THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:48

“Đừng vì bức xúc trước mắt mà bỏ đi quyền lợi thiêng liêng của mình”

 

* Trên cương vị Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử (HĐBC) quốc gia, xin Chủ tịch cho biết công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tính đến thời điểm như thế nào?

- Nhìn một cách tổng quát, đến nay tất cả những nội dung công việc thực hiện theo Luật Bầu cử ĐBQH, HĐND và kế hoạch bầu cử do HĐBC quốc gia thông qua cơ bản hoàn thành đúng tiến độ. Hiện các địa phương đang rà soát lại công tác chuẩn bị, bố trí lực lượng của các Tổ bầu cử, Ban bầu cử để sẵn sàng cho ngày bầu cử diễn ra vào Chủ nhật cuối tuần này (22/5).

* Trong quá trình tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, MTTQ các cấp đã phát huy vai trò của mình như thế nào, thưa Chủ tịch?

- MTTQ Việt Nam được giao 2 nhiệm vụ chính là tổ chức 3 lần hiệp thương và tổ chức chủ trì các cuộc tiếp xúc của ứng cử viên với cử tri. Thấy rõ trách nhiệm của mình nên vừa qua MTTQ các cấp đã rất nỗ lực cùng với HĐBC quốc gia, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành (trong vòng 2 tuần) đã tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri với tinh thần đảm bảo công khai, dân chủ và bình đẳng giữa các ứng cử viên.Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mỗi ứng cử viên được quyền trình bày chương trình hành động của mình với thời gian như nhau và được quyền phát biểu ý kiến khi người dân hỏi.

Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.  

Ngoài ra, trong tiếp xúc cử tri, có những kiến nghị liên quan đến trách nhiệm ĐBQH và Quốc hội  khóa tới, MTTQ các cấp sẽ tập hợp đầy đủ để phản ánh cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội khóa mới tiếp tục xử lý những kiến nghị của cử tri.

* Thời gian qua tại TP.Hồ Chí Minh và một  số địa phương có việc người dân bị kích động, bởi các phần tử xấu nhằm gây áp lực cho ngày bầu cử. Chủ tịch có suy nghĩ gì về điều này và có nhắn gửi gì với cử tri cả nước?

- Trong cuộc sống, con người ai cũng quan tâm đến gia đình, quê hương, đất nước mình. Nếu có sự kiện ảnh hưởng đến đời sống nhân dân mà chúng ta không thấy bức xúc thì không được. Chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi khó khăn do thiên tai bệnh dịch là điều hết sức chính đáng. Tuy nhiên, bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, 5 năm mới diễn ra một lần. Đi bầu cử chính là thể hiện quyền công dân của mình, chọn người thay mặt mình tham gia vào cơ quan đại diện của nhân dân. Vì vậy tôi cho rằng, không nên vì bức xúc một việc trước mắt mà nhân dân từ bỏ quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng của mình là chọn ra những người đại diện, lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới.

Chúng tôi muốn khẳng định với bà con rằng, những việc nhằm đảm bảo cho cuộc sống của bà con ngư dân được tốt hơn trong điều kiện hiện nay thì Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, Mặt trận sẽ tiếp tục thực hiện. Ngư dân sẽ không bao giờ đơn độc. Vừa qua MTTQ Việt Nam cùng với Hội Nông dân, Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã bàn bạc và sẽ triển khai ký kết một chương trình phối hợp để hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn vừa qua. Theo đánh giá ban đầu có 12.500 tàu đánh cá trong thời gian ngắn hạn sẽ không ra khơi được, liên quan trực tiếp đến khoảng 63.000 lao động. Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ. Nhưng Mặt trận sẽ hỗ trợ 10% số hộ khó khăn nhất có bảo hiểm y tế và đảm bảo cho con em họ không bỏ học, thất học.

Rộng hơn là hạn hán ở ĐBSCL, Nam Trung bộ, Tây Nguyên hiện đang rất bức xúc. Chúng tôi đang bàn bạc và dự kiến ngày 19/5/2016 sẽ ký kết một chương trình phối hợp để hỗ trợ khoảng 10% số hộ dân của ĐBSCL, Nam Trung bộ, Tây Nguyên bị hạn hán với 45.000 hộ để có điều kiện, phương tiện trữ nước sinh hoạt, có thuốc lọc nước sinh hoạt khi cần thiết. Đặc biệt là Đoàn Thanh niên sẽ phát động hình thành 10 trạm lọc nước thí điểm, lọc nước lợ thành nước sinh hoạt với công suất khoảng 2.000 lít/ngày.

Tôi muốn nói một vài ví dụ để thấy rằng đồng bào bị hạn hán và ngư dân gặp khó khăn không bao giờ đơn độc. Chính phủ vào cuộc, MTTQ và các đoàn thể vào cuộc. Chúng ta có thể có bức xúc ngắn hạn nhưng cần suy nghĩ thấu đáo, đừng vì thế mà bỏ đi quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình là lựa chọn, bầu ra đại biểu ưu tú, đại diện cho mình lãnh đạo xã, huyện, tỉnh, thành phố của mình và đất nước này trong 5 năm tới. Tôi kêu gọi bà con vì tương lai của chính mình hãy đi bầu cử.

* Việc giám sát quá trình bầu cử, kiểm phiếu cần phải thực hiện như thế nào để đảm bảo khách quan, trung thực, thưa Chủ tịch?

- Luật Bầu cử quy định công đoạn kiểm phiếu cũng có thể được giám sát, ngoài việc giám sát là chính bản thân các tổ chức liên quan đến bầu cử như MTTQ, các tổ chức thành viên thì cá nhân người ứng cử, thân nhân của họ, cơ quan giới thiệu người ứng cử và phóng viên báo chí cũng có thể giám sát việc kiểm phiếu. Kiểm phiếu là quá trình rất nhạy cảm, làm sao kiểm phải đúng, không ai có quyền tác động, làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm phiếu. MTTQ đã kiến nghị với HĐBC quốc gia có hướng dẫn chi tiết trong 1 - 2 ngày tới.

* Giám sát lời hứa của các ứng cử viên sau khi trúng cử là vấn đề mà cử tri quan tâm. Vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc cùng cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa của các ứng cử viên sẽ như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Các ứng cử viên phải thể hiện trách nhiệm của mình khi được bầu là ĐBQH, đại biểu HĐND. Hứa với dân là dân nhớ. Chương trình hành động của các ứng cử viên không những được phát biểu ở từng quận, huyện, xã, phường mà còn được truyền hình, phát thanh nên tất cả các cử tri đều biết ứng cử viên  đó nói như thế nào.

MTTQ cũng như người dân trong quá trình tổ chức việc tiếp xúc đều ghi nhận các lời hứa đó, quan trọng hơn là sau khi được bầu, mỗi lần tiếp xúc sau đó, các đại biểu phải có liên hệ lại, báo cáo người dân xem họ đã làm thế nào, đặc biệt, với điều kiện mới phát sinh thì phải nhận nhiệm vụ mới chứ không phải chỉ làm theo lời hứa lúc đó. Lần này, MTTQ và Thường vụ Quốc hội cũng xác định yêu cầu trong thời gian sau bầu cử phải hình thành hoạt động giám sát lời hứa hệ thống hơn, tốt hơn thời gian qua.

* Bầu được người xứng đáng nhất đại diện cho mình là mong mỏi của cử tri nào. Theo quy định, với những người được bầu nếu sau này không đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa quy định việc này, nhiệm kỳ tới MTTQ có kiến nghị Thường vụ Quốc hội quy định rõ để dân có thể thực hiện quyền này không, thưa Chủ tịch?

- Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã bãi nhiệm một số ĐBQH không đáp ứng tiêu chuẩn sau khi được bầu. Ở quy mô toàn quốc đã có quy trình làm việc này. Ở địa phương cần xem lại nhu cầu thực hiện như thế nào, nếu cần, MTTQ sẽ xem xét kiến nghị có quy định hướng dẫn việc này.

Khi nhân dân phát hiện ra đại biểu  không đủ tiêu chuẩn là ĐBQH hoặc HĐND thì phải đưa ra khỏi Quốc hội và HĐND ngay.

* Ngày bầu cử sắp tới, trên cương vị của mình, Chủ tịch có thông điệp gì gửi đến cử tri cả nước?

- Theo luật pháp, công dân có rất nhiều quyền và nghĩa vụ. Liên quan đến bầu cử, người dân có 3 quyền đặc biệt cũng là 3 nghĩa vụ. Thứ nhất là mỗi công dân tự chăm cho mình, chăm lo cuộc sống của mình, gia đình mình để có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Thứ 2 đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có nhiệm vụ góp phần bảo vệ Tổ quốc. Thứ 3 góp phần bầu ra những người lãnh đạo đất nước đi lên. Như vậy 3 quyền này rất là thiêng liêng. Một gia đình muốn hạnh phúc thì cha mẹ phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Một đất nước muốn phát triển tốt thì người lãnh đạo phải có tâm huyết, có trí tuệ, tài năng để lo cho dân, cho đất nước.

Bầu cử là một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của đất nước và mỗi địa phương vì nó thể hiện quyền lực của nhân dân trong việc chọn ra người đại diện mình lãnh đạo địa phương và đất nước. Đi bầu cử chính là thực hiện quyền rất thiêng liêng chọn người thay thế mình lãnh đạo đất nước, lãnh đạo địa phương.Rất mong bà con quan tâm, sáng suốt lựa chọn đúng người sẽ đại diện cho mình để tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh