CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:10

EU nhất trí phân bổ người di cư

 

Một nhóm người di cư ngồi ở biên giới Serbia - Croatia. Ảnh: Daily Mail

Theo kết quả bỏ phiếu với đa số phiếu tán thành, người di cư sẽ được chuyển từ Ý, Hy Lạp và Hungary sang các nước khác thuộc EU. Romania, CH Czech, Slovakia và Hungary bỏ phiếu không chấp nhận hạn ngạch bắt buộc này. 

Nhưng phần lớn các nước thành viên EU ủng hộ kế hoạch hạn ngạch bắt buộc. Kế hoạch sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Ba Lan hôm qua bỏ phiếu thuận, dù trước đó luôn phản đối đề xuất phân bổ hạn ngạch bắt buộc. Phần Lan là nước duy nhất trong số 28 thành viên EU bỏ phiếu trắng.

Trước đó, nhiều quan chức cấp cao EU giận dữ trước mâu thuẫn giữa Đức và các nước Đông Âu, khi Berlin muốn các chính phủ chấp nhận hạn ngạch quốc gia bắt buộc để tạo chỗ ở cho những người di cư, trong khi các nước ở phía đông kịch liệt phản đối. 

Sau cuộc họp bộ trưởng nội vụ thất bại vào tuần trước, điều dễ đoán là những đại diện bất đồng, nhất là Hungary, Slovakia và CH Czech, sẽ bỏ phiếu chống. Nhưng các nhà ngoại giao nói rằng, họ vẫn đang làm việc để tìm kiếm đồng thuận nhằm tránh lặp lại kết cục cũ, và tránh để quan hệ giữa các nước thành viên trong khối tồi tệ hơn.

Trước đó, các Bộ trưởng Nội vụ hy vọng có thể đạt được thỏa thuận về kế hoạch tái phân bổ nhằm tránh để cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo khối diễn ra ngay sau đó thất bại. Các lãnh đạo dự cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra ngày 23/9, muốn tập trung vào việc tăng hỗ trợ cho người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại của Trung Đông, đồng thời thắt chặt kiểm soát biên giới của khối để ngăn dòng người chạy trốn chiến tranh và đói nghèo tràn vào EU.

“Chúng tôi cảm thấy, sau những tuần vừa qua, mọi người sẵn sàng hơn trong việc hỗ trợ người tị nạn khi họ vẫn chưa vào châu Âu, vì thế chúng tôi muốn làm nhanh việc đó”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của EU. Tuần trước, EU cho biết khối này sẵn sàng hỗ trợ khoảng 1 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ, để giải quyết vấn đề người tị nạn. Một quan chức cấp cao EU cho biết, khoảng 2/3 số tiền đó sẽ được lấy từ các quỹ hiện nay dành cho Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại sẽ từ ngân sách chung của EU.

Khoản tiền sẽ được dùng để giúp những cộng đồng bị ảnh hưởng lớn nhất, cải thiện dịch vụ y tế và hỗ trợ dạy học bằng tiếng Ảrập. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ phải làm nhiều hơn để cải thiện điều kiện cho người tị nạn, truy quét những kẻ buôn người và ngăn chặn người tị nạn vào Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ muốn tiền mà còn muốn được thừa nhận vị trí sau nhiều năm cố gắng nhưng không được gia nhập EU. Châu Âu đang cân nhắc một cuộc họp “thượng đỉnh mini” với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào ngày 5/10, BBC đưa tin.

Đức lo người tị nạn bị lôi kéo

Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan tình báo Đức vừa cảnh báo, lực lượng Hồi giáo cực đoan đang nhằm vào người tị nạn nhằm tuyển dụng những người tị nạn trẻ đến Đức. “Có một mối lo ngại lớn về việc lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Đức lấy cớ trợ giúp nhân đạo để lợi dụng hoàn cảnh của người di cư nhằm cải đạo và tuyển dụng những người xin tị nạn”, AP dẫn lời ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Đức. “Chúng tôi đặc biệt tập trung vào những người tị nạn trẻ không đi cùng người thân dễ trở thành con mồi của lực lượng cực đoan”, ông Maassen nói.

Thông tin này được đưa ra vài giờ sau khi cảnh sát Đức lục soát 8 ngôi nhà ở Berlin, trong đó có một nhà thờ, bị cho là nơi trú ẩn của lực lượng cực đoan ủng hộ chiến tranh ở Syria. Thông tin này cũng làm nóng hơn cuộc tranh cãi về cách Đức xử lý làn sóng hàng trăm nghìn người tị nạn đang tràn vào. Ông Maassen nói rằng, số người Hồi giáo Salafi ở Đức đã tăng lên 7.900, cao hơn 500 người so với hồi tháng 6. Khoảng 740 tay súng Hồi giáo, trong đó 1/5 là nữ, đã sang Syria và Iraq.

Mâu thuẫn mới nhất giữa các thành viên EU là việc Thủ tướng Serbia hôm qua đưa ra hạn chót 2h chiều 22/9 để EU thuyết phục Croatia mở lại biên giới nhằm thông đường cho các xe tải chở hàng sau khi Croatia chặn biên giới. Lãnh đạo Serbia tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa. 

Muốn gây sức ép để Serbia ngừng đưa người di cư về phía biên giới chung với Croatia thay vì lên phía bắc đến Hungary, Croatia đóng cửa biên giới từ tuần trước, khiến Serbia thiệt hại hàng triệu đô la Mỹ mỗi ngày, AP đưa tin ngày 22/9.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh