Gần 96% người trên 18 tuổi ở nước ta đã tiêm 1 liều vaccine phòng COVID-19
- Y học 360
- 17:41 - 07/12/2021
Đến ngày 6/12, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 122.477.079 liều, trong đó có 68.979.442 liều mũi 1 và 53.497.637 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 95,6% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 74,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 91,4% và 66,7%; miền Trung là 92,4% và 69,3%; Tây Nguyên là 94,4% và 57,3%; miền Nam là 99,2% và 83,9%.
Có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 28 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biện, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
4 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Yên Bái (73,4%), Hà Giang (77,8%), Cao Bằng (78,6%) và Nghệ An (78,7%). Bộ Y tế đã phân bổ vaccine cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.
Hiện đã có 54 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ và Cà Mau.
Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi: đã có 49 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm được 5.449.667 liều, trong đó có 4.511.142 liều mũi 1 và 938.525 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 49,4 % và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 10,3% dân số từ 12 -17 tuổi.
Sở Y tế TP HCM vừa có tờ trình UBND TP về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, đối với liều bổ sung, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, có HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...), đã được tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên.
Đối với liều nhắc lại, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Dự kiến, thời gian tiêm sẽ bắt đầu từ ngày 10/12/2021, lộ trình thực hiện tùy theo nguồn cung ứng vaccine. Theo đó, dự kiến tháng 12/2021, tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.
Từ tháng 1 đến tháng 12/2022, tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo bao phủ liều nhắc lại cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP vào cuối năm 2022.
Về vaccine sử dụng là loại được Bộ Y tế phê duyệt và cung cấp. Theo nguyên tắc, nếu trước đó tiêm cùng loại vaccine thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA. Nếu các mũi trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA.
Nếu đã tiêm liều cơ bản hoặc liều bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA, vaccine véc tơ virus (vaccine AstraZeneca).