Phát động cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2018" tại TP.HCM
- Tây Y
- 22:34 - 28/10/2018
Ông Phan Văn Việt – Trưởng cơ quan Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phía Nam, GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi (từ phải sang)
Tiếp nối thành công của Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” năm 2017 – Chủ đề: “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta”, được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã quyết định tổ chức Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2018 nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về biến đổi khí hậu.
Tiết mục văn nghệ của sinh viên ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mở đầu chương trình
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là ngôi trường thứ tư trong hành trình phát động cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2018.
Theo đánh giá của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Với diện tích hơn 2.000 km2 và dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trong nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của cả nước. Thành phố cũng đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, hơn một phần tư kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năng suất lao động của thành phố bằng 3 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
Bên cạnh những con số tăng trưởng nêu trên, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1km2 ở thành phố hiện gấp 17 lần cả nước. Đây là thách thức lớn cho việc đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân và làm cho thành phố nhạy cảm hơn với tác động của biến đổi khí hậu.
Tại buổi lễ phát động Cuộc thi, ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho biết: “Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì hơn 17% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập; trong đó, có tỷ lệ ngập cao là các quận ven và ngoại thành, như quận 2 ngập khoảng 26,6%, Hóc Môn ngập 31,7%, Bình Chánh ngập 36,4%..., nặng nhất là quận Bình Thạnh ngập hơn 80,8% diện tích. Vành đai kéo dài từ huyện Nhà Bè, quận 7 về huyện Hóc Môn, Củ Chi. Trùng hợp là vùng ven và các huyện ngoại thành cũng chính là khu vực dân số tăng nhanh và là nơi phân bố của người dân di cư đến TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại chương trình
GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại gala
Chính vì vậy, Ban tổ chức lựa chọn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là điểm trường tiếp theo trong chuỗi chương trình Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” năm 2018, với mong muốn lực lượng sinh viên đang học tập tại trường sẽ làm tốt công tác truyền thông về biến đổi khí hậu, cung cấp cho cộng đồng những kiến thức nhất định để họ tự ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực tiễn cuộc sống".
GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ: Đây là vinh dự, niềm tự hào cũng là trọng trách của nhà trường phải giúp đỡ, quan tâm các em sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu để có những tác phẩm dự thi chất lượng với những ý tưởng, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu sáng tạo, thiết thực, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.