THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:01

Dược liệu sấy bằng lưu huỳnh có “độc” như lời đồn?

 

Đông y với diêm sinh

                                                       Lưu huỳnh được sử dụng để sơ chế dược liệu

Chúng tôi đến thôn Thiết Trụ vào một ngày nắng cuối hè, ông Phúc – trưởng thôn vừa trông cháu vừa tiếp chuyện chúng tôi, ông nói: “ngày xưa cả thôn trồng và sơ chế dược liệu, nhưng bây giờ không còn đất trồng thuốc với giá thị trường cũng thấp lắm nên bà con chuyển đổi cơ cấu hết rồi, còn một số nhà buôn lớn thôi”. Chúng tôi ngỏ lời muốn ông dẫn đến những nhà làm dược liệu lớn để viết bài nhưng ông từ chối: “Mới hôm vừa rồi có nhóm phóng viên đến giả làm dân buôn đi mua thuốc bắc để quay lén họ sơ chế với bảo quản thuốc nên giờ người dân cũng giận lắm, họ không hợp tác đâu”.


Ông Phúc cho biết thêm, bà con nơi đây thường sấy dược liệu bằng cách đựng lưu huỳnh vào bát hoặc khay, châm lửa đốt  sau đó dùng tấm cót cao chừng 1,5m quây kín. Thuốc được rải lên một tấm lưới thép mắt nhỏ và phía trên đậy kín lại bằng tấm nilon. Khí cháy từ lưu huỳnh sẽ bốc lên làm khô thuốc. Thuốc sẽ cứng hơn và có màu khá bắt mắt.

Ước tính thôn Thiết Trụ có một trăm hộ sống bằng nghề sơ chế dược liệu, có một số hộ sản xuất trên quy mô lớn họ đổ cả ô tô thuốc xuống nền vải bạt, làm lò gạch xông lưu huỳnh ở giữa, trên cùng phủ bạt để sấy. Dược liệu được sơ chế khi còn tươi. Sau khi đốt lưu huỳnh để sấy, lưu huỳnh cháy và tạo thành khí SO2, khí này sẽ luồn lách theo các khe giữa các lớp dược liệu để tiếp xúc với phía bên ngoài của dược liệu. Phần lớn khí SO2 bay lên phía trên mặt lò sấy ra ngoài. Để khắc phục các hiện tượng bất lợi do việc sơ chế bằng lưu huỳnh, nên người dân thôn Thiết Trụ đã thuê bãi đất Văn Giang nằm cách xa khu dân cư để làm nơi trồng và sơ chế dược liệu. Một bãi đất rộng, tràn lan những loại dược liệu được phơi sấy như địa liền, hoài sơn, bạch chỉ...

                                           Cách bà con thôn Thiết Trụ sấy thuốc bằng lưu huỳnh 
                                            

Dược liệu sấy lưu huỳnh có gây hại?

                                                      Ông Lê Hùng Cường - Cán bộ văn phòng xã Bình Minh

 Ông Lê Hùng Cường – cán bộ văn phòng xã Bình Minh (Khoái Châu – Hưng Yên) cho biết: “nhà tôi cũng nhiều đời làm nghề sấy dược liệu nên cũng hiểu đôi chút. Có những loại dược liệu khi sơ chế bắt buộc phải dùng lưu huỳnh như đương quy, ngưu tất, bạch chỉ…và nếu không sấy dược liệu bằng lưu huỳnh thì không còn cách nào khác, từ thời xa xưa tổ tiên chúng tôi đã sấy như vậy rồi. Với lại chúng tôi chỉ sơ chế thôi còn để tạo thành thang thuốc phải qua bao nhiêu công đoạn tẩy rửa phơi sấy nữa, lúc đấy thì lưu huỳnh cũng không còn ảnh hưởng gì đến vị thuốc nữa rồi". 

Trao đổi với PV, bác sĩ Đông y Nguyễn Ngọc Phái (Phòng Chẩn Trị Y Học Cổ Truyền Tư Nhân) khẳng định, về các loại thuốc đông y nếu không dùng diêm sinh thì không còn cách nào khác để bảo quản, chống mốc cho thuốc. Việc này không chỉ bây giờ mới làm mà đã được các bậc tiền bối trong ngành đông y làm từ nhiều đời nay nhưng chưa thấy trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bởi vì, thứ nhất, diêm sinh rất dễ bị bay hơi khi ra ngoài không khí. Thứ hai, khi lấy thuốc ở kho ra đều phải đem phơi nắng, điều này cũng làm diêm sinh bốc hơi. Thứ ba, khi sử dụng, các vị thuốc này vào toa đều có sao tẩm cẩn thận. Quá trình sao tẩm, diêm sinh lại bị bay một lần nữa, nếu có còn thì tỷ lệ trong thuốc không đáng kể. Với tỉ lệ đó, không hề ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chúng ta được biết lưu huỳnh là một trong ba nguyên tố (lưu huỳnh, canxi và phốt pho) có trong cơ thể mỗi con người.

                                            PGS.TS Dương Trọng Hiếu - bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

 
 PGS.TS Dương Trọng Hiếu (Bệnh viện Y học Cổ Truyền Trung Ương) cũng cho ý kiến, người ta đã biết dùng diêm sinh làm thuốc trợ dương, làm thuốc chữa bệnh ngoài da từ hàng ngàn năm rồi. Một số dược liệu bắt buộc phải dùng diêm sinh để chống mốc mọt. Diêm sinh (Lưu huỳnh - S) là một á kim có khả năng thăng hoa và bán huỷ nhanh. Như vậy xông diêm sinh cho một số vị thuốc theo quy định là đúng không gây độc cho người bệnh - Việc này khác rất xa với việc phun thuốc sâu trên hoa quả hay ngâm foocmon vào bánh phở, nước mắm có ure, nước tương có chất 3MPD gây ung thư.

Như vậy, nếu chế biến đúng cách và hàm lượng hợp lý thì lưu huỳnh không gây ảnh hưởng gì, người sử dụng không còn điều gì phải băn khoăn, lo lắng nữa. Ngoài ra, cũng rất dễ nhận biết, nếu thuốc vẫn còn chứa lưu huỳnh thì chúng có mùi khét hoặc khi uống thấy có vị hơi chua của acid.

Lưu huỳnh cũng là vị thuốc của Đông y. Theo tài liệu cổ, lưu huỳnh có vị chua, tính ôn, quy hai kinh tâm, thận, có tác dụng bổ hỏa, tráng dương, lợi đại tràng, sát khuẩn ngoài da; dùng đối với trường hợp liệt dương, chân lạnh, suyễn lạnh. Dùng ngoài trị mẩn ngứa, mụn nhọt. Tuy nhiên việc dùng lưu huỳnh ở đây là cách làm truyền thống, nó khá an toàn cho người tiêu dùng, nhưng ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người chế biến và người sống ở khu vực xung quanh nếu không có các biện pháp đảm bảo. Bởi khi đốt lưu huỳnh để sấy sẽ hình thành khí SO2 và một phần lưu huỳnh thăng hoa, người hít phải khí SO2 sẽ thấy khó chịu và bất lợi về sức khỏe do có thể gây bệnh đường hô hấp. 

Khánh An - Lê Huệ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh