Dừng thu phí QL 91 do sai vị trí: Số phận BOT T2 sẽ được định doạt trong tháng 7/2019
- Tây Y
- 13:51 - 08/07/2019
Ngày 25/5, trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91 đã nhận được lệnh từ công ty, do đó, từ 15h cùng ngày, trạm đã dừng thu phí, chờ phương án giải quyết từ cấp trên.
Theo đó, tại văn bản hỏa tốc số: 695 /GM-BGTVT ngày 05 tháng 7 năm 2019, của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi cho các đơn vị bao gồm: Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Thành phố Cần Thơ; Các Vụ: Đối tác công tư, Tài chính, Kết cấu hạ tầng, Pháp chế; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Liên danh Tổng công ty phát triển KCN và Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO; Công ty CP Đầu tư QL.91 Cần Thơ - An Giang; Hiệp hội vận tải ô tô các tình: An Giang, Kiên Giang; Ngân hàng Vietinbank (Nhà đầu tư mới).
Theo văn bản số 695 của Bộ GTVT thì cuộc họp này sẽ do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan để “Xử lý các vướng mắc tại Trạm thu phí T2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km 14+000 - Km50+889 theo hình thức Hợp đồng BOT”. Thời gian cuộc họp sẽ được diễn ra vào lúc 08h30 ngày 11 tháng 7 năm 2019, tại Phòng họp số 2C, Nhà C, Bộ GTVT, số 80 Trần Hưng Đạo - Hà Nội.
Với nội dung này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan sẽ chuẩn bị tài liệu báo cáo các phương nhằm giải quyết các vướng mắc tại trạm thu phí T2 trong thời gian vừa qua.
Liên quan tới cuộc họp ngày 11/7/2019, trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Việt Trí – Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết: Quan điểm của tỉnh An Giang là sẽ phát biểu ngắn gọn, trên tinh thần là làm sao để người dân và doanh nghiệp hài hòa lợi ích. Phương án di dời trạm thu phí hay đi bao nhiêu trả bấy nhiêu theo đề nghị của người dân và doanh nghiệp đã từng ý kiến trước đó, đều do Bộ GTVT quyết định.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang cho rằng: Các phương án và đề xuất của Hiệp hội đã từng gửi đi trước đó bằng văn bản tới 12 lần nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết. Do đó, quan điểm của Hiệp hội bây giờ là sẽ không xin miễn phí hay giảm phí. "Nếu trường hợp không di dời trạm thu phí thì doanh nghiệp và người dân đi bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu “không xin” – ông Xuân nhấn mạnh.
Như DĐDN đã thông tin trước đó, trạm thu phí T2, thuộc dự án BOT QL 91 do Công ty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư. Dự án triển kai là cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò và quận Thốt Nốt (Cần Thơ), được khánh thành vào 19/5/2019. Tuy nhiên, sau khi trạm thu phí đi vào hoạt động thì ngay lập tức đã bị nhiều tài xế phản ứng, bức xúc vì cho rằng “đoạn đường mà họ đi khá ngắn, khoảng cách chỉ vài trăm mét (hướng qua cầu hướng vào địa bàn tỉnh An Giang) nhưng phải đóng tiền qua trạm thu phí T2 cho toàn tuyến là bất hợp lý”.
Điều đáng nói là khi cầu Vàm Cống khánh thành và thông xe ngày 19/5/2019. Nhiều người dân, lái xe và các doanh nghiệp đã phản ứng quyết liệt, nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay vì đề xuất phương án hợp lòng dân thì lại gửi công văn hỏa tốc ngày 24/5, yêu cầu mở rộng bán kính miễn, giảm từ 5km lên 10km xung quanh trạm là hết sức khó hiểu. Nguyên nhân dẫn tới người dân bức xúc bắt nguồn từ việc: “Phương tiện chỉ sử dụng có 300m QL91, chưa tới 1% tuyến đường BOT là qua cầu Vàm Cống nhưng phải trả tới 50% chi phí của quãng đường. Chưa kể, những phương tiện từ các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh (ngoài bán kính 10km quanh trạm BOT T2), phương tiện từ các địa phương khác đến An Giang kinh doanh, du lịch, làm việc phải đóng phí 100% (cho cả quãng đường). Vấn đề này được nhiều lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp cho rằng trạm thu phí T2 mọc lên chẳng khác nào cản trở, kìm hãm An Giang phát triển.
Trước đó, Đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) cũng đã đề nghị Bộ GTVT tích cực và nghiêm túc nghiên cứu phương án xử lý trạm BOT T2 theo hướng “phương tiện giao thông sử dụng dịch vụ bao nhiêu thì trả tiền đúng bấy nhiêu”. Nếu không, Bộ GTVT nên xây dựng phương án di dời trạm. Trước những vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, cũng đã thừa nhận bất cập tại trạm BOT T2, đặc biệt khi lượng phương tiện lớn di chuyển hướng QL80 về An Giang và ngược lại phải đóng phí toàn tuyến dù chỉ sử dụng có 300m BOT là bất hợp lý. Việc Bộ GTVT đang nghiên cứu cả phương án di dời trạm thu phí T2 là điều đáng mừng. Và cuộc họp ngày 11/7 tới đây liệu có phải là hồi kết cho trạm thu phí T2 hay không phải chờ hạ hồi mới biết.
Tuyến QL 91 được nâng cấp cải tạo mặt đường với tổng chiều dài gần 37km (không tính các tuyến tránh). Tuyến QL 91B được đầu tư nâng cấp cải tạo mặt đường với tổng chiều dài gần 16km. Tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 400 tỉ đồng, vốn công ty tự có 280 tỉ đồng, còn lại vay ngân hàng. Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư được phép thu phí trong thời gian là (17 năm 9 tháng), với 2 trạm thu phí T1 và T2 đặt trên tuyến QL 91. Mức giá thu phí thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng/lượt xe. Sau quyết toán, vốn đầu tư giảm được 300 tỉ đồng, nhưng mức giá thu phí vẫn giữ nguyên. Thời gian thu phí hoàn vốn cho toàn dự án được Bộ Tài chính thông qua cho phép nâng lên thêm 6 năm 4 tháng. Thế nhưng, sau đó một lần nữa Tổng cục Đường bộ đã có quyết định cho phép thời gian thu phí hoàn vốn của dự án này tăng lên đến 43 năm với lý do là thời gian vừa qua có xem xét giảm giá vé cho một lượng xe khu vực xung quanh trạm thu phí. Ngày 25/5, trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91 đã nhận được lệnh từ công ty, do đó, từ 15h cùng ngày, trạm đã dừng thu phí, chờ phương án giải quyết từ cấp trên. Riêng trạm T1 cách đó khoảng 32 km vẫn thu phí bình thường. |