THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:26

Đừng để thông điệp, lời kêu gọi của các em chỉ ở trên giấy mà hãy đi vào cuộc sống

 - Ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các em tại Diễn đàn

 

Đừng biến trẻ em thành người lớn

Tại phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mở đầu với câu hỏi: "Tôi cảm thấy mình may mắn, không biết các bạn ngồi đây có cảm thấy mình may mắn không?"?

Cả khán phòng vang lên tiếng trẻ thơ: "Có ạ". Phó Thủ tướng nhấn mạnh may mắn là chúng ta được hưởng hòa bình, được đi học, được chăm lo.

Sáng nay, tại phiên đối thoại, ngay từ những phút đầu, khi Ban tổ chức vừa phát thước phim phóng sự về các hoạt động và các khuyến nghị của các em từ các diễn đàn trước, đồng loạt trẻ em có mặt tại Hội trường vỗ tay cùng những tiếng reo vui vang dội, đã tạo cảm hứng, và những cảm xúc lan tỏa khắp hội trường.

Diễn ra từ ngày 15- 17/8 tại Hà Nội, Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 6 năm 2019 có chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” do Bộ Lao động-TB&XH, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức. Tham dự có 169 bạn nhỏ đến từ 41 tỉnh, thành phố, Làng Trẻ em SOS Việt Nam, Hội đồng trẻ em và Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An đã hội tụ về Thủ đô Hà Nội để tham dự Diễn đàn. 

Trong suốt phiên đối thoại sáng nay 17/8, với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm trong công tác trẻ em, các đại biểu nhỏ tuổi đã đề cập đến 6 vấn đề của trẻ em Việt Nam: Phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và sự phát triển toàn diện cho trẻ em.

Bằng hình thức sân khấu hóa, mỗi nhóm đề tài được các em nhỏ đưa ra thông điệp cụ thể. Những trình bày khúc chiết, gãy gọn mang đầy hơi thở thế giới tuổi thơ nhưng thực sự gióng lên những hồi chuông với người lớn, cần hiểu các em hơn, để cho các em “góc sân và khoảng trời” trong thế giới lứa tuổi của mình.

 - Ảnh 2Các đại biểu trẻ em đã nêu 6 nhóm vấn đề 

 

Điều đặc biệt, trong hầu hết các ý kiến đưa ra, các em đã lồng ghép hiểu biết và nhận thức của mình đối với Tổng đài điện thoại quốc gia trẻ em 111 – nơi các em có thể tố giác, phản ánh, tư vấn để được giải đáp các vấn đề liên quan đến các em.

Trên tinh thần “Trẻ em lên tiếng - Trẻ em khởi xướng - Trẻ em cùng hành động”, các em đưa ra 22 thông điệp, kiến nghị: Bạo lực đối với trẻ em là hành vi hủy hoại tuổi thơ, cần phải kiên quyết loại trừ; không còn bạo lực ở nhà trường và gia đình là hạnh phúc của trẻ thơ; vì tương lai tươi sáng, hãy nói không với lao động trẻ em; Internet là bạn tốt đừng biến nó thành bạn xấu; hãy chơi mạng xã hội, đừng để mạng xã hội “chơi” mình; giá trị của con người không đến từ vật chất mà đến từ lối sống, đạo đức tốt đẹp; đừng áp đặt, hãy để trẻ là chính mình; đừng biến trẻ thành người lớn; hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi...

Đóng góp một phần nhỏ bé đưa đất nước vươn lên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ ấn tượng với các bài trình bày, thông điệp vô cùng thuyết phục này của các em nhỏ. “Sự hiểu biết của các bạn nhỏ bây giờ hơn rất nhiều lần so với các thế hệ đi trước. Đó là sự may mắn của đất nước”, ông nói.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng gọi các đại biểu là "các bạn trẻ", bày tỏ sự chia sẻ từ thông điệp của các em là "đừng biến các bạn thành người lớn" cũng như lời kêu gọi phụ huynh, bố mẹ hãy xem các em như người bạn. Đồng thời ghi nhận sự tâm huyết và hiểu biết của các bạn trẻ tại diễn đàn.

Từ các khuyến nghị của các em, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải hành động. Luật Trẻ em quy định rất rõ quyền, bổn phận của trẻ em, cũng như trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình, các bậc cha mẹ…

“Người lớn hãy thể hiện trách nhiệm đó bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đừng để những lời kêu gọi thông điệp chỉ ở hội nghị, chỉ ở trên giấy mà hãy đi vào cuộc sống", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ câu chuyện trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang phải sống trong chiến tranh, và khủng bố, Phó Thủ tướng cho rằng dù còn khó khăn, còn nhiều em nhỏ khuyết tật hay ở miền núi, vùng sâu, vùng xa phần nào chịu thiệt thòi, nhưng có thể nói trẻ em Việt Nam may mắn được sống trong hoà bình. 

“Tuy nhiên, đất nước còn nghèo, còn khó khăn, vì vậy, không chỉ người lớn, mà mỗi em nhỏ cũng cần nỗ lực, đóng góp một phần nhỏ bé đưa đất nước vươn lên, vượt qua khó khăn, bắt kịp với các quốc gia khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi gắm.

 - Ảnh 3Thứ trưởng Lao động- TB&XH Nguyễn Thị Hà (ngoài cùng), Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Lê Thị Nguyệt và đại diện các Bộ, ban ngành nhận thông điệp từ đại biểu trẻ em

 

Qua đó, Phó Thủ tướng nhắn nhủ: "Tất cả chúng ta phải nỗ lực. Từ thuở bé mình nghe câu chuyện con rùa con thỏ, mình yếu còn nghèo hơn thì mình phải nỗ lực, người ta làm một, thì mình phải làm hai", Phó Thủ tướng nói, và phân tích: “Nhà các cháu bẩn không thể mong người khác đến dọn hộ. Đất nước nghèo không thể hy vọng nước khác đến giúp. Chúng ta phải rất chịu khó. Ở trường, ở nhà hay ngoài xã hội cũng phải luôn ghi nhớ "Năm điều Bác Hồ dạy".

Đáp ứng nguyện vọng của trẻ em bằng hành động

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chia sẻ: "Thông điệp các em gửi đến chúng ta ngày hôm nay là: Lắng nghe tiếng nói của trẻ em bằng trái tim - Đáp ứng nguyện vọng của trẻ em bằng hành động".

Bày tỏ sự vui mừng được biết 169 trẻ em xuất sắc có mặt tại Diễn đàn hôm nay, đã rất nỗ lực học tập và tham gia các hoạt động xã hội và được các bạn bầu chọn từ diễn đàn trẻ em các địa phương, đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà biểu dương, trong số các cháu có nhiều bạn đến từ các bản làng xa xôi, có bạn là người dân tộc thiểu số mới chỉ 9 tuổi nhưng đã được bạn bè bầu chọn để gửi gắm nguyện vọng tới Diễn đàn.
“Nhiều bạn có thành tích nổi bật, rất đáng tự hào như: Bạn Nguyễn Như Khôi ở Hà Nội đạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế; bạn Bảo Đăng ở Long An đạt huy chương đồng và huy chương bạc học sinh giỏi toán quốc gia; bạn Ngọc Linh đạt giải nhất Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn ngành Giáo dục…”, Thứ trưởng nêu các tấm gương sáng.

Và Thứ trưởng cũng bày tỏ sự khâm phục, trong Diễn đàn này có những bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn thông qua diễn đàn, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn Luật trẻ em và các nghị định, chỉ thị, đề án của Chính phủ trong việc cụ thể hóa thực hiện Luật trẻ em...

 - Ảnh 4169 em nhỏ tham gia diễn đàn

 

Nhấn mạnh trẻ em chính là những người kiến tạo nên đất nước Việt Nam hôm nay và mai sau, do đó những ý kiến của các em tại diễn đàn rất quan trọng, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, UNICEF cùng những tổ chức quốc tế, sẽ luôn lắng nghe ý kiến của các em. Bà cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa các Bộ, ngành và các Tổ chức quốc tế trong việc tổ chức Diễn đàn này.

Theo bà Lesley Miller, Diễn đàn trẻ em diễn ra trong thời điểm rất quan trọng, khi cả thế giới kỷ niệm 30 năm công ước về quyền trẻ em. Chủ đề xuyên suốt của năm kỷ niệm 30 năm Công ước Quyền trẻ em đó là “Sự tham gia và tiếng nói của trẻ em”. Diễn đàn là một hoạt động rất ý nghĩa đóng góp cho sự kỷ niệm 30 năm Công ước về quyền trẻ em.

"Trong phiên thảo luận hôm nay, các em được đối thoại với những Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách được nghe những ý kiến từ chính các em để phục vụ cho công tác xây dựng chính sách sau này", bà Lesley Miller nói.

Tham gia trao đổi với các em tại phiên đối thoại, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ và ghi nhận các ý kiến đề xuất về các nhóm vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến trách trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương.

Cùng với đó, anh Nguyễn Anh Tuấn thông tin, trong 5 năm, Trung ương Đoàn đặt mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ 1,5 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng tại mỗi xã, phường thị trấn một điểm vui chơi cho thiếu nhi; thực hiện đầu tư xây dựng 30 bể bơi cố định ở nơi có hoàn cảnh khó khăn đến năm 2021; trang bị hơn 300 bể bơi di động cho trẻ em, ưu tiên vùng khó khăn.

Tại Diễn đàn, các em nhỏ cũng được nghe báo cáo công tác thực hiện những nội dung khuyến nghị của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 do ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em trình bày. Được biết những kiến nghị của các em tới Lãnh đạo cấp cao, các Bộ, ngành trong phiên thảo luận hôm nay sẽ được thực hiện và sẽ báo cáo kết quả trong kỳ Diễn đàn tới.

Ngoài sự kiện quan trọng diễn ra sáng nay, trong khuôn khổ diễn đàn, suốt những ngày qua, các em còn được tham gia vào những hoạt động ý nghĩa khác như viếng lăng Bác, tham thăm nhà Quốc hội, giao lưu văn hóa văn nghệ… đem lại cho các em những ngày vui tươi, bổ ích, được nói lên tiếng nói của mình.

Đúng như các em đoàn Nghệ An chia sẻ, qua Diễn đàn, các em càng nỗ lực hết mình hơn, luôn luôn phấn đấu xứng đáng với những gì các bác lãnh đạo, thầy cô, ông bà, cha mẹ mong đợi ở các em!

 

Bộ Lao động-TB&XH sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến, khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em các địa phương; cùng phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan tới trẻ em, đặc biệt cho giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030. 

 

Một số khoảnh khắc đẹp tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 năm 2019:

 - Ảnh 5Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận thông điệp từ các em 

 - Ảnh 6Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ ấn tượng với các bài trình bày, thông điệp vô cùng thuyết phục này của các em nhỏ

 - Ảnh 7Các em nhỏ chia thành các nhóm, mỗi nhóm đề tài được các em nhỏ đưa ra thông điệp cụ thể

 - Ảnh 8Những trình bày khúc chiết, gãy gọn mang đầy hơi thở thế giới tuổi thơ 

 - Ảnh 9Các em trao gửi thông điệp của mình

 - Ảnh 10Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng các em 

Thanh Nhung - (Ảnh: Mạnh Dũng)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh