Dừng loa phường - còn loa trường, loa chợ?
- Tây Y
- 19:02 - 04/08/2017
Hà Nội dừng loa phường tại 4 quận nội thành là tin vui với nhiều người dân. Ảnh: Như Ý.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV Hà Nội sống tại Time City hoan nghênh quy định mới của thành phố. Nhưng chị vẫn chưa thực sự hài lòng vì nơi chị sống thuộc quận Hoàng Mai vẫn chịu sự chi phối của loa phường. Chưa kể còn loa siêu thị, loa hành lang… nơi chị sống. “Càng ở những khu văn minh cao cấp càng cần phải trật tự hơn mới phải,” chị Huyền nói.
Theo chị, người dân ở tòa nhà chị sống được nghe nhạc miễn phí qua loa hành lang phát từ sáng tới đêm, thông qua trưa. Mà chủ yếu là bài My heart will go on(?) “Đây là cái thuở gì mà nhạc bật tự động suốt ngày, có khi tối quên không tắt,” chị Huyền cho hay. “Cho dù tôi đóng kín tất cả các cửa thì trong nhà vẫn nghe thấy, trừ phi trong nhà bật loa to hơn để át đi”.
Mỗi khi đi siêu thị, chị Huyền cũng phải hứng chịu ô nhiễm âm thanh: “Tôi nhức hết cả đầu vì các quầy cứ đua nhau phát loa để gây chú ý. Thế mới biết những người bán hàng ở siêu thị, ở trung tâm thương mại phải chịu đựng thế nào khi đứng ít nhất 8 tiếng đồng hồ mà cứ nghe loa như thế này”.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền phát biểu khi nghe tin bỏ loa phường: “Đây cũng là một sự tiến bộ, cố gắng thay đổi của lãnh đạo thành phố. Hy vọng trong tương lai loa phường sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Hy vọng họ hiểu tiêu chuẩn xã hội văn minh không thể gắn với loa phường”. Theo anh Hiền loa phường còn đất sống vì luật về môi trường nơi công cộng chưa được thực thi nghiêm, trong đó có quy định về tiếng ồn.
Không phải chịu đựng trực tiếp tiếng loa phường nhưng tình cờ cả nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và nhạc sĩ Trần Thanh Phương đều khổ vì… loa trường. “Nhà cạnh trường học, ngày nào tôi cũng nghe loa trường ra rả. Lượng âm thanh của nó khủng khiếp lắm. Tiếng hoàn toàn vỡ. Gọi là ô nhiễm tiếng ồn. Cũng như tiếng loa “kính chào người tham gia giao thông…” ở các ngã tư. Từ tác dụng giáo dục thành phản cảm vì loa cứ ra rả vào đầu, người nghe chưa hết câu đã phải đi mất rồi…”.
Nhạc sĩ Thanh Phương nhà tít tầng 13 nhưng vẫn nghe rất rõ tiếng loa từ 2 trường học gần đó chĩa vào. “Buổi sáng trước khi vào lớp, loa trường phát trung bình 15 phút, gọi học sinh tập thể dục, chào cờ. Có lúc gần trưa trường có vấn đề gì cần phổ biến, cũng lại oang oang thế. Đại khái toàn chuyện nội bộ nhưng phát công cộng”. Điều đặc biệt anh Phương nhận thấy người dân trong khu không ai phàn nàn gì vì sự làm ồn của loa trường.
Xem ra loa trường còn khủng khiếp hơn cả loa phường vì không ai giám sát, xử lý. Loa trường có thể làm phiền người dân xung quanh tùy thích vào bất cứ lúc nào. Chẳng hạn trường tập văn nghệ vào cuối tuần cũng bắt cả khu cùng nghe từ trưa đến chiều. Theo anh Hiền: “Ở nước ngoài, gây tiếng ồn là chuyện nghiêm trọng vì vi phạm quyền riêng tư của mỗi người. Nhà nào mà cãi nhau ầm ĩ, hàng xóm lập tức báo cảnh sát đến xử lý vì gây tiếng ồn.
Anh Bùi Trọng Hiền phân tích, khi môi trường giáo dục trẻ em ồn ào như thế sẽ đào tạo ra những người không chỉ cam chịu tiếng ồn mà còn không tôn trọng sự riêng tư của người khác. “Rồi lớn lên, các em cũng vô tư gây tiếng ồn, mà không cảm thấy xấu hổ, không cảm thấy đang làm phiền người khác,” anh Hiền liên tưởng.
“Nó cũng giống như việc vô tư xả rác ra đường vậy”. Giảng viên khoa Báo Nguyễn Thị Thanh Huyền chung quan điểm: “Tập nhiễm tiếng ồn quen rồi nên người Việt Nam đi đâu cũng nói to ầm ĩ bắt thiên hạ phải nghe- nhức đầu, kém văn minh, tốn năng lượng lắm”.
Chuyên gia âm thanh Doãn Chí Nghĩa cũng cho rằng nên kết thúc sứ mệnh của loa phường tại đây để người dân còn giữ lại những ký ức tốt đẹp về loại hình truyền tin này trong quá khứ.
Theo anh Nghĩa, việc bỏ loa phường ở 4 quận nội thành Hà Nội là tín hiệu đáng mừng, đây cũng là địa bàn có mật độ dân cư cao nhất, chịu ảnh hưởng của loa phường “nặng nề” nhất. “Ở những quận nội thành, hệ thống loa lắp đặt lâu đã cũ.
Do đất chật người đông nên loa phường thường ở sát nhà dân ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên đã gọi là ô nhiễm âm thanh thì tác động của nó lên mọi người là như nhau. Ở nông thôn có đủ không gian thì vẫn có thể duy trì loa phường để truyền tin mà không ảnh hưởng lắm đến sinh hoạt của người dân.
Tôi nghĩ một số nơi còn những lớp người vẫn gặp hạn chế trong tiếp cận thông tin thì vẫn cần hệ thống phát thanh công cộng. Còn thành phố nên có lộ trình bỏ hẳn loa phường”. Điều làm anh Nghĩa mừng nhất là ý kiến của người dân đã được lắng nghe còn việc bỏ loa phường anh cũng đồng ý phải có kế hoạch và lộ trình từng bước.
“Hoan nghênh thành phố đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân nhưng vẫn còn nửa vời. Hà Nội có 10 quận tại sao những quận còn lại phải nghe loa phường? PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền |
Hà Nội dừng phát loa phường hàng ngày tại 4 quận nội thành Quyết định phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội”, có hiệu lực từ 1/8/2017, Hà Nội sẽ sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn theo hướng hiệu quả, tối ưu, phân bổ hợp lý, đặt tại địa điểm công cộng, đông dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trật tự mỹ quan đô thị. Theo quy định mới của UBND TP Hà Nội, hệ thống loa phường thuộc địa bàn 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của trung ương và thành phố. Đối với các phường chỉ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa). Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở Thông tin- Truyền thông danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp. Trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. Ngoài 4 quận nội thành trên, đài truyền thanh phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn như: Công việc chung của phường; vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của trung ương và thành phố; biểu dương, khen thưởng người tốt - việc tốt với cá nhân, tập thể trên địa bàn... Thông tin các chủ trương của thành phố (khi có văn bản chỉ đạo). Thông báo công việc có mốc thời gian thực hiện (khám nghĩa vụ quân sự, tiêm chủng, giải phóng mặt bằng, chi trả lương hưu...); Thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh)... Tú Anh |