CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:36

Đường 7 ngày ấy, bây giờ

 

Sau giải phóng (30/4/1975) các buôn làng từ Sơn Hòa (Phú Yên) đến Chư Sê (Gia Lai) đã bắt tay vào kiến thiết, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc và ngày càng khang trang.

 

Chứng tích lịch sử

Cứ đến tháng 4 hàng năm, những người già, các cựu chiến binh từng chứng kiến, tham gia sự kiện lịch sử diễn ra trên Đường 7 năm xưa lại sống dậy nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Già làng Nay Hinh ở Sơn Hòa (Phú Yên) bồi hồi: Con đường này có vai trò chiến lược. Nó nối đồng bằng với Tây Nguyên, địch luôn ngầm xem đây là tuyến huyết mạch để đưa quân về bảo vệ Sài Gòn khi có sự cố. Bộ đội ta đã nắm được thóp và ý đồ của chúng từ rất sớm nên đã chuẩn bị lực lượng rất kỹ càng. Các điểm mốc như; Cheo Reo, Hậu Bổn, Phú Túc, Tô Na, Sơn Hòa, Thành Hội...đều ghi dấu các chiến công hiển hách của quân giải phóng.

Từng tham gia chặn địch rút chạy về đồng bằng, cựu chiến binh Lê Văn Huy ở Sơn Hòa nhớ lại: Sau khi hoàn toàn thất thủ và bị đánh tan ở Buôn Ma Thuột, 15.000 tên thuộc Quân đoàn 2 của địch vội vã rút chạy về phía Cheo Reo hòng tìm kiếm một lối thoát. Nắm trước tình hình này nên Quân đội Nhân dân Việt Nam chặn ở Cheo Reo. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác của ta tập trung chặn đánh địch trên Đường 7. Sau nhiều trận giao tranh ác liệt, 19/3/1975, các đơn vị của địch bị vây tại Cheo Reo, tiêu hao dần lực lượng của chúng.

Dọc Đường 7 đã căng tràn màu xanh bình yên.

 

Đoạn đường từ cầu Sông Bờ đến chân đèo Tô Na thuộc địa phận thị xã Hậu Bổn (thị xã Ayun Pa bây giờ) là nơi quân địch tổn thất nhiều nhất. Binh lính và phương tiện quân sự của chúng ào ạt tháo chạy, chen lấn giẫm đạp lên nhau. Chúng còn cố vớt vát bằng cách uy hiếp dân để gây áp lực nhưng trước sự quyết liệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam, địch đã không thể kháng cự và tan dã.

Sau ngày giải phóng, trong tình cảnh khó khăn chung của đất nước, các buôn làng dọc dài từ Sơn Hòa (Phú Yên) đến Chư Sê (Gia Lai) phải bắt tay vào kiến thiết cuộc sống với một quyết tâm cao độ. Ông Trần Công Minh, một trong những người tiên phong bám trụ Cheo Reo từ sau ngày giải phóng nhớ lại: Địa mốc Cheo Reo giờ đã thành phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) chứ xưa kia là một bãi đất cằn cỗi, nhà cửa xác xơ. Nỗi ám ảnh chiến tranh hiện hữu mọi ngóc ngách. Chúng tôi bắt đầu vận động các tổ dân, các hợp tác xã nhập cuộc với khí thế thi đua sản xuất không ngừng nghỉ, chẳng mấy chốc các buôn làng nối tiếp nhau hiện hữu trong sự yên bình, không còn lo bị địch càn quấy nữa. 

Quân ngụy Sài Gòn trên đường tháo chạy.

 

Thương binh Nguyễn Việt Bình ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) bồi hồi: Cả thị trấn này năm 1975 chỉ lèo tèo mấy căn nhà kiên cố. Quân địch vừa rút chạy còn tàn phá nhà dân nên ảnh hưởng rất nặng. Sau ngày giải phóng, chúng tôi bắt tay vào gây dựng lại cuộc sống ngay, mọi vùng chiến địa được rà phá bom mìn, ươm chồi màu xanh bạt ngàn của bắp và sắn. Dân cư tự tin kéo về để ổn định cuộc sống, cùng nhau đưa ra các giải pháp lao động hiệu quả.

Đổi thay từng ngày

Với sự chăm chỉ lao động của từng người dân cộng với các quyết sách đúng của Đảng, Nhà nước, các buôn làng dọc Đường 7 bây giờ liên tục đổi thay từng ngày. Hàng loạt thị xã, thị trấn đã khoác lên mình dáng vóc đô thị văn minh và trù phú.

Thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) giờ đã thành thị xã Ayun Pa, đô thị loại IV với đầy tiềm năng đang cần được khai thác và phát triển. Những địa điểm: Hạo Đức, Nhà Cháy, Cây Xoài...từng bị địch phủ kín bom đạn giờ đã thành những khu phố văn hóa khang trang. Ông Lê Nam, cán bộ khu phố Hạo Đức chia sẻ, nhà nhà đều đã  đầy đủ các phương tiện giải trí rồi. Mức sống cao lắm, do ứng dụng các mô hình kinh tế như VAC, VACR cả đấy. Đặc biệt, các buôn làng người dân tộc thiểu số cũng đã biết biến rẫy đất cằn thành màu xanh no ấm. Lối làm ăn cũ được chuyển sang lối sản xuất mới, ngoài trồng trọt các cây chủ lực còn nuôi trâu, bò và gia cầm theo hướng trang trại. Những nóc nhà kiên cố mọc lên san sát, truyền hình cáp cũng đã đến tận các buôn sâu xa nhất, không khí xây dựng nông thôn mới hừng hực khắp nơi. Cả thung lũng Ayun Pa bạt ngàn màu xanh no ấm như những thảo nguyên bao la.

Cảnh hỗn loạn của quân ngụy Sài Gòn tháo chạy trên Đường 7.

 

 Ở cứ địa xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) từng bị tàn phá mạnh trên tuyến Đường 7, giờ cũng đã hoàn toàn đổi khác. Hơn 100 hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu. Các trang trại chăn nuôi gia súc xen kẽ những cánh đồng mía cao sản lên đến gần 1.500 ha đã mang về cuộc sống ấm no cho từng thôn, xóm. Hầu hết các ngôi nhà được xây dựng khang trang, bề thế, nhà kiên cố chiếm 65%.

Những tên đất, tên xã như: Phú Túc, Đồng Cam, Phú Hòa, Tuy An... cũng đã tràn căng sự no ấm. Hiện tại và tương lai, Đường 7 - Quốc lộ 25 là tuyến đường huyết mạch nối miền Trung với Bắc Tây Nguyên, xa hơn là Campuchia, Nam Lào.              

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh