THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:24

Dụi mắt khi bị dị vật bay vào: Nguy hiểm khôn lường

 

Đôi mắt vô cùng nhạy cảm và là bộ phận quan trọng nên bạn cần tuyệt đối chăm sóc chúng cẩn thận.

 

Không nên xử lý theo cách này

Thông thường, đa số mọi người theo phản xạ tự nhiên sẽ đưa tay lên dụi để giảm khó chịu và mau chóng lấy được bụi ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đây lại chính là cách làm sai lầm và dễ gây tổn thương cho mắt nhất.

 Lý do là vì khi bụi rơi vào mắt, nó có khả năng chà xát tròng mắt bên trong gây ra các vết xước nhỏ. Việc ấy dùng tay dụi sẽ thúc đẩy nhanh và mạnh hơn quá trình nguy hiểm này. Nhiều trường hợp may mắn thì tròng mắt chỉ ửng đỏ lên do bị kích ứng nhưng có những ấy quá mạnh tay hoặc gặp phải bụi, vật cứng to thì có thể còn bị rách võng mạc dẫn đến mù lòa đấy!

Không nên căng mắt ra để nhờ người khác thổi vì bản thân trong không khí nước bọt của người thổi cũng có chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại. Nó có thể xâm nhập vào mắt và gây ra viêm nhiễm.

Nếu là côn trùng thì hành động này càng khiến chúng tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông tơ côn trùng có thể xuyên qua giác mạc vào sâu nhãn cầu gây chảy nước mắt, viêm nhiễm, giảm thị lực. Ví dụ như dịch tiết của kiến ba khoang có thể gây mù lòa và bỏng giác mạc.

 Cách xử lý đúng khi bị dị vật bay vào mắt

Khi bị côn trùng bay vào mắt, không nên dụi mắt ngay lập tức mà nên tìm một chỗ ngồi ổn định, rồi xác định xem dị vật vừa bay vào có kích thước như thế nào.

 

Sau khi sơ cứu, cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và xử lý các tổn thương trên mắt.

 

Với dị vật nhỏ, có thể nhỏ thật nhiều nước muối sinh lý hoặc nhúng mắt vào một cốc nước sạch rồi nháy liên tục để dị vật hoặc côn trùng trôi ra. Nếu không có các dụng cụ trên, hãy chớp mắt liên tục để nước mắt tự nhiên rửa sạch hốc mắt. Ngay sau đó, nhỏ nước mắt nhân tạo để vết thương mau lành và cung cấp độ ẩm cho mắt.

Nếu cảm thấy dị vật vẫn ở trong mắt gây đau mắt, ngứa đỏ thì nên đến các phòng khám, cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và kịp thời điều trị.

Với dị vật lớn và sắc nhọn, cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để gắp dị vật ngay lập tức nhằm tránh các tổn thương nghiêm trọng hơn.

Nếu không may bị hóa chất như sơn móng tay, vôi ve, sơn dầu, thuốc nhuộm…rơi vào mắt, chúng ta cần bình tĩnh xử lý theo các bước sau:

(1) Rửa sạch tay đến khi không còn hóa chất dính vào nữa; (2) Nhúng mắt vào một cốc nước sạch, nước ấm để rửa trôi hết các hóa chất; (3) Dùng khăn sạch nhúng nước ấm phủ lên đôi mắt. Trường hợp nặng hơn nên đến bác sĩ điều trị ngay lập tức.

Tuyệt đối không gắp di vật ra khỏi mắt bằng mẹo như dùng các loại lá cây, thuốc không rõ cách sử dụng, tự ý mua thuốc không tham khảo ý kiến bác sĩ để đắp/bôi/nhỏ vì rất nguy hiểm.

Cách dự phòng tốt nhất là đeo kính khi ra đường. Điều đó sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị dị vật bay vào mắt.

Đôi mắt là bộ phận rất quan trọng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ những lời khuyên và những kỹ năng ở trên để kịp thời xử lý nếu không may bị dị vật bay vào mắt.

 

 

Xử trí khi vật lạ rơi vào mắt trẻ nhỏ

Vì trẻ nhỏ không biết cách tự điều tiết mắt để đẩy vật lạ hoặc lấy vật lạ ra khỏi mắt như người lớn mà thường phản ứng bằng cách dụi mắt.

Một số cách xử trí đúng và hiệu quả:

- Nếu vật lạ rơi vào mắt trẻ, tuyệt đối không để trẻ dùng tay dụi mắt. Người lớn có thể dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ banh hai mí mắt của trẻ. Dạy trẻ cách đảo mắt sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới để mắt chuyển động từ đó tìm ra vật lạ, nếu vật lạ nằm trong phần lòng trắng mắt, bạn có thể dùng một góc khăn sạch nhẹ nhàng khều ra.

- Cũng có thể để phần đầu của trẻ hơi nghiêng về phía mắt bị thương, rồi bảo trẻ mở to mắt ra, sau đó dùng nước sạch nhẹ ngàng xối vào mắt trẻ. Cũng có thể dùng nước ấm đổ vào bình rồi tưới lên mắt trẻ..

- Nếu cát rơi vào bên dưới mí mắt mà sử dụng phương pháp trên thì hoàn toàn vô hiệu. Lúc này bạn có thể lấy một que nhỏ (que tăm không sắc nhọn, que diêm) đặt sát xuống bên ngoài mí mắt, sau đó lật ngược mí mắt lên về phía que, rồi dùng một góc khăn tay sạch lấy hạt cát ra, hoặc cũng có thể dùng nước sạch để xối mắt, thổi mạnh vào mắt.

- Nếu vật lạ rơi vào con ngươi và giác mạc thì không nên tự xử lý mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu và băng con mắt bị thương lại vì con ngươi và giác mạc rất mỏng và mềm.

- Nếu trẻ bị các hóa chất văng vào mắt, ngay lập tức phải dùng nước sạch rửa mắt, sau khi rửa xong nên dùng khăn khô lau sạch rồi chuyển ngay trẻ đến cơ sở y tế để được sơ cứu.

- Nếu bị vật lạ, cứng, sắc nhọn đâm vào mắt, tuyệt đối không được tự ý lấy vật đó ra để tránh nguy cơ có thể bị mù, ngay lập tức phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, để tránh để trẻ dụi mắt, nhất thiết phải giữ chặt tay trẻ lại.

Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn tuyệt đối không cho trẻ chơi những đồ chơi nguy hiểm như những vật sắc nhọn, dao kéo...

CÙ HÒA (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh