Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp thay “áo mới” gần 1.000 tỷ, bà con miền Tây mừng khôn xiết
- Y học 360
- 22:34 - 31/03/2021
"Áo mới" đổi thay đời sống người dân
Những ngày tháng 3 này, giữa cái nắng như thiêu như đốt ở Tây Nam Bộ, các đoàn viên, thanh niên của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công vẫn hối hả, đẩy nhanh tiến độ thảm lớp nhựa cuối cùng phủ lên mặt đường cho bà con miền Tây thuận tiện đi lại trước ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam (30/4).
Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp thay “áo mới” gần 1.000 tỷ, bà con miền Tây mừng khôn xiết.
Đó là Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-BGTVT ngày 11/3/2019. Tổng mức đầu tư dự án 900 tỷ đồng, lấy từ gói 15.000 tỷ đồng của dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và đường bộ quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua 4 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chạy song song với tuyến Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Điểm khởi đầu tại TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) và điểm cuối là TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Tuyến đường này giúp phá thế độc đạo của quốc lộ 1A ở ĐBSCL, và rút ngắn được hơn 40 km từ Cần Thơ đi Cà Mau so với QL1A hiện hữu.
Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được khởi công đầu tiên vào tháng 12 năm 2005, có tổng chiều dài 103 km và theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.
Sau 14 năm đi vào sử dụng, đến thời điểm tháng 11/2019, tuyến đường này xuống cấp và đã được Chính phủ chấp thuận cấp 900 tỷ nâng cấp mặt đường.
Một thời gian dài thiếu vốn, tuyến đường xuống cấp, khiến cho phương tiện đi lại của người dân các tỉnh ĐBSCL gặp khó khăn…cuối năm 2019 có vốn đầu tư thì sang năm 2020 lại vướng dịch Covid19, việc huy động nhân lực, vật lực gặp khó khăn, thế nhưng nhờ chạy nước rút chủ đầu tư cho biết dự án khả năng về đích sớm 2 tháng ( tiến độ giao T6.2021)
Một minh chứng cho việc đời sống người dân sung túc hơn khi có con đường mới Quản Lộ - Phụng Hiệp là ông Nguyễn Văn Út, trú tại xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Ông Út là chủ quán có cái tên rất đẹp Thiên Hương chuyên về lẩu mắm, cá đồng chiên nổi tiếng mà khách 1 lần ghé khó mà quên được.
Giữa cái nắng như thiêu như đốt ở Tây Nam Bộ, công nhân vẫn miệt mài công việc.
Ông Út kể lại, khi con đường mới mở thì 2 bên chủ yếu là đồng ruộng và cây tràm, vì nhạy bén kinh doanh ông mua 1 mảnh đất nằm ngay mặt tiền đường Quản Lộ - Phụng Hiệp lúc đang thưa thớt xe cộ. QL1A từ Cần Thơ về Cà Mau quá tải kẹt xe mỗi ngày, cánh tài xế thấy đường mới, lại rút ngắn được 40km nên chuyển qua đi thử, dần dà con đường nhộn nhịp, ông mở hàng ăn vì trên tuyến quán xá lúc này rất thưa, quán ngày càng đông khách, phải thuê thêm nhiều lao động địa phương.
Rồi ông còn mở thêm cửa hàng bán đặc sản Sóc Trăng và miền Tây Nam bộ cho khách xem và mua khi dừng chân tại quán. 1 mét dài đất (không tính m2) cặp theo Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp ở đối diện quán Thiên Hương cỏ mọc um tùm là đất nông nghiệp theo ông Út có giá bán 60-80 triệu đồng/ mét dài (sâu khoảng 35m - 100m).
Câu chuyện vui vẻ của ông Út cũng là tâm sự cởi mở chung của bà con ở Thị trấn Ngã năm này. Từ tiệm sửa xe của anh Khương Tính, đến chị bán Cà phê quán Phương Dung, Cà phê Mộng Cầm, anh bán vật liệu Xây dựng Tám Tuấn, Anh chủ tiệm Xăng dầu Hoàng Dũng… họ sống được nhờ việc kinh doanh dọc tuyến đường mới này.
Chị Nguyễn Thị Kim Thư (35 tuổi, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) bán quán nước trước cửa Trung tâm Y tế Phước Long chia sẻ, từ ngày tuyến đường được nâng cấp không còn bụi mịt mù như trước đây. Nhiều xe khách liên tỉnh đều đi qua tuyến đường này nên việc giao thương buôn bán phát triển mạnh mẽ. Cũng nhờ tuyến đường mà nhiều thương lái ở TP.HCM tìm về thu mua nông sản của người dân nơi đây với giá cao hơn trước…
Từ trục giao thông này, các địa phương ĐBSCL xây dựng kết nối các đường trục liên huyện, liên xã… nhựa hóa, bê tông hóa giao thông nông thôn tạo nên mạch máu lưu thông đến tận các ấp xa xôi hẻo lánh kết nối giao thương giữa vùng sâu vùng xa với các thành phố.
Chú trọng chăm lo đời sống công nhân lao động
Quay lại với công trường, gặp những con người ngày đêm chạy đua với thời gian để sớm hoàn thành thảm mặt nhựa cuối cùng. Tại gói thầu do liên danh Công ty cổ phần 208 và Công ty TNHH Quang Tiền thi công qua khu vực Vĩnh Phú Tây - Phước Long - Bạc Liêu có rất nhiều công nhân không quản nắng gắt điều khiển xe ben, xe lu, xe thảm nhựa. Trong điều kiện giao thông tốt, thời tiết nắng đẹp họ có thể thảm được hàng chục km nhựa, vừa thảm vừa phải điều tiết giao thông.
Anh Tạ Văn Quân (SN 1983, công nhân của Công ty cổ phần 208) bộc bạch: "Công việc này tuy vất vả, thậm chí nguy hiểm vì đường vừa thi công vừa khai thác nhưng anh em được đào tạo nghề bài bản, kinh qua nhiều dự án nên quen rồi, anh em tự động viên nhau, luôn vui vẻ vì Cty trả mức thu nhập ổn định để nuôi gia đình, quan tâm bữa ăn, nơi ở sạch sẽ…
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, các cán bộ Ban QLDA7 luôn quan tâm thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như động viên các đơn vị chủ động công việc phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công; chỉ đạo các nhà thầu sớm chuẩn bị đầy đủ vật liệu phục vụ thi công.
Ông Đỗ Duy Hưng - Phó trưởng phòng QLDA 1, Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT), đơn vị thay mặt Bộ làm chủ đầu tư cho biết, Dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp là một trong 4 dự án cấp bách ở khu vực Tây Nam Bộ. Dự án này có 11 nhà thầu thi công, hiện tại thi công đạt 90% khối lượng, dự kiến về đích trước sớm 2 tháng so với tiến độ hợp đồng. Ngoài quan tâm đến sức khoẻ, các chỉ đạo về phòng dịch Covid19, đời sống sinh hoạt của công nhân…Ban còn nhắc các đơn vị thi công trang bị đồ bảo hộ lao động cho người lao động và đảm bảo công tác an toàn lao động.
Dù khó khăn lớn nhất chính là nguồn vật liệu khan hiếm, nhưng Ban QLD7 cùng tư vấn, nhà thầu đã tìm cách tháo gỡ để toàn bộ dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp vừa đảm bảo chất lượng, vừa kịp thời gian về đích.