Facebook hứng 'cơn' phẫn nộ của người dùng
- Công nghệ mới
- 02:00 - 22/03/2018
Thông tin trên trang Zing News cho hay, cuối tuần trước, hàng loạt trang như New York Times hay The Guardian lôi vụ việc ra ánh sáng. Một nhóm nghị sĩ Mỹ gọi Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đến để hỏi về cách Cambridge Analytica nắm giữ nhiều dữ liệu người dùng đến vậy.
Chính quyền Anh cũng hứa vào cuộc điều tra. Hôm 19/3, cổ phiếu của Facebook giảm hơn 10 %. Sáng 20/3, Ủy ban Thương mai Liên bang công bố sẽ điều tra vụ việc.
Người ta không quan tâm Cambridge Analytica gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ra sao. Cái cách họ thu thập được dữ liệu (dù Facebook công bố đã xóa nó) mới khiến họ lo ngại về khả năng bảo mật dữ liệu của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
“Đây là điều ngạc nhiên nhất tôi từng gặp”, Christopher Wylie, cựu nhân viên Facebook nói với The Guardian. “Trong 2 năm, họ hoàn toàn không kiểm tra xem dữ liệu có bị xóa hay không. Tất cả việc cần làm chỉ là tick vào một ô trống và gửi nó đi”.
Cơ chế hoạt động thiếu hiệu quả của Facebook đang gây lo lắng trên toàn thế giới. Vụ việc của Cambridge Analytica chỉ là một phần trong số đó. Chỉ riêng tháng 3 này, người ta có thể kể tên hàng loạt scandal của Facebook như cho phép gửi thông tin kích động bạo lực tại Sri Lanka, thanh tìm kiếm tự động gợi ý nội dung khiêu dâm cùng khá nhiều động thái liên quan đến chính trị và bạo lực khác.
Người dùng Facebook 'lũ lượt' xóa tài khoản
Một làn sóng phản đối đang nổ ra trên toàn cầu sau tin Facebook để đối tác lấy dữ liệu từ hơn 50 triệu tài khoản một cách trái phép. Hàng loạt người dùng Facebook đã bắt đầu xóa hoặc deactivate (vô hiệu hóa) tài khoản.
Trên Twitter hôm nay (20/3), một mạng xã hội phổ biến ở châu Âu, hàng loạt người đang kêu gọi xóa tài khoản trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nhiều tweet (bài viết trên Twitter) chia sẻ nỗi tức giận được đăng tải kèm ảnh chụp màn hình cho thấy tài khoản Facebook đã bị xóa.
Cụm từ #DeleteFacebook đang rất phổ biến trên Twitter (Nguồn: Ảnh chụp màn hình Twitter)
"Facebook không giống những gì chúng tôi nghĩ", "Tất cả chúng ta đều bỏ được MySpace, chúng tôi cũng có thể bỏ Facebook" là một số chia sẻ phản ánh tâm lý chung của cộng đồng "cư dân mạng".
Các báo lớn như Business Insider, CNET cũng đăng bài viết hướng dẫn cách xóa tài khoản Facebook. Thậm chí, một tổ chức còn phát động phong trào tẩy chay mạng xã hội này với nhiều hoạt động.
Poster quảng cáo chiến dịch tẩy chay Facebook (Nguồn: Wired).
EU thúc đẩy điều tra Facebook vi phạm quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân
Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy nỗ lực mở một cuộc điều tra khẩn cấp về thông tin cho rằng một công ty tư vấn được Tổng thống Mỹ Donald Trump thuê đã tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook.
Trong bài đăng ngày 20/3 trên trang mạng Twitter, Điều phối viên Brexit của Nghị viện châu Âu (EP) Guy Verhofstadt kêu gọi EP tiến hành điều tra vụ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng Facebook mà ông gọi là một vụ "bê bối" này. Ông Verhofstadt cho biết sẽ cập nhật thông tin về tiến trình điều tra.
Ủy viên EU phụ trách về tư pháp Vera Jourova cũng đã hối thúc giới chức bảo vệ thông tin độc lập ở châu Âu điều tra làm rõ vụ việc. Bà Jourova và các quan chức này sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) trong ngày 20/3.
Bà Jourova dự kiến sẽ gặp ban lãnh đạo Facebook trong chuyến thăm Mỹ vào tuần này để tìm hiểu thêm thông tin. Trong khi đó, Ủy viên EU phụ trách về kỹ thuật số Mariya Gabriel cho biết các quan chức EU đang theo dõi vụ việc, đồng thời khẳng định bảo vệ thông tin cá nhân là "giá trị cốt lõi" của EU.