CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:30

Dùng thuốc kháng sinh như...ăn rau

Dùng kháng sinh như… ăn rau

Hễ nhức đầu, sổ mũi, chị Nguyễn Thị Ngọc H. (ngụ quận 7, TPHCM) lại ra nhà thuốc đầu hẻm và cô nhân viên bán thuốc đã quen như thường lệ: “Lại như cũ hả chị”. Nói rồi cô ta bốc một nắm nào xanh, đỏ, tím, vàng mà trông qua đã biết ngay toàn kháng sinh giảm đau, hạ sốt! Điều đáng nói, theo chị H., trước đây mỗi lần nhức đầu, cảm cúm, chỉ dùng đúng liều theo tư vấn của bác sĩ và nhân viên bán thuốc là đỡ, chóng hết bệnh, nhưng nay thì đã tăng “đô” lên gấp đôi số thuốc uống mà bệnh tình vẫn không giảm.

Tình trạng của chị H. cũng là tình trạng chung, mà nói như Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên: “Ở Việt Nam, người bệnh cứ ra ngoài nhà thuốc mua kháng sinh về uống, nếu kháng sinh nhẹ uống một vài ngày thấy chưa hết bệnh thì dùng luôn kháng sinh mạnh. Làm như thế sao không kháng thuốc được”.

Hiện nay rất nhiều người tự đến nhà thuốc mua thuốc kháng sinh mà không có toa của bác sĩ. Dùng thuốc kiểu này rất dễ bị đề kháng thuốc

 

Sự dễ dãi trong mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh đang là một thực tế mà theo tiến sĩ (TS) Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM, không khác gì mua rau ở ngoài chợ về ăn. Theo TS Quốc Bình, người dân vẫn có thói quen mua thuốc không cần kê toa, theo kiểu “truyền miệng”, trong khi nhà thuốc một phần vì nhận thức chưa đúng đắn, một phần vì lợi nhuận nên khách hàng… mua gì bán đó. Theo Bộ Y tế, thuốc kháng sinh bán phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn trong các nhà thuốc ở nông thôn lẫn thành thị, nhưng hầu hết được bán mà không cần đơn với tỷ lệ rất cao: gần 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn.

Không chỉ lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh không đúng quy định, không an toàn diễn ra ở trong cộng đồng mà ngay tại các BV cũng diễn ra điều tương tự này. BS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An, băn khoăn khi một bệnh nhân vào mổ ruột thừa tại một BV lớn ở TPHCM, nhưng được cho tới 3-4 loại kháng sinh. Các chuyên gia y tế thừa nhận hiện nay để điều trị bệnh, các bác sĩ không chỉ dùng một mà phải phối hợp nhiều loại kháng sinh.

Sẽ hết thuốc chữa!

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định tình trạng đề kháng thuốc đã đến mức nghiêm trọng và khẩu hiệu được đưa ra là “Nếu không hành động hôm nay thì ngày mai sẽ không còn thuốc chữa bệnh hiệu quả”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, một số kháng sinh Việt Nam sử dụng khoảng 10 năm trở lại đây như imipenem, cilastatin, carbapenem… cũng đã giảm nhạy cảm đối với các trực khuẩn gram âm không sinh men.

Còn tại một hội thảo mới đây, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, quan ngại khi nhiều kháng sinh ở Việt Nam đã sử dụng từ lâu thì nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới mới bắt đầu sử dụng. “Trong khi nhiều nước vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4”, GS Phạm Mạnh Hùng cho biết. 

Theo Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện TPHCM, tình trạng “mất vệ sinh” ở bệnh viện cũng được Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM ghi nhận, khi thu thập 33 mẫu không khí tại 13 bệnh viện ở thành phố thì có đến 26 mẫu cho lượng vi sinh cao hơn mức quy định khoảng 6 lần, hàm lượng vi sinh vật có trong không khí không đạt tiêu chuẩn là 78,8%... Ghi nhận của Bộ Y tế cho thấy, có khoảng 30% nhân viên y tế không rửa tay khiến vi khuẩn khu trú, là nguyên nhân trực tiếp khiến vi khuẩn từ người bệnh này truyền sang người bệnh khác qua tiếp xúc… 

Để giải quyết vấn đề cấp bách trên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu yêu cầu phải kiểm soát mạnh kháng sinh trôi nổi trên thị trường. Ông đề nghị có chế tài nghiêm khắc đối với các nhà thuốc bán kháng sinh mà không có đơn.

Bác sĩ Võ Thành Đông, phụ trách Văn phòng phía Nam - Bộ Y tế, cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trong thanh tra, kiểm tra, cấp phép lưu hành, sản xuất đối với kháng sinh… Trong khi đó, về mặt điều trị, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cảnh báo: “Phần lớn các BV, trạm y tế khi tiếp nhận bệnh thì chưa biết bệnh gì cũng dùng kháng sinh trị bao vây”. Chính vì vậy, PGS Khuê đề nghị có quy định khi chẩn đoán đúng bệnh gì mới dùng kháng sinh, khi dùng từ 2 kháng sinh trở lên cho một người bệnh phải thông qua hội chẩn.

PGS Khuê cũng nhấn mạnh vai trò của bình đơn thuốc của bác sĩ trong BV hàng ngày, hàng tuần và có biện pháp chế tài mạnh với bác sĩ lạm dụng kháng sinh… Hiện Bộ Y tế đã thành lập đơn vị Giám sát kháng thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế nhằm chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động phòng, chống kháng thuốc. 

Nếu bàn tay của nhân viên y tế không được sát khuẩn, nguy cơ vi khuẩn truyền từ người bệnh này chuyền sang người bệnh khác

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, đã đến lúc phải thực hiện quyết liệt về vấn đề kháng kháng sinh: “Sắp tới, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tổ chức thanh tra các nhà thuốc bán kháng sinh. Các nhà thuốc bán kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ, phải trương bảng hiệu “Không bán kháng sinh, nếu không có đơn thuốc”. Bên cạnh đó, người dân cũng phải cam kết sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả là một cuộc chiến chống kháng thuốc, chống nguy cơ không có thuốc điều trị mà cả thế giới đang hành động.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh