CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

Gà trong đời sống văn hóa Việt Nam

Do được thuần dưỡng từ rất sớm, sử dụng phổ biến, liên tục, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên gà cũng tạo giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa của người Việt Nam. Ngay trên mặt trống đồng Đông Sơn, một hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn cách đây 21-27 thế kỷ, đã thấy nhiều hình gà và chim hạc. Còn trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà chín cựa là một trong ba lễ vật thách cưới đặc biệt (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao) để vua Hùng thứ 18 có thể gả con gái Mỵ Nương (Ngọc Hoa) của mình cho chàng trai nào mang đến trước tiên. Sang thời An Dương Vương, truyền thuyết xây thành Cổ Loa kể rằng vua Thục Phán cố công xây thành hình trôn ốc, nhưng cứ đắp được đến đâu thì đất đá lại sụt lở đến đấy; thần Kim Quy hiện về báo cho biết ở núi Thất Diệu có con gà trắng đã sống đến ngàn năm tuổi rồi hóa yêu tinh, trù ám việc xây thành; vua liền cho rình giết được nó và sau đó việc xây thành suôn sẻ.

Ảnh minh họa: HT

Gà là một trong 6 vật nuôi thông dụng nhất (lục súc: gà, chó, lợn, dê, ngựa, trâu) và là thứ lễ vật quan trọng để cầu cúng, tế dâng thần thánh tại các đình đền miếu trong dịp lễ, đặc biệt trong lễ tiến cúng thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ Công Đồng không thể thiếu nguyên con gà trống đã làm sạch, luộc chín, mỏ ngậm một bông hoa. Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, gà (kê) được coi là vật đại diện cho một ngày đầu tiên, quan trọng và thiêng liêng nhất của một năm - ngày mùng Một tháng Giêng được gọi là kê nhật  (mùng Một, - gà, mùng Hai - chó, mùng Ba - lợn, mùng Bốn - dê, mùng Năm - trâu, mùng Sáu - ngựa, mùng Bảy - người, mùng Tám - lúa). Trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, gà nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Dậu - một chi quan trọng, mang ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Dậu kéo dài từ 17 đến 19 giờ, là giờ gà lên chuồng, giờ mở đầu buổi tối, con người ăn tối và nghỉ ngơi. Tháng Dậu là tháng Tám âm lịch, giữa mùa thu, thời tiết đẹp và dễ chịu nhất, nhiều loài cây cối bắt đầu cho thu hoạch quả, hạt. Người ta còn cho rằng người sinh năm Gà (tuổi Dậu) thường chăm chỉ, hoạt bát, tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời. Gà trống cũng được coi là biểu tượng cho 5 đức tính, phẩm chất tốt đẹp: văn (có mào và màu lông như mũ và trang phục của người học giỏi, đỗ đạt cao), võ (có mỏ nhọn, chân cứng, cựa sắc như đao kiếm), dũng (gặp địch thủ hoặc bị tấn công là sẵn sàng giao chiến), nhân (gặp mồi là gọi đồng loại đến cùng ăn) và tín (bất kể thời tiết, thời gian bốn mùa, đều gáy sáng báo canh, báo giờ chính xác).

Ngôn ngữ luôn là nền tảng của đời sống tinh thần và văn hóa con người. Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình ảnh gà xuất hiện rất đa dạng, linh động, hấp dẫn, diễn tả chi tiết hoặc đầy ngụ ý. Chúng ta gặp “gà” (kê, dậu) ở nhiều tình huống, nhiều lĩnh vực ngôn từ: Tự nhiên và xã hội, lý thuyết sách vở và giao tiếp thực tiễn. “Gà nòi” thể hiện sự thuần chủng, lão luyện; “gà tồ”, “gà công nghiệp” lại chỉ người to xác mà khờ khạo, ngờ nghệch, vụng về; “gà rù”, “gà toi” ví với người yếu nản, xơ xác, ủ rũ; “tóc đuôi gà” là kiểu tóc buộc túm cho cong vồng lên; “như gà bới” chê chữ viết, bản vẽ hoặc quy hoạch, kết cấu tản mát, lộn xộn, rối tung; “gà mái gáy” chỉ hiện tượng bất thường, báo điềm gở; “gà trống nuôi con” là đàn ông góa vợ phải tự mình vất vả nuôi dạy con cái... Gà hiện diện trong nhiều địa danh đồi núi, sông hồ, bến đảo, ga chợ... trên khắp mọi miền đất nước: Hòn Gà Chọi là biểu tượng của vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), suối Mỏ Gà ở Võ Nhai (Thái Nguyên), suối nóng Kênh Gà ở Gia Viễn (Ninh Bình), mũi đất và ngọn hải đăng Kê Gà ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận)... Gà vốn được dùng phổ biến làm thực phẩm và dược liệu, nên tên nó cũng được đặt cho nhiều loài thực vật - nhất là những cây trồng để ăn và chế thuốc: cây mào gà, cây seo gà, cỏ gà, cỏ trói gà, dây máu gà, rau ruột gà...

Ảnh minh họa: HT

Gà còn được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu ngạn ngữ, phương ngữ, tục ngữ, thành ngữ sinh động, dân dã mà thâm thúy. “Bút sa gà chết” lưu ý chuyện đã viết, đã ký quyết định rồi thì không sửa đổi được nữa, phải chịu mọi rủi ro và trách nhiệm liên quan. “Con gà tức nhau tiếng gáy” chỉ tâm lý ganh đua, không chịu thua kém người khác. “Gà giò ngứa cựa” nhìn nhận người trẻ tuổi mà hung hăng, ham đối chọi, hay khiêu khích. “Gà què bị chó đuổi” than cảnh kẻ yếu đuối, thương tật lại bị tai nạn, nguy hiểm dồn dập. “Mẹ gà con vịt” đánh giá về quan hệ mẹ con hình thức (thường xảy ra với quan hệ dì ghẻ - con chồng). “Một tiền gà ba tiền thóc” là sự cân nhắc khi vì một món lợi nhỏ mà phải bỏ ra chi phí lớn. “Trông gà hóa cuốc” là việc nhìn nhầm, trông cái này tưởng cái kia hoặc nhận thức sai bản chất của sự vật, hiện tượng. “Vợ nhà gà chợ” là những thứ tha hồ xem xét, muốn làm gì cũng có thể được...

Gà cũng là hình ảnh tiêu biểu, đi vào văn thơ, ca nhạc, tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại và ở mọi thời đại. Trong truyện cổ tích Sọ Dừa, tiếng gà gáy hiện hữu đã mang lại sự đoàn tụ cho chàng Sọ Dừa với nàng Út. Ca dao truyền thống thì mượt mà cùng tiếng gà khi tả chốn kinh kỳ: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Con gà trống được khắc họa vừa uy nghi lại vừa vui vẻ, đời thường, dân dã: “Trên đầu đội sắc vua ban/ Dưới thì yếm thắm dây vàng xum xuê/ Thần linh đã gọi thì về/ Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng” hoặc: “Chân đạp miền thanh địa/ Đầu đội mũ bình thiên/ Mình mặc áo mã tiên/ Ban ngày đôi ba vợ/ Tối một mình nằm riêng”. Còn trong bài chính luận sắc bén Hịch tướng sĩ chống giặc Nguyên Mông (cuối thế kỷ 13), Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã cảnh báo tinh thần chiến đấu của binh lính: “Chớ có lấy việc chọi gà làm vui... Nếu giặc bất ngờ tràn tới thì cựa gà đâu thể đâm thủng áo giáp chúng?!”.

Với tác phẩm Chinh phụ ngâm (giữa thế kỷ 18) của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch ra tiếng Nôm), người chinh phụ đêm ngày ngóng trông chồng khắc khoải trong tiếng gà: “Gà eo óc gáy sương năm trống/ Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên/ Khắc giờ đằng đẵng như niên/ Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”. Trong tác phẩm Truyện Kiều (cuối thế kỷ 18) nổi tiếng của Nguyễn Du, hình ảnh gà cũng nhiều lần xuất hiện, nhưng gợi nhất vẫn là tiếng gà: “Những là đo đắn ngược xuôi/ Tiếng gà nghe gáy đã sôi mái tường/.../ Tiếng gà xao xác gáy mau/ Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng/.../ Mịt mù dặm cát đồi cây/ Tiếng gà điểm nguyệt dấu giày cầu sương”. Trong thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945, cái “tôi” hiện hữu, bao la nhưng bơ vơ, lạc loài giữa một xã hội vô định cũng được tô điểm bởi tiếng gà trong nhiều thi phẩm của các thi sĩ nổi tiếng: “Tới ngã ba sông nước bốn bề/ Nửa chiều gà lạ gáy bên đê” (trong bài Em về nhà của Huy Cận), “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng” (Nắng mới - Lưu Trọng Lư), “Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt/ Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi/ Du khách đi. Du khách đã đi rồi” (Lời kỹ nữ - Xuân Diệu). Nhưng tiếng gà không phải lúc nào cũng buồn, cũng khắc khoải như vậy. Từ đầu thế kỷ 20, nó xuất hiện trong Bài ca chúc Tết thanh niên của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu như một tiếng chuông báo niềm vui và sức sống mới, cơ hội mới: “Dậy! Dậy! Dậy!/ Bên án một tiếng gà vừa gáy/ Chim trên cây ngỏ ý chào mừng/ Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng/…/Đời đã mới, người càng nên đổi mới/ Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/ Xúm vai vào gánh vác cựu giang sơn”, theo vào bài thơ giữa thế kỷ 20 là Tiếng gà trưa của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Trên đường hành quân xa/ Dừng chân bên xóm nhỏ/ Tiếng gà ai nhảy ổ/ Cục…cục tác cục ta/ Nghe xao động nắng trưa/ Nghe bàn chân đỡ mỏi/ Nghe gọi về tuổi thơ”. Và đến cuối thế kỷ 20, nó bao trùm bài thơ Bức tranh gà của Trần Xuân Toàn với niềm tin vui lớn lao, lạc quan và hy vọng: “...Con gà đứng canh/ Bác thợ ngắm tranh/ Thấy lòng vỗ cánh/ Thấy đời lại xanh/…/ Con gà Việt Nam/ Gà từ trong tranh/ Gà ra cuộc đời/ Gáy lên! Gà ơi!”. Còn trẻ em Việt Nam khi chơi trò Dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn: “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cửa nhà trời/ Lạy cậu lạy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp/ Ngồi xệp xuống đây”.

Ảnh minh họa: HT

Nhiều em cũng yêu thích và không thể quên bài hát Đàn gà trong sân: “Gà mà không biết gáy là con gà con/ Gà mà gáy sáng là con gà cha/ Đi lang thang trong sân giống con gà giống con gà/…/ Gà mà cục tác là mẹ gà con/ Gà mà cục tác là vợ gà cha/ Đi lang thang trong sân có con gà có con gà…”.

Hình ảnh gà trở nên sinh động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Phổ biến mà đặc sắc nhất vẫn là chọi gà. Trò chơi này hay được tổ chức trong những ngày vui, ngày hội hoặc các cuộc chơi thể thao văn hóa dân dã với nhiều cách khác nhau tùy thuộc số lượng và thành phần đối tượng tham dự. Thường mở đầu mỗi trận đấu, 2 chủ gà ôm con gà chọi của mình đứng ở mép sân (sới gà), đối diện nhau. Lúc trọng tài phát lệnh, họ đồng loạt thả gà; hai con gà sẽ lao vào đấu chọi và mỗi hiệp đấu được tính bằng thời gian cháy hết nửa nén nhang hoặc 15-30 phút. Con gà bị thua nếu gục tại chỗ, hoặc bỏ chạy, hoặc bị địch thủ đánh dồn khỏi vòng quây giới hạn trên sới. Chọi gà vốn đã có từ lâu đời. Ngay từ thời Tiền Lê (980 - 1009), nó được đưa vào cung đình, làm trò giải trí cho vua quan.

Đến cuối thế kỷ 18, Nguyễn Lữ - một trong ba thủ lĩnh quân Tây Sơn đã sáng lập ra môn hùng kê quyền (quyền gà chọi) là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi (động tác nhanh nhạy, dũng mãnh trước đối thủ với việc sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà, các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà, nhắm vào các mục tiêu hiểm như huyệt đạo, hầu, ngực... đối thủ). Hùng kê quyền ngày nay đã trở thành một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn chính thức qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc.

Ở một lĩnh vực khác, tĩnh lặng nhưng phong phú, bền vững là hình tượng gà trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Gà được thể hiện khá đa dạng trên tranh, bia, miếu, đình, đền, chùa, rạp, nhà, công sở... với đủ loại chất liệu: đất, đá, vữa, bạc, đồng, gỗ, mực... và bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, xăm, chạm, khắc, đúc, nung, vẽ...

Hình tượng gà xuất hiện phổ biến trên nhiều vật dụng thời xưa của người dân và trong các đình đền, chùa miếu. Không chỉ trên trống đồng Đông Sơn, trên mặt trống đồng Hoàng Hạ và Ngọc Lũ cũng thấy hoa văn hình gà đúc nổi. Người ta còn tìm thấy hình đầu gà bằng đất nung tại xóm Rền (Phú Thọ) và tượng nguyên con gà bằng đất nung ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) có niên đại cách đây khoảng 33 thế kỷ.

Các tượng gà bằng đồng thau với niên đại cách đây 20 - 30 thế kỷ cũng được tìm thấy ở Vinh Quang và gò chùa Thông (Hà Nội), gò Chiềng Vây (Hòa Bình). Đồ gốm có hình tượng gà là một sản phẩm thấy ở nhiều làng gốm cổ truyền: Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thụy Lôi (Hà Nam), Gia Thủy (Ninh Bình), Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Ninh Thuận)... Với đồ gỗ mỹ nghệ, hình tượng gà cũng phổ biến không kém. Nhưng bức tượng gà lớn nhất Việt Nam và bậc nhất thế giới lại không phải bằng đồng, gốm, gỗ..., mà bằng bê tông cốt thép: bức tượng gà trống 9 cựa đang gáy này được thiết kế và thi công năm 1978 - 1979, cao 3,2m, nặng khoảng 8 tấn, đặt trên mô đất cao 1,5 m tại làng Darahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) như một biểu tượng tinh thần và nguồn cung cấp nước cho người dân tộc Cơ Ho nơi đây. Tranh vẽ gà cũng xuất hiện khá sớm, phổ biến nhất tại làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) với các bức tranh gà tiêu biểu: Đại cát (gà trống oai vệ, hùng dũng), Vinh hoa (em bé khỏe mạnh đang ôm một con gà), Gà gáy sáng, Mẹ con đàn gà... Hình ảnh một số loài gà quý của Việt Nam còn được đưa vào làm biểu tượng trong các lễ hội văn hóa, thể thao quốc tế liên quan - chẳng hạn gà Hồ đã trở thành linh vật tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà năm 2009 (AIGs III) tổ chức tại Việt Nam: biểu tượng vui được thiết kế với hình ảnh chú gà Hồ đang vươn mình đón ánh nắng; chú mặc bộ đồ thể thao khỏe khoắn, cánh trái giang rộng chào đón bạn bè quốc tế, cánh phải hình chữ V thể hiện niềm tin chiến thắng, giữa áo là biểu tượng mặt trời đỏ Hội đồng Olympic châu Á nằm sát cổ áo tạo nên hình tượng chiếc huy chương danh giá nhất của Đại hội này.

Không chỉ với dân tộc Kinh (Việt), gà cũng đi sâu vào đời sống văn hóa của nhiều dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Người Tày và người Nùng quan niệm trong đêm giao thừa, với các vật nuôi, nếu gà kêu hoặc gáy trước tiên thì gia đình sẽ may mắn, hạnh phúc năm mới; lễ vật đi Tết quan trọng nhất là gà trống thiến, còn đi ăn hỏi quan trọng nhất là một đôi gà. Người Mông thì coi gà trống là cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh. Người Cơ Tu lại coi con gà là biểu hiện cho sự sống, gắn liền với ánh sáng, với mặt trời. Người Khơ Mú, cô dâu chú rể trong ngày cưới phải chìa đầu gối ra cho ông mối rỏ tiết gà tươi vào (nếu giọt tiết chảy xuôi theo ống chân xuống thì hai vợ chồng sẽ sống hạnh phúc, hòa thuận; còn nếu chảy lệch hẳn sang một bên hoặc chia làm hai ngả thì cuộc sống hôn nhân sẽ đối mặt với nhiều thử thách). Người Pu Péo có tục lệ phải đón cướp giọng gà ngày Tết: đêm giao thừa, gia đình phải canh chừng lũ gà trống; khi chúng vỗ cánh, chuẩn bị gáy thì họ lập tức đốt một vài quả pháo, ném vào chuồng khiến lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy và mọi người liền cùng nhau hát vang nhà để át tiếng gà với quan niệm tiếng gà gáy vừa hay vừa thiêng, đánh thức thần Mặt Trời dậy, ai át được tiếng gà thì năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn và thành công.  

ANH HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh