Linh, Bình Thuận. Kiếm về nhà sau cuộc nhậu với bạn thì thấy mẹ đang bưng nồi cơm nguội ra phía sau nhà. Đang đi, bà cụ trượt chân vào nhà tắm làm đổ nồi cơm.

Thấy vậy, Kiếm kéo chân mẹ từ nhà tắm ra, chửi rủa thậm tệ, dùng tay đánh vào vùng đầu làm bà cụ ngã va đầu xuống nền gạch.

Kiếm vừa chửi vừa ném nồi thịt kho ra ngoài sân. Khi thấy mẹ nhặt thịt bỏ lại vào nồi, Kiếm tiếp tục hất đổ nồi thịt rồi kéo mẹ mình vào nhà để bà nằm trên nền gạch nhà bếp.

Đến 6 sáng hôm sau (17-9), Kiếm thức dậy thì phát hiện mẹ đã chết nên báo cho người dân xung quanh.

Theo hàng xóm, Kiếm thường la chửi, đánh đập mẹ nhưng khi chính quyền địa phương đến giải quyết thì bà lại che giấu, bao che cho con trai.

Bản án nào cho những nghịch tử

Dù có đi đến phương trời nào đi chăng nữa thì cha mẹ vẫn là người âm thầm theo dõi từng bước chân của con trên đường đời. Nhất là những người mẹ gầy lam lũ, dãi nắng dầm mưa với công việc nặng nhọc, với gánh hàng rong lang thang khắp cùng nuôi con nên người. Con đã lớn khôn, mẹ đã già đi. Và mỗi mùa đông về, gió lạnh lắm, mẹ lặng lẽ ngồi chờ con nơi xa, chở mong cả một đường đời tươi sáng đến với con.

"Gánh" đấng sinh thành  - Ảnh 4.

Gánh con gánh cả cuộc đời.

Nơi lạnh lẽo ấy là cả sự cô đơn cùng những giọt nước mắt, mẹ vui khi được nghe giọng con mỗi đêm, nhưng mẹ vẫn thao thức trong từng giọt nước mắt đợi ngày con về. Và bản thân chúng ta, những ai có mẹ, được đỡ đần trong vòng tay của mẹ, xin hãy trân trọng bởi cha mẹ là món quà vô giá và duy nhất của mỗi người con. Và những hình ảnh về các bà mẹ tảo tần sau càng khắc sâu vào tâm trí của những người con.

Cha Mẹ càng có tuổi, nhu cầu được quan tâm, trò chuyện càng cao. Đó là tâm lý chung của con người khi tuổi về già. Hãy thăm hỏi những câu đơn giản như “Hôm nay Cha/Mẹ ăn món gì? Có thấy ngon miệng không? Cha/Mẹ ngủ ngon không? Cha/Mẹ có thấy đau nhức ở đau không? …” Có rất nhiều thứ để quan tâm và khuyến khích Cha Mẹ nói ra những suy nghĩ trong lòng cũng như giúp Cha Mẹ cảm nhận tình yêu thương chúng ta. Đừng viện lý do bận bịu với công việc xã hội mà quên đi ngày xưa chính Cha Mẹ cũng vừa làm vừa chăm sóc ta thật tốt khi xưa mà.

"Gánh" đấng sinh thành  - Ảnh 5.

Nơi lạnh lẽo ấy là cả sự cô đơn cùng những giọt nước mắt, mẹ vui khi được nghe giọng con mỗi đêm, nhưng mẹ vẫn thao thức trong từng giọt nước mắt đợi ngày con về.

Chúng ta thường phàn nàn Cha mẹ hay cằn nhằn. Nhưng có bao giờ ta nghĩ rằng, nếu ta không thương và lo lắng cho một người thì ta có cần quan tâm và nói đến họ không? Cha Mẹ cũng như thế, vì quá yêu thương nên hay nhắc nhở, la mắng. Thay vì khó chịu, ta nên cảm thấy may mắn, vì dù lớn đến đâu thì khi về nhà bạn vẫn rất bé bỏng trong lòng Cha Mẹ.

Ta không cần phải thật giàu có mới có thể báo hiếu Cha Mẹ. Cách báo hiếu tốt nhất là hãy trở thành người có đạo đức, biết yêu thương, tôn trọng mọi người trong cuộc sống này. Hãy để Cha Mẹ tự hào khi trong mắt mọi người ta luôn là người biết đạo nghĩa, biết kính trên nhường dưới, và luôn biết nổ lực trong cuộc sống này.

Để một việc nào đó trở thành thói quen, ta phải luôn suy tư và đặt mình vào việc đó. Kể cả việc yêu thương và bày tỏ tình yêu của mình với người thân, đặc biệt là đối với người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình.

Luôn hiện hữu đâu đó hình ảnh những cụ già đã lớn tuổi phải đi ăn xin, đi bán vé số mưu sinh vì không được con cái chăm lo, hay cảnh những cụ già con cái giàu sang nhưng xem cha mẹ là gánh nặng nên phải vào viện dưỡng lão không còn là xa lạ trong thời buổi hiện nay. Tệ hơn, con cái đánh đập, chửi bới, chì chiết cha mẹ cũng diễn ra hàng ngày. Những người con này đã vi phạm giá trị đạo đức là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, họ có bị một quy định nào của pháp luật ràng buộc, trừng trị hay không?

"Gánh" đấng sinh thành  - Ảnh 6.

Người mẹ trong bức ảnh đã nhường chiếc áo mưa duy nhất của mình cho đứa con bé bỏng ngồi sau. (Ảnh: Quang Linh).

Theo Luật sư Đào Xuân Sơn - Đoàn luật sư TP.HCM, theo quy định của pháp luật, hành vi thường xuyên chửi bới, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng. Đồng thời, sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân yêu cầu.

Đối với trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự. Đồng thời, sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm tù.

Tuy nhiên, ngoài bản án pháp luật, thì những nghịch tử sẽ tự nhận cho mình bản án của tòa án lương tâm, cả đời bị  xã hội lên án và xem thường.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh