THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:25

Đừng để Trung thu mang sắc màu bạo lực

 

Tràn ngập đồ chơi bạo lực

Dạo một vòng quanh các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can có thể nhận thấy hầu hết đồ chơi Trung Quốc vẫn chiếm đa số tại các gian hàng. Hình thức đẹp, bắt mắt và mẫu mã đổi mới liên tục và khá hiện đại chính là bí quyết khiến phần lớn trẻ em đều đòi bằng được cha mẹ mua những sản phầm này cho mình.

Mặc dù những năm gần đây, đồ chơi Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình để theo kịp và đáp ứng thị trường, nhưng dường như những cố gắng của các nhà sản xuất trong nước vẫn chưa đủ trong khi nhu cầu và thị hiếu của trẻ em ngày một cao hơn. Các mặt hàng của Việt Nam vẫn khá nghèo nàn khi chỉ dừng lại ở vài ba chủng loại mang tính truyền thống như: đầu sư tử, trống quân, đèn ông sao, mặt nạ ông địa bằng giấy bồi, trong khi hàng Trung Quốc thì  nhan nhản.  Đặc biệt,  không khó để nhận thấy, có rất nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi như súng nhựa, dao, kiếm, gậy, lựu đạn… mà theo nhiều chủ cửa hàng đây lại là những mặt hàng khá hút khách, thậm chí cháy hàng. Đồ chơi bạo lực như súng, kiếm, gậy… thường là những đồ chơi mô phỏng theo các bộ phim hoạt hình có tiếng như "Tây du ký", "Người nhện", "Siêu nhân".  Trẻ em hầu hết đều thích những nhân vật trong phim nên rất mê loại đồ chơi này.

 

Gươm giáo được bày bán công khai

 

Tại một cửa hàng đồ chơi trên phố  Lương Văn Can, một phụ nữ đang đưa con trai 5 tuổi vào cửa hàng đồ chơi để mua quà trung thu, ngay lập lúc, cậu bé nhặt ngay chiếc súng bắn đạn nhựa và thanh kiếm phát sáng. Cầm lấy súng, cậu dí thẳng vào đầu mẹ miệng kêu “pằng pằng pằng”. Chưa hết giật mình vì cậu con trai nghịch ngợm đòi bắn mẹ, mọi người trong cửa hàng tiếp tục chứng kiến cảnh cậu bé vung kiếm miệng hô to “Ta là siêu nhân đây, ta sẽ tiêu diệt hết tất cả các ngươi”. Trong khi người mẹ giằng súng, kiếm ra khỏi tay con thì cậu bé khóc giãy đành đạch bò lăn dưới đất, đòi mua cho bằng được…

 

Súng ống trở thành đồ chơi quen thuộc của những đứa trẻ

 

Hiểm họa từ những đồ chơi bạo lực, không an toàn

Thực tế, đã có những trường hợp trẻ gặp nguy hiểm từ những món đồ chơi thiếu an toàn. Như trường hợp bé trai 7 tuổi ở Hải Dương bị tử vong do đạn nhựa khi nghịch đồ chơi Trung Quốc. Đây là một chiếc xe máy nhỏ bằng ngón tay cái người lớn nhưng một đầu có thể lắp đạn bằng cao su, có cần nảy làm cò bắn đạn. Vì tranh giành nhau, một viên đạn cao su đã lọt vào khí quản cháu bé dẫn đến tử vong. Hay một bé ở Quảng Ninh bị mất 3 ngón tay, hỏng mắt khi chơi chiếc ô tô điều khiển từ xa xuất xứ Trung Quốc. Khi chiếc xe đang điều khiển gặp trục trặc, cháu đã tháo cục pin trong điều khiển ra, cục pin phát nổ.

Không ít người, kể cả trẻ em và người lớn đều bị súng đồ chơi bắn rách chân, tay, bắn vào mắt, để lại vết sẹo trên cơ thể. Nặng hơn nữa, nhiều người phải nhập viện để khâu, mổ vết thương. Vì loại súng này có độ sát thương rất mạnh. Khi bắn ở cự li gần, nó có thể xuyên sâu vào người hoặc gây xây xát vùng da bên ngoài. Trẻ em khi chơi những món đồ chơi này thường không kiểm soát được hành vị, vì thế việc gây ra thương tích là điều không thể tránh khỏi.

 

Trẻ cần được cha mẹ hướng dẫn để chơi những trò chơi hợp với lứa tuổi

 

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, việc sử dụng đồ chơi bạo lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các bé. Sử dụng dao, kiếm, gậy, súng nhựa… thường xuyên sẽ khiến trẻ có những hành vi bạo lực như đánh đấm lẫn nhau. Chưa kể, những đồ chơi này còn được làm từ nhựa chứa hóa chất độc hại, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đặc biệt là những em nhỏ không chỉ cầm chơi mà còn ngậm, dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Thời gian gần đây, hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu liên tục đưa ra những khuyến cáo đối với người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về sự an toàn của đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây nên những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ em. Nhiều quốc gia đã có động thái cấm nhập khẩu hoặc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm đồ chơi nói trên, nhất là những đồ chơi bằng nhựa. Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ Hóa học cũng cho biết, nhiều đồ chơi bằng nhựa có xuất xứ Trung Quốc đều làm từ các loại nhựa tái chế. Hầu hết đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như súng gươm, đèn lồng phát sáng... có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép độc không kém chì, thủy ngân. Các nhà sản xuất thường dùng cadimin làm vật liệu mạ đánh bóng khi sản xuất đồ chơi phủ sơn, đồ trang sức trẻ em. Chất này rất độc hại đối với cơ thể sẽ làm chậm phát triển xương, còi xương, gây ung thư, dị tật thai nhi...

Còn theo Bác sĩ Lê Ngọc Duy - Phó chủ nhiệm Khoa Cấp cứu- chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm khoa Cấp cứu - Chống độc bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 2.000 trường hợp tai nạn, thương tích ở trẻ. Phần lớn các trường hợp do phụ huynh bất cẩn cho con chơi đồ chơi mất an toàn, trong đó có đồ chơi bạo lực. Những trường hợp này nếu không được đưa vào cấp cứu kịp thời thì rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyệt Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh