THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:39

Gần 60% trường hợp nặng, nguy kịch phục hồi chuyển cấp độ nhẹ hơn thành công

Thông tin từ Bệnh viện Hồi sức Covid -19 TPHCM (đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2), bên cạnh các trường hợp bệnh nhân được xuất viện, từ khi chính thức đi vào hoạt động hồi trung tuần tháng 7 đến nay, bệnh viện đã hồi phục chuyển sang cấp độ nhẹ thành công cho hơn 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch và chuyển đến các bệnh viện ở phân tầng thấp hơn trong tháp điều trị.


Gần 60% trường hợp nặng, nguy kịch phục hồi chuyển cấp độ nhẹ hơn thành công - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh minh họa

Theo báo cáo từ Bệnh viện Hồi sức covid-19 TPHCM, riêng trong ngày 5/8, Bệnh viện đã cho xuất viện 6 trường hợp, 11 trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng đã được phục hồi chuyển sang cấp độ nhẹ hơn. Bệnh viện hiện đang điều trị 522 trường hợp bệnh nhân, trong đó có 149 trường hợp bệnh nhân nguy kịch chiếm 28,6%; 157 trường hợp bệnh nhân nặng chiếm 30,1%; còn lại là 226 trường hợp bệnh nhân nhẹ và vừa chiếm 43,3%.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm nhiệm công tác quản lý tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM cho biết, gần 60% các bệnh nhân tại đây là các trường hợp nặng, nguy kịch, các trường hợp phục hồi chuyển cấp độ nhẹ hơn thành công sẽ được chuyển về các bệnh viện thuộc các tầng điều trị thấp hơn. Đồng thời, Bệnh viện sẽ nhận các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch từ bệnh viện ở tầng dưới trong mô hình tháp điều trị, với phần lớn là các trường hợp thở máy, thở mask không hiệu quả, vượt quá khả năng điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới.

Tính từ 18 giờ 30 ngày 6/8 đến 6 giờ ngày 7/8, Thành phố ghi nhận thêm 1.836 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 7/8. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 115.800 trường hợp mắc COVID-19.

Sau lời kêu gọi chung tay tham gia hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19, đến ngày 06/8, số lượng đăng ký tham gia đã hơn 7.000 người, bao gồm cán bộ y tế cả tư nhân và công lập (khoảng 800 người), cán bộ y tế đã về hưu, lực lượng sinh viên và các ngành nghề khác. Sở Y tế đã sắp xếp và phân bổ lực lượng này đến các cơ sở y tế có nhu cầu. Thành phố vẫn rất cần sự tham gia đông đảo hơn nữa của lực lượng tình nguyện, nhất là những người có chuyên môn về ngành y như bác sĩ và điều dưỡng.

Thành phố đã có hướng dẫn các đơn vị xử lý trường hợp người nhiễm bệnh COVID-19 tử vong theo đúng quy trình, đảm bảo lưu giữ tro cốt cùng với thông tin người mất để đợi người nhà đến nhận. Đối với việc người nghèo mắc COVID-19 tử vong, ngân sách TP.HCM sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí từ giai đoạn đưa thi thể người bệnh từ bệnh viện đến nơi hỏa táng và đảm bảo hết toàn bộ chi phí cho người này.

Thời gian quan, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế thì các mô hình tự quản, xây dựng vùng xanh của người dân đã được phát huy và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Để tiếp tục cùng Thành phố mở rộng thêm nhiều vùng xanh, mỗi người dân hãy tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tăng cường giãn cách giữa người với người, giữa nhà với nhà và tham gia tiêm chủng vaccine khi tới lượt.

Gần 60% trường hợp nặng, nguy kịch phục hồi chuyển cấp độ nhẹ hơn thành công - Ảnh 2.

Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Thủ Đức khu vực II (Văn Tùng - Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức


PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh