THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:35

Dược phẩm Việt Nam: Thua ngay trên sân nhà

80% dược liệu được nhập từ Trung Quốc

Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco,  nhu cầu về dược liệu ngày càng tăng nhưng nguồn dược liệu trong nước chỉ đáp ứng được 10 - 20% nhu cầu sử dụng. Riêng khối lượng dược liệu được Trapaco sử dụng trong những năm gần đây khoảng 3000 tấn và tăng trưởng 10% mỗi năm.“Tuy nhiên, thực trạng chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu trên thị trường còn nhiều bất cập như dược liệu nhập không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có phiếu kiểm nghiệm, quá trình trồng trọt dược liệu trong nước chủ yếu tự phát, chưa có quy hoạch, nhiều cơ sở trồng trọt còn sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu,” bà Thuận cho biết.

Cùng chung  tình trạng khó khăn  về nguồn dược liệu, ông Vũ Văn Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông cho biết, hàng năm bệnh viện sử dụng khoảng vài chục tấn thuốc, bao gồm khoảng 250 vị thuốc y học cổ truyền, việc xây dựng danh mục thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuân thủ theo quy định về đấu thầu. Tuy nhiên thực tế thị trường lại có tình trạng là các vị thuốc y học cổ truyền (đã được sao tẩm, bào chế), rẻ hơn hoặc bằng dược liệu.Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng vị thuốc y học cổ truyền gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh viện không có đủ khả năng kiểm nghiệm, chỉ chủ yếu dựa vào cảm quan. Để đảm bảo chất lượng thuốc, bệnh viện phải mua dược liệu chưa sơ chế về tiến hành bào chế, sao tẩm theo đúng lý luận của y học cổ truyền và phải chịu tỷ lệ hư hao, nguyên phụ liệu và nhân công…Mặc dù giá thành thuốc sẽ tăng lên nhưng đảm bảo được chất lượng thuốc cho người bệnh. Riêng nguồn thuốc Nam tại bệnh viện gặp khó khăn vì nguồn cung ứng thuốc Nam không ổn định (theo mùa, theo thời vụ). Thuốc Nam tự nhiên được thu hái theo mùa, chất lượng không ổn định, số lượng rất hạn chế...

Cây atisô được trồng tại xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) Phạm Vũ Khánh, hiện hàng năm ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80 - 85% là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300 - 400 tấn dược liệu được thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn. Dược liệu ở Trung Quốc có 2 dạng cung cấp: nông sản và dược liệu trồng, thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là dược liệu ở dạng nông sản, chất lượng chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và việc trồng, thu hái dược liệu tại Việt Nam.

Theo Viện Dược liệu, công tác phát triển dược liệu những năm gần đây còn gặp nhiều khó khăn. Dược liệu bị khai thác liên tục trong nhiều năm, không chú ý tới bảo tồn, bảo vệ tái sinh cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều loài dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Sản xuất dược liệu trong nước còn manh mún, tự phát, không ổn định. Việc quản lý tài nguyên dược liệu chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thất thoát và lãng phí tài nguyên; chưa đầu tư hợp lý, tập trung vào một số khâu then chốt để phát triển; thiếu các chính sách đòn bẩy, đột phá...

Cần hình thành các vùng trồng dược liệu lớn

Ông Vũ Văn Hoàng cho rằng,  để đảm bảo chất lượng thuốc phục vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế cần tăng cường quản lý công tác nhập khẩu dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; xóa bỏ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch; xử lý nghiêm các cơ sở buôn bán dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền không đảm bảo chất lượng (dược liệu rác)

Đặc biệt, Bộ Y tế cần đầu tư cho hệ thống bệnh viện y học cổ truyền cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh và đặc biệt đầu tư về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để bệnh viện có đủ năng lực kiểm nghiệm chất lượng thuốc y học cổ truyền, chất lượng dược liệu.

Về giải pháp phát triển ngành dược trong nước, bà Vũ Thị Thuận  kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về quỹ đất, thuế, nguồn vốn giúp doanh nghiệp, nông dân hình thành và phát triển các vùng trồng dược liệu lớn và tập trung theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Đồng thời, các địa phương có chính sách khuyến khích nông dân nuôi trồng dược liệu phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và hướng đến xuất khẩu; thành lập trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống dược liệu và kiểm tra chất lượng dược liệu.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra sơ bộ đã ghi nhận nước ta có khoảng 4.000 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc.“Hiện, nhu cầu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng được bào chế từ các cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng nên nhu cầu sử dụng cây dược liệu là rất lớn. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể thực sự trở thành lợi thế, có giá trị hiện hữu, nếu chúng ta kết hợp hài hòa giữa khai thác với việc duy trì, bảo vệ tái sinh chúng. Vì vậy cần có chiến lược phát triển cây dược liệu một cách phù hợp”- ông Cường nhấn mạnh.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh