Đường đi của áp thấp nhiệt đới 'kép' dị thường trên Biển Đông
- Tây Y
- 13:13 - 03/09/2019
Tại cuộc họp giao ban ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông của Thường trực ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai sáng nay, GĐ trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, cơn áp thấp gần bờ hiện đang ở khu vực phía Đông đảo Hải Nam - cách Quảng Bình khoảng 500km.
5h sáng nay, một vùng mây đối lưu giữa Biển Đông cũng đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Ngoài ra, hiện ở phía ngoài Philippines có vùng áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão.
Về cơn áp thấp gần bờ, theo dự báo của Đài Hong Kong thì sẽ đi vào khu vực miền Trung Việt Nam nhưng sau đó quay ra đi về phía Hong Kong. Đài khí tượng Nhật Bản mới cung cấp cảnh báo 24h.
Trong khi đó, trung tâm cảnh báo bão ở Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ thì dự báo mới dừng lại áp thấp và hướng tới khu vực phía Bắc Biển Đông của Việt Nam.
Ông Khiêm cho hay, từ 30 mô hình tính toán và tính toán tác động, cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định phương án dễ xảy ra nhất là đi vào vùng biển gần Quảng Bình, Quảng Trị sau đó lại quay trở ra đi về phía Hong Kong.
Về cơn áp thấp hình thành sáng nay trên khu vực giữa Biển Đông, hiện đang di chuyển hướng Bắc sau đó là Tây Bắc. Dự kiến trong 48 giờ tới sẽ sáp nhập vào áp thấp gần bờ khi áp thấp này quay trở lại.
Theo ông Khiêm, dự báo cơn áp thấp gần bờ có khả năng thành bão trong 24 giờ tới và mạnh cấp 5, 6. Áp thấp mới hình thành có thể mạnh lên cấp 7,8.
Về tình hình mưa, ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ có mưa lớn; tập trung ở Hà Tĩnh đến Quảng Nam với lượng mưa từ 300 – 500mm cả đợt từ hôm nay đến 6/9, có nơi mưa lớn hơn.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin, 88 phương tiện của Quảng Trị và Nghệ An hôm qua chưa liên lạc được thì hiện tại đã liên lạc được.
Các phương tiện khác và nhiều lao động cũng đã nhận được thông tin và di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia tăng cường hơn nữa công tác dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến 3 cơn áp thấp đang hoạt động vì nó sẽ có tương tác phức tạp với nhau.
Ông nhắc đến ý kiến của lãnh đạo Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai là yêu cầu cơ quan dự báo xác định lại vùng nguy hiểm để có chỉ đạo ứng phó trên tuyến biển cho phù hợp.
Lưu ý về những thiệt hại do bão số 4 gây ra vừa qua, đặc biệt là sự cố trên tuyến biển, ông Hoài đề nghị các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, giám sát.
Cụ thể, Bộ đội Biên phòng kiểm tra để sớm bắn pháo hiệu báo thông tin cho tàu thuyền biết diễn biến của áp thấp khả năng thành bão. Cục đê điều sẵn sàng ứng phó với lũ lớn...
Nhiều tỉnh trên cả nước, đặc biệt từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm/đợt.