THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:23

Gần 1 triệu lượt xe chạy quá tốc độ trong 6 tháng đầu năm

 

Hiện trường một vụ tai nạn xảy ra ngày 31/7.

 

Trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng ở đâu, trong khi quy định xe khách được gắn thiết bị giám sát hành trình vẫn đang được truyền dữ liệu từng giờ, từng ngày về Sở GTVT các tỉnh và về Tổng cục Đường bộ Việt Nam?

Tai nạn nối tiếp tai nạn…

Khoảng 0h30 ngày 31/7, tại Km 1401+210 đường Hồ Chí Minh (khu vực đèo Lò Xo, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, Quảng Nam), xe khách giường nằm biển số 81B-00864 do lái xe Nguyễn Dũng (40 tuổi, trú tại huyện Chư Sê, Gia Lai) điều khiển theo hướng từ Kon Tum đi Đà Nẵng, khi đến địa điểm trên thì đâm trực diện vào xe khách 81B-01499 do lái xe Huỳnh Văn Đức (35 tuổi, ngụ tại huyện Chư Prông) điều khiển theo hướng ngược lại.

Vụ tai nạn xảy ra làm lái xe Nguyễn Dũng bị thương nặng, hàng chục hành khách hoảng loạn, phần đầu 2 xe khách đều bị hư hỏng nặng. Tai nạn còn khiến giao thông trên tuyến đường trên bị ùn tắc, đến 6h30' sáng mới thông được xe.

Theo nhận định ban đầu của Công an huyện Phước Sơn, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do lái xe Nguyễn Dũng đi không đúng phần đường. Trong khi đoạn đường qua khu vực đèo Lò Xo có độ dốc lớn, đường nhiều khúc cua gấp nên thường xuyên xảy ra tai nạn ở khu vực này.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe khách biển số 81B-008.64, nhãn hiệu THACO, sản xuất trong nước năm 2014. Chủ xe theo giấy đăng ký là Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Việt Hưng, địa chỉ: số 5 Nguyễn Du, Tây Sơn, TP Pleiku, Gia Lai. Xe kiểm định lần cuối ngày 11/6/2018 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D Gia Lai và có hạn kiểm định đến 10/12/2018.

Còn xe khách 81B-014.99, nhãn hiệu THACO, sản xuất trong nước năm 2017. Chủ xe theo giấy đăng ký là Công ty CP Dịch vụ vận tải Gia Lai, địa chỉ: 42 Lê Duẩn, Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai. Xe kiểm định lần cuối ngày 13/7/2017 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 8201S - Kon Tum và có hạn kiểm định đến 12/1/2019.

Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra dữ liệu kiểm định phương tiện, đồng thời giao Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 92-01D Quảng Nam phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Ngay sau vụ tai nạn giao thông nói trên, vào vào khoảng 3h30 rạng sáng cùng ngày, xe tải BKS:75C-006.85 lưu thông theo hướng từ tỉnh Bình Thuận về Đồng Nai. Khi đến địa bàn xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) bất ngờ tông mạnh vào đuôi xe khách 16 chỗ BKS: 51B-051.47 đang lưu thông cùng chiều. Sau đó, xe khách này tiếp tục tông vào xe ôtô 7 chỗ mang BKS: 77A-097.58 và một xe tải khác.

Cú va chạm mạnh đã làm 1 người trên xe khách tử vong tại chỗ. 4 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu gồm: Nguyễn Thị Hiệp (44 tuổi), Nguyễn Văn Tốt (51 tuổi), Nguyễn Văn Bông (81 tuổi) đều ngụ tại tỉnh Bình Thuận và Nguyễn Ngọc Sáng (34 tuổi, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, 7 người khác bị thương nhẹ được đưa về sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc.

Hàng trăm nghìn phương tiện chạy quá tốc độ mỗi tháng

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng tháng 6/2018 trên toàn quốc đã có tổng số hơn 147.000 lần trường hợp ô tô chạy quá tốc độ cho phép bị phát hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình. Tính cụ thể ra thì tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,079 lần/1.000km. Luỹ kế đến hết tháng 6/2018 cả nước có tổng số 979.979 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,079 lần/1.000km.

Chưa dừng lại, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay, trong tháng 6-2018 trên toàn quốc đã xử lý vi phạm đối với 1.157 xe, trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng đối với 855 xe, từ chối cấp phù hiệu 302 xe. Luỹ kế đến hết tháng 6/2018, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 3.869 phương tiện; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 2.913 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 8 đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 948 xe.

“Tuy nhiên, con số vi phạm thực tế còn có thể lớn hơn bởi có tới 30% số xe trên cả nước không gửi dữ liệu giám sát hành trình về hệ thống Tổng cục. Trách nhiệm này thuộc về Sở GTVT các địa phương”, ông Huyện nhận định.

Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định; tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ và vi phạm thời gian lái xe liên tục và không truyền dữ liệu.

Đối với các trường hợp vi phạm không truyền dữ liệu, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có báo cáo giải trình cụ thể và kiểm tra tính xác thực trước khi ra quyết định xử lý. Tiếp tục đôn đốc và tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn về lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các xe ôtô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải gắn phù hiệu theo quy định; đồng thời báo cáo kết quả xử lý vi phạm tháng 7/2018 gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (qua Vụ Vận tải) để tổng hợp trước ngày 15/8/2018.

Sẽ không khởi tố vụ tai nạn khiến 13 người tử vong ở Quảng Nam?

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến 13 người tử vong ở Quảng Nam, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị và Phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT Thừa Thiên - Huế  xác nhận, xe BKS 75B - 000.52 không đăng ký kinh doanh vận tải mà chủ xe, tài xế lại đem ra hoạt động kinh doanh là sai quy định.

Mặc dù giấy đăng ký xe BKS 75B-000.52 vẫn mang tên chủ xe cũ là ông Phạm Bá Chẩn, nhưng ông Chẩn đã bán chiếc xe trên cho ông Lê Ngọc Cường và việc bán xe này đã được chính quyền địa phương ký xác nhận, trên thực tế chiếc xe trên không còn của chủ xe cũ. Về mặt nguyên tắc, người mua xe phải sang tên đổi chủ theo quy định.

Còn theo một luật sư cho hay, nếu giữa ông Cường và ông Chẩn đã có hợp đồng mua bán xe theo đúng quy định của pháp luật thì xe này đã được giao cho ông Cường sử dụng hợp pháp. Trường hợp xảy ra tai nạn thì bên mua (tài xế Cường) phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bởi lẽ ông Chẩn không phải chịu trách nhiệm khi ông Chẩn không có lỗi gây ra các thiệt hại. Khi đã mua bán xe có hợp đồng mua bán, ông Cường đã chiếm hữu và sử dụng xe hợp pháp nên là người phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại với tư cách là người chiếm hữu, sử dụng xe ôtô (nguồn nguy hiểm cao độ) theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định.

Trong trường hợp chỉ có duy nhất tài xế xe khách Lê Ngọc Cường có hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết nhưng tài xế cũng đã tử vong nên không thể khởi tố vụ án để điều tra.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh