THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:39

Gần 1 triệu hộ dân mất điện do bão Matmo

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin, hàng nghìn cây xanh ở TP Quy Nhơn bị gãy đổ, gần 150 nhà bị sập hoàn toàn. TP Quy Nhơn đến sáng 31/10 vẫn mất điện diện rộng.

Gần một triệu hộ dân mất điện do bão Matmo - Ảnh 1.

Nhiều nhà dân tốc mái sau bão.

Tại Phú Yên, bão cũng làm hơn 70 xã mất điện. Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay đến sáng 31/10 đã khắc phục được 11 xã, số còn lại dự kiến hết ngày mai khắc phục xong. Tỉnh cũng có 14 nhà bị sập hoàn toàn, gần 20 nhà hư hại một phần.

Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, cơ quan chuyên môn đã nhắn tin cảnh báo bão đến hơn 7 triệu máy cá nhân tại các địa bàn dự báo bị ảnh hưởng. Các tỉnh đã chủ động ứng phó, sơ tán khoảng 20.000 người. Một số tỉnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng mưa bão làm mất điện hơn 900.000 hộ dân, đến sáng nay mới khắc phục được 150.000 hộ.

Gần một triệu hộ dân mất điện do bão Matmo - Ảnh 2.

Biển hiệu gãy trước cửa một nhà dân ở Quy Nhơn, nhiều khu vực vẫn mất điện. Ảnh: Phạm Linh.

Sóng biển cũng làm sạt lở 2km kè biển ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, cuốn trôi hơn 10 nhà dân. Khu vực kè nằm cách nhà dân 3m và có 96 hộ dân sinh sống. Tỉnh Bình Định đã có thông báo khẩn cấp và lên phương án khắc phục đoạn kè bị sạt lở.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, rút kinh nghiệm từ cơn bão Damrey năm 2017 làm thiệt hại nhiều tàu hàng tại cảng Quy Nhơn, tỉnh đã chỉ đạo cảng vụ không cho tàu hàng neo đậu ngoài phao số 0, buộc phải vào vịnh. Tuy nhiên, đêm 30/10, sóng cao 4-5 m vẫn làm đứt neo 7 tàu, trong đó 6 tàu của Việt Nam, 1 tàu quốc tịch Panama.

Gần một triệu hộ dân mất điện do bão Matmo - Ảnh 3.

Một tàu hàng bị mắc cạn tại khu vực cảng Quy Nhơn do bão Damrey năm 2017. Ảnh: Chu Ngọc.

"Sau khi đề nghị Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ khẩn cấp, Tỉnh đã điện đàm chỉ dẫn các tàu nổ máy chạy vào bờ với phương châm "thà mắc cạn còn hơn bị trôi ra biển". Đến sáng nay, còn 3 tàu mắc cạn nhưng tỉnh đã có phương án xử lý cứu hộ", ông Dũng nói.

Hình thành từ vùng áp thấp gần khu vực biển Đông ngày 27/10, sáng 28/10, vùng áp thấp này vượt qua phía bắc Philippines và đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới chiều cùng ngày.

Chiều tối 29/10, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (cơn bão số 5 năm 2019) và có tên quốc tế là Matmo.

Sau khi hình thành, bão số 5 đã di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng từ 15-25 km/giờ. Tối muộn ngày 30/10, vùng tâm bão đổ bộ vào các tỉnh Bình Định - Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11-12 và gây mưa rất to (200 - 300mm) cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.

Ngoài số tàu hàng bị đứt neo, khoảng 70 tàu cá ở cảng Quy Nhơn cũng bị đứt neo nhưng may mắn không thiệt hại về người. Tính sơ bộ, Bình Định bị thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Lãnh đạo Bình Định kêu gọi sự hỗ trợ để có giải pháp về bến bãi neo đậu cho hơn 70.000 tàu thuyền đang hoạt động ở đây.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục theo sát diễn biến mưa sau bão, đồng thời khẩn trương chăm lo đời sống cho dân bị ảnh hưởng.

Phó Thủ tướng cho rằng dù bão không lớn nhưng công tác neo đậu tàu thuyền còn lúng túng, vẫn có thiệt hại nên đề nghị các tỉnh có phương án khắc phục bất cập trên.

Theo VÕ HẢI/Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh