CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:32

Đừng để nhà đầu tư… cô đơn

 

“Trăm dâu đổ đầu… nhà đầu tư”

Thời gian gần đây, các trạm thu phí ở khu vực miền Nam “nóng” bởi một bộ phận người dân phản ứng. Đáng nói, BOT “nóng” không phải vì tuyến tránh, mà liên quan đến các dự án BOT nói chung, các trạm thu phí nâng cấp mở rộng quốc lộ nói riêng.

PGS,TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước chất lượng các công trình xây dựng, (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Chủ trương BOT của nhà nước là hoàn toàn đúng. Cũng phải nói, việc thực hiện chủ trương đó còn hạn chế tại một số dự án cụ thể. Tuy nhiên, không thể đánh đồng BOT là “xấu”, không thể đánh đồng nhà đầu tư nào cũng “xấu”, không nên phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mà công trình BOT mang lại cho xã hội. Để cho một bộ phận người dân chưa hiểu rõ bản chất sự việc, điều đó là lỗi của công tác thông tin tuyên truyền đến người dân của các ngành chức năng”.

Theo quy định, việc thu phí qua các trạm BOT do Nhà nước quản lý giá trần. Doanh nghiệp BOT muốn ấn định mức thu phí phải có văn bản đề xuất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp BOT muốn tăng phí qua trạm BOT cũng phải xin ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước.

Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan ban hành mức phí giá dịch vụ đường bộ tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

Trước đây, khi Bộ GTVT chưa ban hành Thông tư 35, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính quy định, định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 sẽ xem xét, điều chỉnh tăng phí một lần. Hiện trong các hợp đồng BOT đã ký, tạm ký với nhà đầu tư đều quy định như vậy.

Như vậy, chủ trương đầu tư, ban hành mức phí, quyết định đặt trạm thu phí là do Bộ GTVT quyết định, nhà đầu tư chỉ là đơn vị thực hiện theo hợp đồng, nhưng khi có phản ứng từ phía người dân, “trăm dâu đổ đầu… nhà đầu tư BOT”.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu, chỉnh sửa quy định theo hướng, bỏ trần mức phí tại các dự án BOT xây mới, dự án đường cao tốc. Mức trần phí BOT tùy doanh nghiệp quyết định, Nhà nước chỉ quy định mức trần tại các dự án BOT đường độc đạo đưa mức giá dịch vụ của các dự án đường cao tốc theo cơ chế của nền kinh tế thị trường, phương tiện đi đường tốt được phục vụ với chất lượng cao thì phải trả giá cao.

 

Tài xế tập trung phản đối tại trạm BOT Cai Lậy thu phí trên tuyến tránh - Ảnh minh họa

 

Ngày 8/11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Thủ tướng đã phân công các Phó Thủ tướng với những chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các bất cập về cơ chế nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông.

 

Xử lý sai phạm chưa nghiêm

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip một lái xe vừa điều khiển xe chạy chậm qua trạm thu phí Ninh Lộc (thị xã Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa) vừa livestream. Đáng chú ý, trong lúc phát tán clip lên mạng, người này buông lời miệt thị cán bộ công nhân viên trạm thu phí ở đây. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên mà đã rất nhiều lần người này đưa tin tạo ra các tình huống kịch bản gây ách tắc giao thông.

Trước đó, hồi tháng 8/2018 trạm thu phí Ninh Lộc “nóng” bởi một số đối tượng cố tình gây sự với nhân viên trạm thu phí gây mất an ninh trật tự, tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Ninh Lộc.

Tình trạng quấy rối gây mất trật tự an toàn giao thông tại một số trạm thu phí cho thấy việc xử lý những sự việc này của cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Tại một cuộc họp báo năm 2018, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT hơn một lần nói về trách nhiệm ở dự án BOT. “Nóng” ở các trạm thu phí là có thật. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Ai làm sai người đó phải bị xử lý", ông Thể khẳng định.

Hiện hầu hết ở các trạm hệ thống camera đều rất tốt, các xe đi qua đều được ghi lại hình ảnh. “Có một số đối tượng đi lại xuyên suốt tại nhiều trạm, hình ảnh cá nhân, phương tiện đều được lưu trữ dài hạn để cung cấp đầy đủ cho cơ quan công an và đơn vị chức năng khi có yêu cầu. Chắc chắn thời gian tới lực lượng công an sẽ có trách nhiệm và xử lý các đối tượng gây rối, tôi tin Bộ Công an sẽ có giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng GTVT cho hay.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, (Bộ Công an) cho biết: Trong năm 2018, 24 dự án BOT trên cả nước có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ GTVT cùng với chính quyền địa phương giải quyết một cách căn cơ, không để điểm nóng xảy ra tại các dự án BOT. “Đối với những đối tượng kích động, gây rối cầm đầu, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ GTVT trích xuất dữ liệu camera để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Hà khẳng định.

Năm 2019 có tiếp tục là năm đầy bất ổn tại các trạm thu phí BOT, nhà đầu tư? Người dân kỳ vọng các ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của người dân, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự.

THANH XUÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh