CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:59

Game mobile Việt chỉ mới gia công là chính

 

Hai mặt của gia công
* Ông có nghĩ game mobile là một hướng đi đáng chú ý cho thị trường Việt Nam?
- Tôi nghĩ khi so sánh với các nước Đông Nam Á đang phát triển, Việt Nam có một vị thế tốt bởi có một nền tảng lập trình và phát triển gia công phần mềm mạnh. Nhân tài là điều cần thiết để khiến cho game di động có thể tồn tại như một ngành công nghiệp lớn và có thể phát triển xa hơn nữa. Mặt khác, nếu Việt Nam trở thành trung tâm phát triển game di động tại châu Á, các studio game cần phải nâng game của họ tới một đẳng cấp cao để có thể cạnh tranh với những nhà làm game khác tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Maxim de Wit - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Cho đến giờ trong lĩnh vực game mobile, các studio Việt cũng chỉ gia công cho nước ngoài là chính. Theo ông, việc chọn phương thức gia công như một hướng đi của game mobile liệu có phải là giải pháp lâu dài và bền vững?
- Tôi cho rằng lợi nhuận chính từ việc gia công game là có thể nâng cao trình độ chuyên nghiệp trong thị trường lao động. Ví dụ, khi các công ty lớn cần mở một trung tâm phát triển tại Việt Nam, họ sẽ mang tới Việt Nam rất nhiều chuyên gia và kiến thức chuyên ngành. Những người lao động có thể học được các kỹ năng về kỹ thuật có giá trị cho bản thân và có ích cho nền kinh tế. Mặt tiêu cực của vấn đề chính là những công ty này sẽ cố gắng trả cho nhân viên của họ mức thù lao cao, khiến cho các doanh nghiệp và studio game bản địa gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh tuyển dụng nhân tài.
Một trong những con đường có thể lựa chọn là phát triển các mảng kinh doanh làm gia công để đảm bảo được số vốn có thể duy trì việc vận hành công ty và cung cấp đủ tài nguyên cho doanh nghiệp để đầu tư cho các dự án phát triển game của riêng mình.
Đừng đặt cược tất cả vào vận may
* Theo ông, điều gì mang lại thành công cho những game mobile đình đám như Clash of Clans, vốn kích cầu cả một nền kinh tế? Liệu những thành công đỉnh cao như thế sẽ còn diễn ra?
- Một sản phẩm game thành công hoặc một cú đột phá sẽ không có ảnh hưởng quá lớn đối với nền kinh tế và nhất là về mặt thu nhập. Tuy nhiên, ảnh hưởng của câu chuyện thành công đầu tiên có thể khích lệ những người khác để họ theo đuổi một sự thành công tương tự.
Tôi lấy một ví dụ thực tế ngay tại thị trường bản địa, Flappy Bird đã đưa các nhà phát triển game của Việt Nam đến với sân chơi thế giới và cũng khích lệ rất nhiều người bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình trong ngành mobile game tại Việt Nam…
Nhưng để có thể khiến sản phẩm của mình nổi bật hơn, các nhà làm game nên tập trung gây dựng những game đặc biệt với những tính năng mang tính sáng tạo, chứ không nên cố gắng lặp lại những thành công trước đó.
* Nhân ông nói về Flappy Bird, theo ông, việc chọn phương thức đầu tư các game lớn hay chọn các game mini và chờ “cú ăn may” sẽ thực tế hơn?
- Tôi nghĩ rằng đây là câu hỏi mà các studio làm game cần phải tự trả lời cho chính bản thân họ. Rất khó để có thể đưa ra một câu trả lời phù hợp cho tất cả các studio game. Chi phí là một trong số các yếu tố, nhưng không thể nói rằng đó là yếu tố mang tính quyết định để các studio quyết định thể loại và chất lượng các game mà họ tự phát triển. Ví dụ, sự nhiệt huyết và khả năng của đội ngũ làm game cũng là một vấn đề nên được cân nhắc.
Điều mà tôi đang suy nghĩ, đó là đại đa số các studio game tại Việt Nam đều khá nhỏ ở thời điểm hiện tại và có thể số vốn đầu tư cho việc phát triển game không được nhiều. Vì thế việc phát triển những game nhỏ và dễ chơi sẽ thực tế hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng các studio nên đặt tất cả mọi hi vọng của họ vào một sự thành công do may mắn.
Một góc Studio Game VNG
* Ông có tin các nhà làm game Việt đủ nội lực để cạnh tranh trên thị trường thế giới trong thời gian gần sắp tới?
- Có thể bây giờ chưa phải là lúc, vì vẫn còn cả một đoạn đường Việt Nam cần phải đi nếu muốn đạt đến sự cạnh tranh ấy với khả năng và trình độ của các studio ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên tôi hi vọng các studio Việt sẽ chạm tới đẳng cấp đó trong một vài năm sắp tới.
Chúng ta đã và đang nhìn thấy hàng loạt các studio phát triển ra những game rất tinh tế và chất lượng cao. Một trong số đó là Joy Entertainment, họ đã phát triển ra Captain Strike, thể loại game bắn súng ngôi thứ nhất với một triệu lượt tải về trên phạm vi toàn cầu.
Nếu xu thế này tiếp tục trong vòng vài năm tới, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm phát triển game di động chính của thị trường Đông Nam Á và hoàn toàn có thể cạnh tranh với những nhà làm game lớn tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
* Đâu là lợi thế của ngành game mobile so với các ngành game truyền thống khác?
- Thị trường game di động tại châu Á đã chiếm hơn 50% tổng doanh thu của game di động toàn cầu, và sẽ chỉ tiếp tục tăng trưởng. Không chỉ ở Trung Quốc, mà cả thị trường Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Phillippines và đương nhiên trong đó có Việt Nam đều có tiềm năng vô cùng lớn, bởi việc sử dụng smartphone đã gần như được phổ cập và kinh nghiệm cho ta thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của game di động được kéo theo bởi sự tăng trưởng của smartphone. Do vậy, sẽ có thêm nhiều các studio game châu Á sản xuất và cung cấp nội dung cho những người dùng của thị trường này. Nội dung game sau này không còn chỉ được bản địa hóa từ các game phương Tây, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy được vô số các game châu Á tự phát triển.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh