Đừng biến con thành “đứa trẻ to xác”
- Y học 360
- 19:04 - 09/06/2019
Hãy để con trẻ phát triển trong môi trường tự nhiên thay vì đắm chìm trong thế giới ảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG.
Vì quá bao bọc con mà các bậc phụ huynh đang tạo ra một thế hệ những “đứa trẻ to xác”, học đủ thứ nhưng lại chẳng biết gì về cuộc sống quanh chúng.
Thế giới ảo chi phối
19 giờ, vừa ăn cơm xong là tới giờ giải trí ở nhà của con trẻ. Thay vì xem ti vi hay truyện tranh, Hoàng Anh và Hoàng Tú (8 và 6 tuổi) lại cắm cúi vô 2 cái iPad. Ba của chúng đang xử lý một số văn bản cho cuộc họp ngày mai ở cơ quan; còn mẹ thì loay hoay trong bếp dọn dẹp và nấu nướng chuẩn bị cho bữa sáng mai.
Trên iPad của Tú là một loạt phim hoạt hình tiếng nước ngoài, còn Hoàng Anh bận rộn với trò chơi bắn súng trên mạng. Chị Nguyễn Thanh Kiều (ngụ đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp) phân bua: “Thời gian đâu để trông coi tụi nó, thôi thì cứ đưa mỗi đứa một máy là xong chuyện để mình còn làm chuyện khác”.
- “Sao chị không bố trí thời gian tự học cho tụi nhỏ?”.
- “Ai rảnh trông coi bây giờ, mà không trông coi thì tụi nó lại mở tivi coi rồi cãi lộn um sùm, nhức đầu lắm”.
Ngày nay, hình ảnh tụi con nít hễ rảnh rang là cắm cúi vào những màn hình điện thoại, iPad chẳng xa lạ. Nếu như trước đây, thế giới tuổi thơ của ba mẹ chúng là ký ức về những buổi chiều tan học tức tốc chạy về nhóm lửa nấu cơm, là việc phải tự học rồi tự làm mọi việc trong nhà vì ba mẹ còn bận mưu sinh, thì thế giới của tụi con nít ngày nay bé lắm, chỉ vuông vuông trên màn hình.
Nếu ai hỏi “kẻ thù” của những bậc phụ huynh ngày nay là gì, hầu hết câu trả lời sẽ là trò chơi điện tử. Trò chơi điện tử có trong lịch trình mỗi ngày của hầu hết tụi nhỏ lẫn “tụi lớn”. Nhưng bậc làm cha mẹ đã bao giờ tự hỏi, ai đã mang thế giới ảo đó đến con mình?
Mỗi khi bận bịu nhưng muốn con ngoan, cha mẹ lại dúi cho con điện thoại kèm một đoạn phim hoạt hình hoặc một ứng dụng trò chơi hay ho. Mỗi khi con lười biếng, ba mẹ lại “treo giải thưởng” nếu con ngoan, chăm học, được nhiều điểm cao sẽ được chơi điện thoại vào buổi tối. Không muốn con thua kém bạn bè, ba mẹ mua cho con chiếc điện thoại đời mới nhất mà không hiểu hệ lụy sau đó sẽ ra sao.
Vậy ba mẹ trách ai khi chính chúng ta đang tạo ra một thế hệ những “đứa trẻ to xác”, những cử nhân “trên thông kinh văn dưới tường địa lý” nhưng nấu một nồi cơm chưa chắc đã hay.
Nỗi sợ của phụ huynh
Chị Nguyễn Ngọc Thịnh (chung cư Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh) kể câu chuyện dở khóc dở cười về cô con gái 14 tuổi của mình. Con gái chị đến tuổi dậy thì, luôn sợ hãi mỗi khi “tới tháng”.
“Con bé không biết làm gì vì ở nhà mẹ làm cho hết. Đến hôm đi học thì sự cố xảy ra. Bạn bè xung quanh chỉ chỏ, cười ghẹo khi con bé lên bảng làm bài tập. Đứng lớp lại là một thầy giáo trẻ mới ra trường cũng bối rối nốt. Thế là cô giám thị được mời tới, con bé thì khóc nức nở đòi về nhà. Sau hôm đó, con gái tôi nhất định không đi học, thậm chí đòi chuyển trường. Tôi phải thuyết phục con bé và mất mấy ngày xin phép nhà trường vô ghế đá ngồi đợi con bé học. Có lẽ do tôi quá bao bọc cháu mà không chỉ dẫn đầy đủ nên mới vậy chăng?”, chị Thịnh chia sẻ.
Lần khác, ngay tại quán cà phê gần nhà, một cặp cha mẹ cắm cúi vào điện thoại di động, 2 đứa trẻ con tầm trên dưới 10 tuổi cũng dán mắt vào iPad. Sự cố xảy ra, ly sữa trên bàn đổ ụp vào quần áo một bé. Cha mẹ chẳng nhìn thấy vì bận… lướt, còn thằng bé loay hoay không biết làm sao, lại đánh đổ nốt ly nước ép còn hơn nửa vào chiếc iPad.
Lúc này thì cha mẹ chúng nhìn thấy, người mẹ la hét vì tiếc cái iPad tắt ngóm; người cha lắc đầu bước ra ngoài nghe điện thoại. Tiếng lộn xộn của ly tách, tiếng la hét và cả tiếng khóc… làm mọi người xung quanh khó chịu.
Những bậc phụ huynh thường có nhiều nỗi lo sợ, nhưng nhiều nhất có lẽ là sợ con sau này lớn lên không giỏi giang, không bằng “người này người kia”, không tinh thông vài ba thứ tiếng ngoại ngữ, tốt nghiệp ra trường không có công ăn việc làm ổn định… Thế nhưng, chính họ nhiều khi không lý giải nổi vì sao con họ mãi không lớn, không biết chia sẻ với cha mẹ, không đồng cảm với xã hội mà chỉ thu vào “con kén” bé tẹo của mình.
Học tập tốt và hiểu biết nhiều sẽ góp phần giúp những đứa trẻ có một cuộc sống tốt sau này. Nhưng muốn chúng có một cuộc sống cân bằng, cần nhiều hơn thế. Hãy bắt đầu từ việc đặt điện thoại xuống và san sẻ với con vài công việc nhà vừa sức mình; dạy cho con biết bảo vệ mình; giúp con hiểu thế giới của con không chỉ thu bé bằng hình vuông của chiếc iPad và quan trọng là đừng làm thay việc cho trẻ. Hãy để con tự mình trải nghiệm, để biết giá trị của cuộc sống, để trưởng thành tự nhiên.