Facebook mở tính năng bình luận bằng ảnh động
- Công nghệ mới
- 18:15 - 17/06/2017
Những bức ảnh động (hay còn gọi là ảnh GIF) đã có từ hơn 30 năm nay, nhưng chưa bao giờ chúng lại trở nên thông dụng và được ưa chuộng như hiện nay - nhờ vào một phần đóng góp rất lớn của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.
Theo thống kê của Facebook, cứ mỗi phút lại có khoảng 25.000 ảnh GIF được gửi đi giữa các người dùng thông qua hệ thống tin nhắn Messenger trên toàn thế giới. Và nhân dịp kỷ niệm 30 năm lần đầu xuất hiện ảnh GIF, Facebook mới đây đã giới thiệu một tính năng được người dùng chờ đón từ lâu, đó là cho phép dùng ảnh động thay cho lời bình luận (comment).
Để sử dụng tính năng này, người dùng chỉ cần đơn giản là nhấn vào biểu tượng có chữ GIF nằm bên cạnh các nút sẵn có như Emoji (biểu tượng mặt cười), đính kèm ảnh, và chèn sticker (nhãn dán) ngay cạnh phần bình luận.
Tại đây, chúng ta có thể lựa chọn những bộ ảnh GIF được Facebook gợi ý sẵn hoặc tìm theo từ khóa mà bạn mong muốn.
Một điểm đáng tiếc rằng Facebook vẫn chưa cho phép người dùng upload các bộ ảnh GIF tự tạo lên mục bình luận, mà hiện chỉ có thể sử dụng kho ảnh động từ các bên thứ 3 như Giphy hay Tenor.
"Bất cứ ai cũng đều yêu thích sử dụng ảnh GIF, và chúng tôi biết rằng họ mong muốn được bình luận bằng ảnh GIF thay cho lời bình luận", một đại diện của Facebook cho biết. "Do đó, chúng tôi đã thử nghiệm và giới thiệu tính năng bình luận bằng ảnh GIF để tăng thêm tính sinh động cho mạng xã hội".
Được biết, Facebook đã cho thử tính năng bình luận bằng ảnh GIF từ cuối tháng 3/2017, nhưng chỉ giới hạn trên một nhóm người dùng nhất định.
Ảnh động từng không phải là mối quan tâm hàng đầu của Facebook vào những năm 2015. Tuy nhiên chính lối tư duy này đã khiến mạng xã hội lớn nhất hành tinh đánh mất một lượng lớn người dùng vào các dịch vụ khác như mạng chia sẻ hình ảnh Imgur với hơn 150 triệu user, hay Buzzfeed.
May mắn thay, Facebook đã kịp "bắt sóng" trào lưu đang thịnh hành và hướng đến một cách tiếp cận với nhiều video và hình ảnh động giống như Snapchat thay vì phương thức văn bản truyền thống đã quá lỗi thời.