Duyên hải miền Trung nhiều tiềm năng lợi thế phát triển nuôi tôm trên cát
- Tây Y
- 14:57 - 17/05/2017
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khu vực duyên hải Miền trung có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi tôm trên cát
Trước diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, tôm nước lợ nổi lên như một sản phẩm tiềm năng để phát triển. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch.
Riêng trong năm 2016, đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành nuôi tôm nói riêng do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt và sự cố môi trường biển ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và người nuôi với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả ngoạn mục với tổng diện tích thả nuôi nước lợ đạt trên 695 ngàn ha, sản lượng đạt gần 660 nghìn tấn, xuất khẩu sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỷ USD.
Đặc biệt là Khu vực duyên hải miền Trung với 14 tỉnh thành, trải dài trên 1.800km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thiên tai, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, hiệu quả thấp. Việc chuyển đổi sang nuôi trổng thủy sản, nuôi tôm trên cát sé góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vùng đất cát ven biển, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Diện tích nuôi tôm trên cát các tỉnh Khu vực duyên hải miền Trung tăng trung bình 7,5%/năm, từ 2.381 ha năm 2010 lên đến 3.734ha năm 2016, sản lượng tăng trưởng trung bình 5,0%, từ 30.844 tấn năm 2010 lên 41.705 tấn năm 2016, năng suất nuôi tôm trên cát các tỉnh miền Trung cao hơn năng suất bình quân của cả nước.
Nghề nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng bên cạnh đó có nhiều khó khăn và hệ lụy như: hạ tầng vùng nuôi trên cát chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chưa có ao chứa, lắng, xử lý nước; việc sử dụng thuốc, hóa chất tùy tiện trong sản xuất; chất thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường dễ gây ô nhiễm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Hội nghị phát triển bền vững nuôi tôm trên cát tại các tỉnh duyên hải miền Trung
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, ở Khu vực duyên hải miền Trung có tổng diện tích nuôi tôm trên cát đạt 4.500 ha trong đó có trên 50% được đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi; sản lượng đạt trênrên 60.000 tấn, năng suất trung bình đạt trên 12 tấn/ha mặt nước/vụ. Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 7.000 ha trong đó có trên 70% được đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi; sản lượng đạt trên 110.000 tấn, năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha mặt nước/vụ…
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, tôm là một trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Tĩnh. Mặc dù trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp bằng những cơ chế chính sách thiết thực để phát triển nuôi tôm trên cát.
Đến nay, sự cố môi trường biển đã khắc phục căn bản. Các bộ, ngành liên quan kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành và xử lý sự cố cũng như quá trình hoạt động của formosa. Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư và tạo mọi điều kiện tối đa cho việc đầu tư phát triển nuôi tôm trên cát.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét phát triển liên kết vùng dọc các tỉnh miền Trung; quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ sau sự cố môi trường biển tạo thành chuỗi liên kết vùng, liên kết chuỗi sản phẩm đem lại hiệu quả bền vững...
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Lê Đình Sơn cho rằng, cần phát triển liên kết vùng dọc các tỉnh miền Trung tạo ra chuỗi sản phẩm hiệu quả, bền vững.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong chiến lược phát triển ngành hàng tôm Việt Nam, khu vực duyên hải miền Trung có tiềm năng với 15.000ha đất cát có thể phát triển nuôi tôm trên cát, có công nghiệp, du lịch phát triển, có thị trường tiêu thụ khá tốt… Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay còn có những tồn tại, bất cập, đặc biệt là chịu tác động bởi các yếu tố thời tiết cực đoan như: hạn hán, mưa lũ; hạ tầng đầu tư chưa cao… do đó phải làm đúng quy trình, kỹ thuật, có đầu tư và nâng cao trình độ quản lý sẽ mang lại năng suất, sản lượng cao.
Bộ trưởng đề nghị các tỉnh cần rà soát những diện tích đất cát có thể quy hoạch phát triển nuôi tôm, tuyệt đối không vi phạm đất rừng ven biển, đảm bảo môi trường sinh thái. Tại các vùng quy hoạch phải đủ điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, nước…, quy hoạch thành vùng nuôi tôm tập trung bền vững, không xung đột với quy hoạch các ngành khác.
Riêng đối với 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cần tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm trên cát.
Các doanh nghiệp cần làm tốt diện tích đất canh tác, các khâu dịch vụ, liên kết với nhau từ giống, thức ăn, quy trình để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời liên kết với người dân để xây dựng những mô hình nuôi tôm trên cát hiệu quả, bền vững…