CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:10

Gái ế khó khăn vượt qua Tết Nguyên đán

 

Cũng giống như Việt Nam, Tết Âm lịch ở Trung Quốc là một dịp lễ hội lớn. Nó báo hiệu mùa xuân sắp sang, một mùa gieo trồng mới sắp sửa bắt đầu. Đó cũng là lúc người ta nghĩ tới việc bắt đầu những mối quan hệ mới, thậm chí là kết hôn.

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, lập gia thất luôn là chuyện đại sự, không thể coi nhẹ. Người nào gần 30 tuổi mà vẫn còn "chăn đơn gối chiếc" thì bị cho là "bom nổ chậm" của gia đình.

Đặc biệt là phụ nữ, những người bị cho là "quá lứa lỡ thì" thường phải tìm nhiều cách vượt qua áp lực này. Một số người bỏ ra cả hàng ngàn đô la để thuê bạn trai về nhà ra mắt dịp Tết.

Sui Wei, 29 tuổi, được thuê đóng vai bạn trai của một phụ nữ độc thân đang bị bố mẹ giục lấy chồng. Nếu cảm thấy rằng một người bạn trai là không đủ xóa đi nỗi ngờ vực, lo lắng của cha mẹ, Sui Wei sẵn sàng vào vai một người chồng.

"Tôi lấy phí thuê dao động ở mức 140 đến 1.400 đô la một ngày. Tôi sẽ trở thành bạn trai của họ trong những ngày Tết họp mặt gia đình", Sui Wei nói trên tờ Finacial Times.

"Với nhân viên văn phòng bình thường tôi chỉ lấy giá rất mềm. Còn với những phụ nữ thực sự giàu có, tôi lấy cao hơn". Wei thừa nhận rằng mình cũng sẵn sàng nhận dịch vụ đi chơi ngày Valentine với những phụ nữ đang buồn chán, thậm chí là đang có nhu cầu sinh lý. Tùy từng trường hợp mà anh ta có thể nhận thêm từ 600 đến 4.000 đô la. Trong một quảng cáo cho dịch vụ của mình trên trang Taobao, Wei thừa nhận rằng mình có thu nhập lên tới gần 10.000 đô la mỗi tháng nhờ dịch vụ này.

 

Nhiều gái ế Trung Quốc bỏ ra hàng nghìn đô la để thuê một người bạn trai giả về ra mắt gia đình vào dịp Tết. Ảnh: News. 

Một người nhận thuê dịch vụ bạn trai khác, Zhi Hao, 30 tuổi, cho biết, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc là thời điểm công việc của anh có được thu nhập khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn. Anh thậm chí còn cho rằng dịch vụ này sẽ mang tới một năm mới thú vị hơn cho các bậc cha mẹ.

"Đó là một công việc kinh doanh tốt. Rất nhiều cô gái độc thân tìm tới chúng tôi. Họ bảo rằng đó đơn giản chỉ là một chuyến du lịch vui vẻ, bạn giúp đỡ họ giải quyết vấn đề rồi cầm tiền ra về, rất sòng phẳng", Zhi cho hay.

Zhi vốn là dân nhập cư vào Bắc Kinh, tự hào quảng cáo về dịch vụ bạn trai giả của mình: "Vào đêm giao thừa, tôi chuẩn bị quà để mang tới nhà khách hàng rồi tặng cho bố mẹ họ. Tôi cũng uống vài ly với họ. Điều đó thật tuyệt. Tôi giúp mọi người giải quyết khó khăn. Còn tôi thì kiếm được tiền".

Dù chưa có bất kỳ một số liệu thống kê chính thức nào về những dịch vụ cho thuê bạn trai, bạn gái giả, nhưng nhu cầu sử dụng dịch vụ này chưa bao giờ cao đến thế. Lý do có thể là do độ tuổi trung bình của các cô gái đã đạt mốc 30 tuổi trong năm 2015. Đó là ngưỡng tuổi kết hôn già nhất đối với phụ nữ Trung Quốc. Trong khi đó việc phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi để ứng phó với chính sách một con đã khiến Trung Quốc đang thừa tới 20 triệu đàn ông ở tuổi dưới 30.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh SBS, một chuyên gia bình luận xã hội đến từ Bắc Kinh, Yolanda Wang cho biết áp lực xuất phát từ các vấn đề như: sức ép tài chính và những dị nghị của dư luận xã hội đối với những người phụ nữ lớn tuổi vẫn còn độc thân.

"Người Trung Quốc rất coi trọng việc người khác đánh giá mình thế nào. Nếu bạn tốt thì vì sao lại phải độc thân, sống một mình? Tôi nghĩ việc các bạn trẻ thuê bạn trai, bạn gái giả về quê ra mắt bố mẹ thực chất là để người ngoài trông thấy và ngừng đàm tiếu về họ mà thôi", Wang nói.

"Chính sách một con đã khiến rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Họ càng già đi trong khi con cái họ vẫn chưa lập gia đình. Nếu con cái sớm lập gia đình, họ nghĩ rằng mình sẽ được cậy nhờ nhiều hơn", chuyên gia này nói thêm.

Đàn ông Trung Quốc có xu hướng chọn vợ có trình độ thấp hơn mình. Nhưng hiện nay, phụ nữ có cơ hội học hành và tiến thân lớn hơn. Bởi thế, đang có ngày càng nhiều phụ nữ trình độ cao mà bị quá lứa lỡ thì.

Huang Mei 28 tuổi, một sinh viên đang học tiến sĩ ở London, vừa trở về nhà để đón năm mới, cho biết: "Bà tôi rất lo lắng rằng tôi vẫn còn độc thân. Tôi có bốn người dì, họ đang sốt sắng lên kế hoạch ghép đôi cho tôi".

"Hẹn hò theo phong cách Trung Quốc có nghĩa là tất cả thành viên trong gia đình, họ hàng cùng trên một boong tàu với mục đích là giúp bạn chống ế ngay lập tức", Huang nói thêm.

Một cuộc khảo sát trực tuyến mới được công bố bởi 163.com cho thấy 57% phụ nữ đã bị ép phải có một kế hoạch rõ ràng trong năm nay để kết hôn.

 

Poster hình một cô gái phản đối lại áp lực "ép duyên mà cha mẹ đặt ra. Ảnh: News.

Trong một nỗ lực phản ứng lại những áp lực hôn nhân mà gia đình, cha mẹ, họ hàng gây ra, một nhóm bạn đã bỏ ra 6.000 đô la để thuê một tấm quảng cáo và treo ở ga tàu điện ngầm Bắc Kinh nhiều người lại qua.

Tấm poster in hình một người cô gái trẻ trong tạo hình hoạt hình mỉm cười với dòng chữ bên dưới: "Cha mẹ yêu, xin đừng lo lắng. Thế giới này rộng lớn lắm. Có nhiều cách khác nhau để sống. Người độc thân cũng có thể sống cực kỳ hạnh phúc".

Ban đầu, mẫu thiết kế có phần gay gắt hơn nhiều, thậm chí mang tính thách thức và đã bị từ chối. Tấm poster ấy in hình một cô gái trẻ, tóc nhuộm xanh, mặt giận dữ, giơ cao hai tay bắt chéo thành hình chữ X. Bên dưới áo thun của cô gái cũng là một dấu gạch chéo hai chữ "bihun" (bức hôn).

Trong một cuộc phỏng vấn, một thành viên của nhóm này nói: "Chúng tôi nghĩ rằng áp lực đang ngày một lớn hơn. Mọi thứ đang trở nên ngày càng tồi tệ. Vì thế, chúng tôi đưa ra một lời kêu gọi trên một tấm biển quảng cáo trong ga tàu điện ngầm. Sẽ có rất nhiều người nhìn thấy và phải suy nghĩ về nó".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh