CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:04

Đường sắt 7 tỷ USD: Lào oằn lưng gánh nợ, Trung Quốc hưởng lợi

 

Tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc dài 420 km, chi phí ước khoảng 7 tỷ USD (Ảnh minh họa).

 

Dự án đường sắt cao tốc Trung - Lào - Thái:

Lào đang hoàn thành thủ tục thành lập công ty liên doanh nhằm quản lý xây dựng và tài chính của dự án đường sắt tốc độ cao trị giá hàng tỷ USD. Hệ thống đường sắt cao tốc này sẽ nối hai quốc gia Lào - Trung Quốc và kéo dài tới tận Thái Lan.

Vay nợ khủng thực hiện dự án 7 tỷ USD

Công ty liên doanh này được thành lập để quản lý dự án, thu hồi đất đai, xây dựng và khai thác. Điều đó có nghĩa Lào sẽ phải vay tiền thực hiện dự án thông qua công ty này. Tổng chi phí của dự án dự kiến khoảng 7 tỷ USD, mặc dù trước đó, Lào và Trung Quốc tuyên bố chi phí lên tới 7,2 tỷ USD. Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Giao thông Lào nói: “Chúng tôi muốn hợp đồng này được ký càng sớm càng tốt. Dự án đường sắt xuyên quốc gia dài khoảng 420 km”. Quan chức này cũng cho biết, ông không phải là người đảm bảo cho các khoản vay từ ngân hàng dành cho dự án này.

Koung Souk-Aloun, một quan chức cao cấp khác của Lào phụ trách dự án đường sắt này cho biết, ông không thể tiết lộ chi tiết thông tin về dự án vì tất cả vẫn trong giai đoạn tư vấn. Trước đó, ngày 24/4, Chính phủ Lào cũng thông báo rằng họ đang tổ chức các cuộc thảo luận với đối tác Trung Quốc để chi tiết hóa những hợp tác giữa hai bên khi triển khai dự án; Lên kế hoạch mua sắm phương tiện đi lại phục vụ công việc. Đồng thời, Lào cùng đối tác Thái Lan khảo sát địa điểm thích hợp để xây dựng một cây cầu trên hệ thống đường sắt nối Lào - Thái.

Keith Barney, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Australia tại Canberra cũng là chuyên gia  nghiên cứu về Lào cho rằng, các quan chức nước này cần đề xuất một vài điều khoản tài chính đặc biệt hoặc yêu cầu được chia sẻ lợi ích với Trung Quốc hoặc Thái Lan trước khi chính thức tham gia dự án. Ông nói: “Thái Lan và Trung Quốc là những nước được hưởng lợi nhiều từ hệ thống đường sắt này, vì thế họ phải trả nhiều chi phí hơn”.

Ngoài ra, Lào cũng cần một nghiên cứu khả thi xem loại hình đường sắt nào mang lại nhiều lợi ích nhất. Bên cạnh đó, phải có những nghiên cứu khác về hệ thống logistics, chi phí và lợi ích kinh tế do dự án đem lại cũng như những yêu cầu về nhân sự điều hành và chi phí bảo trì hệ thống. Barney cho rằng Chính phủ Lào nên có ý tưởng rõ ràng về việc chọn lựa những dự án lớn hơn phù hợp với quốc gia; Vì hiện tại họ mới chỉ có sự chống lưng của Thái Lan và Trung Quốc để xây dựng một hệ thống đường sắt tốc độ cao hoặc đường sắt đôi tới Nong Khai hoặc Chiang Khong.

 

Nếu dự án này được thực hiện, những người dân Lào sống phụ thuộc vào rừng, đất nông nghiệp sẽ thiệt hại nặng nề.

 

Điều đó cũng cho thấy dự án có thể còn mất nhiều năm nữa mới thực sự bắt tay vào xây dựng. Chưa kể Lào cũng chưa có kế hoạch nghiêm túc để tiến hành những nghiên cứu cần thiết liên quan đến dự án. Ông Barney nói: “Theo tình hình hiện nay, tôi không nghĩ rằng chính phủ Lào có đủ tiềm lực tài Chính để phát triển đường sắt. Họ có quá nhiều ưu tiên khác quan trọng hơn cần đầu tư như giáo dục, sức khỏe, hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ và an toàn thực phẩm”.

Thế chấp tài nguyên, dân chịu thiệt

Một nhân viên phi chính phủ giấu tên đã từng làm việc 5 năm trong các dự án phát triển của Lào cho rằng, dự án đường sắt Trung - Lào nên được xem xét như một hình thức đầu tư của Trung Quốc vào Lào thì chính xác hơn. Ông nói: “Đối với họ, dự án đường sắt này là một phần của kế hoạch đường sắt xuyên Á và Đông Nam Á “Một con đường - Một vành đai”. Chính phủ Lào nên xem xét kỹ những cản trở nhất định khi thương thuyết dự án này với người hàng xóm khổng lồ, ví như: Có đủ tiền để triển khai dự án hay không hoặc ai sẽ là người thực sự phải trả nợ khi Lào vay nợ khủng để chi trả cho hoạt động xây dựng. Khoản vay này tương đương với 90% sản lượng kinh tế hàng năm của Lào. Đứng trước những lo ngại này, Lào cho rằng họ sẽ sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước như một tài sản thế chấp và trả nợ bằng những tài nguyên chưa được khai thác”.

Người này cho biết thêm rằng dự án này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho những người đang sống dựa vào rừng, đất nông nghiệp: “Với dự án này, không phải Lào đang lấy mất nguồn sinh kế của phần lớn người dân làm tài sản thế chấp sao? Những người dân sẽ là đối tượng đầu tiên phải trả giá cho dự án đường sắt này, trong khi dự án đó chắc chắn không mang lại lợi ích trực tiếp gì cho họ trong tương lai”.

Thiếu “đầu tư chất lượng”

Không có biển, Lào luôn mong muốn tuyến đường sắt Trung - Lào sẽ là một con đường chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu với chi phí thấp hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số dự án đường sắt khác của Lào dù đã thông báo khởi công, động thổ nhưng thực tế vẫn chưa hề tiến hành xây dựng. Dự án đường sắt trị giá 5 tỷ USD dài 220 km từ Savannakhet tới biên giới Thái Lan và cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) là một ví dụ.

Barney nói: “Mặc dù đã có nhiều thông báo và thậm chí có cả lễ khởi công nhưng chưa một hoạt động xây dựng nào được thực hiện”. Điều đáng lo hơn, dự án này bắt đầu từ Savannakhet sau đó dừng lại ở ngôi làng đầy bụi bặm ở biên giới Lao Bảo/Densavanh, không có bất cứ dự án nào nối tiếp hệ thống đó ở Việt Nam hay Thái Lan.

Barney cho rằng có thể các nhà đầu tư cho dự án này đã bán nó cho một nhóm khác để thu lời: “Lào nên đánh giá lại những công ty mà họ đã ký kết thỏa thuận tiến hành dự án và tìm hiểu xem liệu các công ty này có đủ khả năng tài chính để phát triển thành một liên danh hay không. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tập trung vào “đầu tư chất lượng” như Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) kêu gọi. Có như vậy, người dân Lào mới thực sự được hưởng lợi”.

theo baogiaothong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh