THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:48

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em

 

Các quyền của trẻ em, mà quan trọng nhất là quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng được bảo đảm tốt nhất để sống và phát triển. Tuy nhiên, quyền được sống của trẻ em ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là môi trường sống còn nhiều sông ngòi, có nguy cơ gây đuối nước. Hàng ngày vẫn còn nhiều trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam do tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm (giai đoạn 2010 – 2013), có khoảng 3.300 trẻ em và người chưa thành niên dưới 19 tuổi bị tử vong do đuối nước. Hơn 55% trẻ em tử vong do đuối nước sống trong các hộ gia đình có điều kiện kinh tế nghèo, tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội thảo.

Tỷ lệ tử vong do đuối nước của Việt Nam cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Theo báo cáo của 54/63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù có nhiều biện pháp chỉ đạo sát sao nhưng tình hình đuối nước trẻ em chưa giảm, số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích là trên 1.600 em, trong đó có gần 1.000 em bị tử vong do đuối nước. Điều đó cho thấy tình hình đuối nước của trẻ em vẫn còn rất nghiêm trọng.

“Ngay trong những ngày nhà nhà đón Tết, tại An Giang, Bình Thuận cũng vẫn xảy ra các vụ việc trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội trong tháng 10 vừa qua, một trong những vấn đề tồn tại được nêu ra là vấn đề đuối nước của trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri quan tâm đến vấn đề phòng, chống đuối nước trẻ em, các đại biểu rất quan tâm đến các giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Trong tháng hành động vì trẻ em vừa qua, chúng ta đã tập trung vào phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, với nhiều nội dung quan trọng”, Thứ trường Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan và các đại biểu tham dự hội thảo.

Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống đuối nước trẻ em đã được đẩy mạnh thông qua việc 9 bộ, ngành ký kết kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước và chỉ đạo ngành dọc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đã có chuyển biến tích cực, nhưng phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo, vẫn còn nhiều thách thức. Các cha mẹ, gia đình, cộng đồng đã có nhận thức tốt hơn, nhưng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các hộ gia đình nghèo còn phải lo lắng nhiều về kinh tế thì chưa có sự quan tâm thích đáng đến công tác phòng, chống đuối nước, chăm lo cho trẻ em. Đó là nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Trẻ em vẫn thường nô đùa, chơi tại vùng gần sông nước, không biết bơi mà vẫn ra sông, hồ tắm.

Vẫn còn nhiều trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, hiện nay mới có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn đặc biệt, trẻ em sống tại các xã nghèo, vùng khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trẻ em thiếu sự giám sát, nhắc nhở thường xuyên của cha mẹ, đặc biệt là trẻ em nhỏ, vì vậy tỷ vong do đuối nước ở trẻ dưới 4 tuổi chiếm tỷ lệ khá cao. Việc nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các bậc cha mẹ cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Các địa phương sáng tạo nhiều mô hình dạy bơi cho trẻ.

Môi trường sống vẫn còn nhiều nguy cơ gây đuối nước, vẫn còn nơi nước sâu nguy hiểm chưa có biển báo, rào chắn, làm trẻ ngã xuống bị tử vong. Trong các văn bản chỉ đạo của Bộ cũng lưu ý việc cần có rào chắn, biển báo ở những vùng nước sâu, nguy hiểm nhưng việc làm biển báo này cũng không đủ, đặc biệt ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, trẻ em cũng rất quan trọng. Ý thức chấp hành quy định luật pháp chính sách về giao thông đường thủy chưa tốt, vẫn còn tàu thuyền vi phạm chở quá trọng tải, vẫn còn người đi tàu thuyền chưa mặc áo phao, chưa sử dụng dụng cụ nổi.

Trước thực trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Mục đích của nhằm góp phần hỗ trợ trẻ em  từ 6 đến 15 tuổi được tiếp cận được các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và được cấp cứu kịp thời khi bị đuối nước.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6-15 tuổi. 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn. Hỗ trợ trang thiết bị nổi và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên làm việc trên các phương tiện vận chuyển khách. 100% số xã/phường thực hiện loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Đề án đề xuất hỗ trợ trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Kiện toàn mạnh lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Hỗ trợ đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy. Xây dựng môi trường an toàn phòng chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh