THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:43

Đười ươi đi dạo quanh tháp Chăm Po Dam

                                             

   Đười ươi dạo cảnh và đánh đu quanh tháp

Anh Lý Duy Tùng là người Chăm ở xã Phú Lạc, nhân viên của Bảo tàng Bình Thuận có nhiệm vụ bảo vệ tháp Po Dam, do ăn ở tại đây nên anh là người đầu tiên  phát hiện đười ươi cùng bà Bé chủ vườn ổi dưới chân tháp.

Trong dịp vào công tác ở Phan Thiết vào tháng 01/2016, tôi đã nghe anh Tùng kể chuyện về con đười ươi thường về ăn cắp ổi của bà Bé chủ vườn dưới chân tháp, tôi không tin lắm nên nghe để biết. Thỉnh thoảng tôi gọi điện hỏi anh Tùng có còn thấy đười ươi về nữa không, anh Tùng cho biết vẫn thường về. Ngày 30/3/2016, tôi cùng một số anh em cơ quan công tác ở tháp Po Dam, lúc đó khoảng 10 giờ, anh Tùng chỉ cho tôi một chấm đen đang di chuyển bằng 2 chân từ đỉnh núi ông Xiêm xuống, đi thẳng vào vườn ổi của bà Bé. Lập tức anh Dũng ở cơ quan tôi cùng con của anh Tùng xách máy ảnh đi theo con đười ươi, cách khoảng 100m đười ươi phát hiện có người nên đã tháo chạy lên núi. Từ trên tháp mọi người đều nhìn thấy rất rõ đười ươi di chuyển bằng 2 chân, còn 2 tay đưa lên trời để giữ thăng bằng. Khi cảm thấy an toàn, đười ươi đu mình lên cây và bắt đầu đu mình từ cây này sang cây khác. Mùa này cây cối trọc lá nên nhìn rất rõ, chúng tôi ghi được nhiều hình ảnh về cuộc chạy trốn.

Người Chăm ở đây gọi là đười ươi, còn tôi nghĩ là vượn, bởi đười ươi hình như không có ở Việt Nam và thường có màu nâu, còn sinh vật này màu đen, nhưng họ nói đười ươi mới đi bằng 2 chân dưới đất và lại không có đuôi, vượn thì nhẹ hơn và ít khi xuống đất, ước lượng sinh vật này khoảng 40kg.

Người dân ở Phú Lạc cho biết, trước giờ không thấy đười ươi xuất hiện như vậy, nhiều người còn khẳng định ngay trên rừng còn không thấy huống hồ đười ươi lại về sát bìa rừng, vào rẫy ăn ổi trồng ở đây. Người dân ở đây rất có ý thức, họ không đánh bắt, mà chỉ đuổi để đười ươi không phá vườn ổi của họ. Chúng tôi sợ con đười ươi bị đói, khát nên đề nghị anh Tùng mua buồng chuối và đồ đựng nước (kinh phí sẽ có nhiều người đóng góp) để nơi đười ươi thường xuống để cứu đói chờ mùa mưa đến.

Anh Tùng cho hay, con đười ươi này thường xuất hiện vào sáng sớm và buổi trưa. Nhiều du khách đến tham quan rất thích thú khi nhìn thấy đười ươi di chuyển bằng 2 chân trên sườn núi và chuyền lên cây như làm xiếc.

Có thể do hạn hán kéo dài, cây rừng không còn trái vào mùa này, suối lại hết nước nên đười ươi phải di chuyển về kiếm thức ăn và uống nước. Cũng có thể nó đã sống lâu năm nên có kinh nghiệm quan sát thiên nhiên để biết mùa này lấy thức ăn và nước uống ở đâu như nó đã làm từ trước tết đến nay.

Theo Báo Bình Thuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh