Gần 150 đại biểu dự Hội nghị Phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng
- Tây Y
- 22:18 - 23/05/2019
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo 40 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cùng gần 100 cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí.
Dự và phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Bên cạnh PCTN, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm đòi hỏi những giải pháp cấp bách và lâu dài. Lãng phí được Đảng, Nhà nước và nhân dân nhìn nhận đây vẫn là căn bệnh trầm kha, là vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại vô cùng lớn.
Chính vì vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang là vấn đề cấp bách, cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là từ việc thay đổi tư duy. Đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng lãng phí đã đến mức báo động, cần tích cực ngăn chặn hành vi này.
Theo đó, Thứ trưởng cho rằng, thay vì coi lãng phí như một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần nhìn nhận lãng phí là tội ác, là tệ nạn phải kiên quyết tẩy trừ. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chống lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với cải cách hành chính, việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia cần phải được coi là nhiệm vụ cấp bách bên cạnh việc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công...
Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng trao đổi về các điểm mới trong Luật PCTN (sửa đổi) và Luật Tố cáo 2018 với các đại biểu dự Hội nghị.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN, trong đó xác định: “Đấu tranh PCTN, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Nỗ lực PCTN của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà nước ta là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác.
Luật PCTN đã từng bước tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác PCTN; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan PCTN bước đầu được củng cố, kiện toàn.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước…
Quang cảnh Hội nghị.
“Tố cáo là một quyền của công dân, cũng là phương thức tiếp nhận thông tin để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng, lãng phí của các cơ quan Nhà nước. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan đến tố cáo, Luật Tố cáo cũng như các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, do bộc lộ một số bất cập trong quá trình thi hành luật, cụ thể là chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo, chưa tạo động lực cho người dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật”, Thứ trưởng cho biết.
Trong tố cáo, khâu chính là phải bảo vệ người tố cáo, phải xen quá trình người tố cáo và người có hành vi bị tố cáo lại với nhau. Bởi lẽ, ông bà ta thường có câu “bứt dây động rừng” nên khi có hiện tượng tố cáo, những người nằm trong diện bị tố cáo thường có những hành vi, hành động, ứng xử bất bình thường… “Luật Tố cáo được Quốc hội thông qua năm 2018 đã khắc phục được những bất cập trên, đồng thời quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo và bảo vệ người tố cáo”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết thêm.
Trong 2 ngày tham dự hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu và hướng dẫn những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật PCTN năm 2018 như: Mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình. Truyền đạt những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; làm rõ thêm về phạm vi điều chỉnh, về nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, định mức, tiêu chuẩn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018; hành vi phân loại tố cáo được phân loại như thế nào? Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố cáo và các hành vi được bổ sung trong những hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo, những nguyên tắc xác định thẩm quyền; trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo...