Đừng để "kinh nghiệm" quyết định cuộc đời bạn: Sống, là phải tiến lên trong những lần thử và dám sai
- Bác sĩ
- 17:10 - 10/07/2020
01
Trên mạng có chia sẻ một câu chuyện như sau:
Bệnh viện tiếp nhận một em bé mới sinh, em bé được người lớn quấn cho lớp nọ lớp kia rất chặt.
Khi bác sỹ định khám cho em bé, bà nội sợ em bé bị nhiễm lạnh, chỉ cho phép bác sỹ vạch ra một chút để khám, nói là sợ tà khí xâm nhập cơ thể?
Nhưng rõ ràng khi đó là tháng 7, người lớn ăn mặc theo kiểu mùa đông sẽ rất dễ sinh bệnh chứ đừng nói là một đứa trẻ.
Đau lòng ở chỗ, vì bị "bọc" quá dày và nóng, em bé phát sốt rất cao, nhiều cơ quan trong cơ thể bị tổn thương, vào viện chưa được 24h đã không may qua đời.
Những tình huống bi kịch như vậy không chỉ có một. Và đằng sau chúng đều là những người bảo thủ như người bà trong câu chuyện trên. Họ chỉ chăm chăm vào kinh nghiệm khi làm gì đó, nếu người trẻ hoài nghi, họ sẽ ngay lập tức dùng thái độ của người từng trải ra để giáo huấn.
Dù nói rằng những kinh nghiệm tốt có thể giúp con người ta bớt đi đường vòng, nhưng những kinh nghiệm không đâu cũng đem lại những bi kịch không thể ngờ.
02
Mỗi một kinh nghiệm đều có hạn sử dụng, quá hạn sẽ chỉ làm hại người khác
Dạo trước, một người anh thời đại học gọi điện thoại cho tôi kể khổ, nói cuộc đời mình đã bị ba mẹ hủy hoại.
Ngày nộp nguyện vọng thi đại học, không để anh ấy học tây y, mà bắt học đông y, lí do là "càng "cổ" càng tốt."
Sau khi tốt nghiệp, không cho học tiếp thạc sỹ về tây y, mà bắt đi làm, lý do là "kinh nghiệm công việc quan trọng hơn bằng cấp."
Làm việc được 3 năm, anh ấy vẫn nung nấu ý định học tiếp, nhưng ba mẹ lại muốn kết hôn, lý do là "thành gia rồi hãy lập nghiệp"…
Kinh nghiệm của ba mẹ nghe thì có vẻ có lý, nhưng tới cuối cùng, người anh đó của tôi phát hiện ra rằng suốt 8 năm trời, mình chẳng thu được chút thành tựu gì, muốn nhảy sang bệnh viện lớn, nhưng khi phỏng vấn lại không qua được, vì bệnh viện yêu cầu "thạc sỹ hoặc thạc sỹ trở lên."
Vì tuổi tác không còn nhỏ nữa, có muốn học tiếp cũng không khả quan, đến cả thầy hướng dẫn năm xưa rất quý anh ấy cũng không khách sáo mà bảo rằng: "đợi cậu tốt nghiệp thì cũng 40 rồi, lúc đấy thì làm gì còn bệnh viện lớn nào cần cậu nữa."
Dù nói người anh đó của tôi đổ hết lỗi lên cho ba mẹ là không đúng, nhưng nó cũng cho thấy một điều rằng, kinh nghiệm thành công của ba mẹ chưa chắc đã phù hợp với tình hình hiện tại của con cái.
Xã hội thay đổi nhanh chóng, những kinh nghiệm trong quá khứ chưa chắc đã phù hợp với hiện tại, đặc biệt là những kinh nghiệm liên quan tới chuyên ngành hay lập nghiệp.
Kinh nghiệm tuy là trí tuệ tích lũy được qua sự từng trải, nhưng có một vài trí tuệ có hạn sử dụng, nếu vẫn còn hạn sử dụng, nó chắc chắn là một tài sản quý báu, nhưng nếu quá hạn sử dụng, ngoài việc chỉ điểm mù quáng thì quả thực là chẳng có tý giá trị nào.
03
"Ếch ngồi đáy giếng", kinh nghiệm cũng sẽ hạn hẹp
Trong một bộ phim tài liệu của Trung Quốc mang tên "Xuất lộ", có một câu chuyện xót xa như sau:
Ở một vùng nông thôn ở Cam Túc, có một bé gái tên Mã Bách Quyên.
Ba mẹ cô bé đều là những nông dân không được đi học, mỗi ngày đều đi chăn dê, trồng rau, cuộc sống vô cùng nghèo khó.
Vì Bách Quyên là con gái nên ba mẹ sớm đã an bài cuộc sống cho cô bé, kết hôn sớm và sinh con.
Vì vậy, hai người họ vốn dĩ không có ý định cho con cái mình đi học.
Dùng lời của người ba nói thì là: "Đi học thì sao cũng đi làm, không đi học sau cũng đi làm, thế thì sao phải đi học?"
Đối với người cha, đi học cũng vô dụng, lãng phí thời gian, tiền bạc, cuối cùng vẫn chỉ làm công cho người ta.
Cuối cùng, nhờ sự kiên trì của thầy hiệu trưởng mà năm 10 tuổi, Bách Quyên đã được đi học.
Nhưng vì đi học muộn, tiến bộ chậm lại lớn hơn các bạn học khác, vì quá nhiều áp lực nên không lâu sau, Bách Quyên đã nghỉ học.
Năm 16 tuổi, Bách Quyên được gả cho một người anh họ xa, một người làm việc trong một xưởng gốm sứ.
Nói về Bách Quyên, người cha chỉ nói đơn giản: "Con cái nhà nghèo khó, chỉ có một con đường."
Ba của Bách Quyên không phải vì quá nghèo hay trọng nam khinh nữ mà nói vậy, mà là bởi vì theo kinh nghiệm của anh, anh đã gặp qua vô số những trường hợp đi học chỉ làm lãng phí thời gian, trong khi không đi học lại vẫn có thể kiếm được tiền.
Anh căn bản là không hiểu, con gái ngoài việc gả cho người khác thì còn có khả năng gì khác.
Kinh nghiệm của mỗi người đều chỉ bó hẹp trong những trải nghiệm của họ, trừ phi bạn đứng ở một lập trường khác, nếu không sẽ rất khó có thể nhìn được toàn diện sự việc.
Bạn không thể yêu cầu một con ếch dưới đáy giếng kể cho bạn nghe xem vũ trụ to lớn ra sao.
Một người ngồi dưới đáy giếng, tầm nhìn và tri thức của họ có giới hạn, kinh nghiệm của họ cũng hẹp hòi và thậm chí là vô dụng.
Nếu bắt buộc phải áp dụng king nghiệm này để dẫn đường cho người trẻ, vậy thì kết quả chắc chắn là đường càng đi sẽ càng hẹp.
"Đi học thì sao cũng đi làm, không đi học sau cũng đi làm, thế thì sao phải đi học?"
04
Vì sao kinh nghiệm không đáng tin?
Sự phiến diện của người nói!
Có lẽ bạn cho rằng quan điểm của tôi quá tuyệt đối, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, bạn có lẽ chỉ nhìn thấy ai đó dùng kinh nghiệm giải quyết được vấn đề, nhưng lại bỏ qua hầu hết những người bị kinh nghiệm đó hại.
Dùng sở thích uống trà thảo dược của người Quảng Đông ra làm ví dụ.
Người Quảng Đông, Trung Quốc rất sợ bị nóng, hễ bị đau đầu nóng trong, chỉ cần uống một ly trà thảo dược vào là vấn đề sẽ được giải quyết.
Vì hiệu quả rất tốt mà đời này sang đời khác đều thấy được công hiệu này của trà thảo mộc.
Nhưng, có nhiều người cũng bỏ qua rằng nếu uống trà không đúng cách sẽ rất dễ nguy hại "tứ tạng".
Chẳng hạn trong một số loại trà thảo dược có chứa hạ khô thảo có hại cho cơ thể.
Một mặt, hạ khô thảo có thể ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể trở nên yếu hơn và dễ bị bệnh.
Mặt khác, nó cũng có hại cho gan. Uống hạ khô thảo trong một thời gian dài có thể gây ngộ độc gan.
Tỷ lệ mắc mắc bệnh thận mãn tính của Trung Quốc là 10% và cao nhất là 12% ở tỉnh Quảng Đông. Lý do cho điều này có lẽ là thói quen uống trà thảo dược lâu dài.
Không khó để gặp những bài viết như này trên mạng: "Uống trà thảo dược hạ hỏa, hai vợ chồng ngộ độc", "Vì nóng trong nên uống trà thảo dược, 4 tiếng sau chóng mặt nôn ra máu" …
Vì sự phiến diện của người từng trải, chúng ta có khuynh hướng phóng đại những điều tốt hoặc xấu, kinh nghiệm được đúc kết ra thường không toàn diện hay chính xác 100%.
Nhưng mọi chuyện trên thế giới này đều có tính hai mặt, có lợi ắt có hại, điều chúng ta cần không phải là một trải nghiệm mang tính phóng đại sự thật, mà là một trải nghiệm có thể nhìn vào toàn bộ bức tranh.
05
Ngay cả những kinh nghiệm chính xác, cũng không thể áp dụng với mọi trường hợp
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có một câu chuyện kinh điển như sau:
Khi quân Thục đánh Tào, Gia Cát Lượng không làm theo đề xuất của mọi người dùng tướng cũ làm tiên phong, thay vào đó để người mà mình quý mến tên Mã Tắc dẫn quân, trấn thủ ở trọng địa quân sự Nhai Đình.
Mã Tắc từ nhỏ đã thích đọc binh pháp, bình thường bàn về binh pháp cũng như cá gặp nước.
Vốn dĩ cho rằng người giỏi suy nghĩ, hiểu mưu lược như Mã Tắc sẽ bảo vệ được Nhai Đình, nào ngờ, Mã Tắc sau khi trông thấy địa hình ở Nhai Đình đã quyết định thay đổi ý định triển khai ban đầu của Gia Cát Lượng.
Mã Tắc chủ trương bỏ cứ điểm quan trọng phía dưới đi lên phía cao, đợi kẻ địch đánh vào sẽ đánh úp từ trên xuống dưới, một mẻ bắt gọn.
Suy nghĩ của Mã Tắc rất đơn giản, chính là làm theo kinh nghiệm thành công "đánh úp từ trên xuống" trong binh pháp để làm.
Kinh nghiệm này thành công thì thành công, nhưng quân địch vừa thấy Mã Tắc bỏ đường lớn chạy lên núi đã lập tức đoán ra được ý đồ, kiên quyết không công, thay vào đó bao vậy phía trên núi, đồng thời cắt đứt cả nguồn nước của Mã Tắc.
Cuối cùng, Mã Tắc thất bại, để mất Nhai Đình, quân đội tổn thất tới 90%.
Mặc dù đây là lần cầm quân thực tế đầu tiên của Mã Tắc, nhưng Mã Tắc cũng không phải người không biết suy nghĩ, bản thân cũng đã rất nhiều lần được Gia Cát Lượng khen ngợi, chỉ có điều, Mã Tắc quá cố chấp với với kinh nghiệm thành công của người đi trước, cho rằng chế ngự được phía trên cao là giữ được Nhai Đình.
Những Mã Tắc nào ngờ được, nguồn nước lại là điểm yếu của mình trong trận chiến này, và quân địch cũng chẳng lạ gì kế binh pháp này.
Dù kết tinh nhiều trí tuệ và tinh hoa của người trước, nhưng kinh nghiệm cũng không phải thứ thuốc vạn năng, nó cũng có phạm vi sử dụng nhất định.
Dù có cùng một hoàn cảnh thì kinh nghiệm thành công cũng chưa chắc đã phát huy tác dụng.
Nếu thoát ra khỏi phạm vi thích hợp, vậy thì dù kinh nghiệm có đúng đắn tới đâu thì cũng sẽ trở thành sự ràng buộc mà thôi.
06
Một vài nước phương Đông rất coi trọng kinh nghiệm của các cụ, nhiều khi, bất kể chuyên gia có bác bỏ những tin đồn vô căn cứ ra sao thì cũng không bằng một câu nói "cách này hay lắm" của bác hàng xóm.
Đối với người phương Tây mà nói, một quan điểm chỉ cần về mặt logic nếu nó thông, thì họ sẽ vui vẻ chấp nhận, nhưng một số quốc gia lại không như vậy, một quan điểm dù về mặt logic có hợp lý ra sao không quan trọng, chỉ cần nó hợp tình người, là kinh nghiệm là được.
Vì sao chúng ta hay tin vào kinh nghiệm, suy cho cùng chẳng qua cũng chỉ vì kinh nghiệm có thể đem lại cho chúng ta con đường dễ đi nhất.
Gặp vấn đề, chúng ta không cần suy nghĩ, không cần xác minh, chỉ cần lấy kinh nghiệm của người khác ra dùng là được.
Tất nhiên, có những kinh nghiệm quả thực phát huy tác dụng.
Nhưng chúng ta cũng không được phép vì vậy mà đánh mất đi sự suy nghĩ và phán đoán với kinh nghiệm, không thể nào vì người khác nói là được mà lười suy nghĩ, lười tìm kiếm tư liệu chính xác, cứ thế áp dụng lời nói của người ta.
Cứ như vậy, chúng ta đặt cuộc đời mình vào tay người khác.
Suy cho cùng thì khả năng quan trọng nhất của một người là khả năng tư duy.
Khả năng này là phao cứu sinh của chúng ta, giúp chúng ta trong một thế giới đầy sự chập chờn, không bị lừa gạt bởi kinh nghiệm của người khác và có thể nhìn thấy tất cả các loại lừa dối đeo mặt nạ đạo đức giả.
Cuối cùng, mong bạn là người kỉ luật tự giác, mong bạn là người có cái nhìn khách quan trước những kinh nghiệm và một khả năng tư duy, suy nghĩ thấu đáo khi gặp phải vấn đề.
Dẫu sao thì cuộc đời phải tiến lên trong những thử thách và sai lầm.