Một đêm trên tàu vỏ thép mới của ngư dân Thừa Thiên - Huế
- Tây Y
- 22:40 - 26/12/2017
Con tàu đánh cá vỏ thép trị giá 21 tỷ 460 triệu đồng của ngư dân Trần Dành tại cảng cá Thuận An trưa ngày 25/12
9 tháng, ấy là khoảng thời gian ngư dân Trần Dành (SN 1972, trú tại thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) chờ đợi con tàu vỏ thép đánh cá của gia đình mình chính thức trượt xuống khỏi đà, về với biển, với nước để vươn khơi rồi trở về mang theo những khoang cá đầy ắp. Con tàu vỏ thép này được khởi đóng từ những ngày đầu tháng 3/2017 theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Con tàu mang tên “Dành 555” có tổng giá trị hơn 21,4 tỷ đồng, được đặt đóng tại Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị). Tàu được đặt số hiệu TTH91555TS, có chiều dài 28,6m, rộng 7,3m, công suất máy chính 829 CV; vốn vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thừa Thiên Huế (ngân hàng cho vay 20 tỷ, chủ tàu bỏ vốn đối ứng số còn lại). Đây là con tàu vỏ thép thứ 4 đã chính thức hạ thủy và sẽ trở thành con tàu to nhất, đẹp nhất, có giá trị lớn nhất trong thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cách đây gần 1 tháng, con tàu chính thức trượt ra khỏi đà đóng tàu của Công ty Đóng tàu Cửa Việt, xuống neo đậu tại khu vực cảng Cửa Việt. Trải qua hàng loạt cuộc chạy thử nghiệm, kiểm tra, kiểm định, lúc 7h30 phút sáng ngày 25/12/2017, chủ tàu Trần Dành hân hoan đứng vào vị trí lái tàu, đưa còn tàu về cập cảng cá Thuận An, chờ ngày đẹp làm lễ bàn giao và ra khơi chuyến đầu tiên. Trên đường từ Cửa Việt vào cửa Thuận An với hải trình hơn 33 lý, tôi càng cảm nhận rõ hơn về niềm vui của chủ tàu và toàn bộ nhân viên đi cùng ra Quảng Trị đưa tàu về quê.
Trước đó một ngày, ngư dân Trần Dành gọi điện thông báo sẽ đưa tàu về, chúng tôi đề nghị được theo chân và ông đã rất vui vẻ đồng ý. Đêm trên vùng biển Cửa Việt, cả con tàu và tất cả mọi người trên tàu dường như không ngủ. Đến khoảng 3h sáng ngày 25/12, thuyền trưởng Trần Dành gọi toàn bộ ê kíp dậy nổ máy tàu, nhả bớt các dây cố định tàu để lùi tàu ra khỏi vùng nước cạn. Trong đêm khuya ấy, giữa mênh mang biển nước, tiếng nổ của máy chính với công suất 289 mã lực được lắp cho con tàu nghe mới mạnh mẽ và rền vang làm sao.
Tâm sự với chúng tôi, ngư dân Trần Dành cho biết, ngay từ khi còn học lớp một, ông đã được theo chân cha mẹ đi biển đánh cá. Tính đến nay, số năm đi biển của người đàn ông 46 tuổi này đã là hơn 35 năm. Đó là một khoảng thời gian đủ dài và lớn để ông yêu và khao khát bám biển vừa để khai thác thủy sản, vừa để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương Việt Nam đến nhường nào.
Cũng vì yêu biển và khao khát vươn khơi bám biển mà ông Dành đã 2 lần đi đầu trong việc phát triển, nâng cao công suất, kích thước, sự hiện đại của những con tàu mà ông là thuyền trưởng. Trước đó, con tàu vỏ gỗ 250 CV của ông cũng đã từng là con tàu có công suất lớn nhất Thừa Thiên Huế. “Nhưng rồi trải qua thời gian, con tàu của tôi lại trở thành nhỏ nhất”, ông Dành cho hay. Khi Chính phủ ban hành Nghị định 67 và khi được tiếp cận với thông tin này, ngư dân Trần Dành cũng đã rất thổn thức về mơ ước có một con tàu lớn hơn, chắc chắn hơn để vươn khơi. Nhưng rồi, những vụ việc liên quan đến tàu vỏ thép ở Bình Định cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, làm ông Dành chần chừ hơn trong quyết định vay vốn đóng mới một con tàu vỏ thép.
Tuy nhiên với việc vẫn còn đó những con tàu vỏ thép ở các địa phương khác, thậm chí là tại Thừa Thiên Huế vẫn đang hoạt động tốt và ra khơi có hiệu quả cao; đồng thời, được sự cổ vũ, động viên của gia đình, bạn bè, người thân và xuất phát từ tình yêu quá lớn với biển đảo quê hương, vào ngày 5/3/ 2017, con tàu vỏ thép “Dành 555” của ngư dân Trần Dành cũng chính thức được khởi công đóng mới. Sau 9 tháng chờ đợi như người mẹ đợi chờ đứa con ra đời, con tàu mang tên “Dành 555” đã trở thành con tàu có nhiều cái nhất ở địa bàn Thừa Thiên Huế vào lúc này. “Con tàu này tới đây sẽ giúp cho gia đình tôi và 20 thuyền viên trên tàu có một khởi đầu mới và mong muốn khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt với con tàu có công suất lớn và chắc chắn như thế này, chúng tôi sẽ yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương hơn nữa”, ông Dành tự hào nói.
Nói về việc đảm bảo chất lượng của con tàu, ông Võ Văn Thụ, Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt cho biết, thực tế đơn vị này đã được thành lập từ năm 1993 và đã có kinh nghiệm trong việc sửa chữa, đóng mới nhiều con tàu từ Bắc chí Nam. Từ khi Nghị định 67 ra đời vào năm 2014 đến nay, Công ty cũng đã đóng mới theo đơn đặt hàng khách hàng 8 con tàu vỏ thép, 17 con tàu vỏ gỗ theo chương trình, trong đó có 1 con tàu vỏ thép lớn nhất đến 1.400 mã lực của ông Võ Thành Bắc ở tại Bìa Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, con tàu vỏ thép lớn nhất tỉnh Quảng Trị hiện nay cũng chính do Công ty của ông Thụ đóng từ năm 2015 và đã có nhiều chuyến ra khơi. Theo ông Thụ thì chuyến đi mới nhất của con tàu đó đã đạt kết quả cao, với hơn 2 tỷ đồng lợi nhuận thu về. “Với mong muốn đóng ra những con tàu chất lượng, chúng tôi luôn phải bảo đảm đóng theo bản vẽ thiết kế ban đầu. Tuy nhiên trong quá trình đóng, sẽ có những chỉnh sửa nhỏ để phù hợp với nhu cầu và thực tế đánh bắt của chủ tàu. Đặc biệt, sau sự cố ở Bình Định, Công ty luôn xác định khách hàng đến với mình là người bạn đồng hành của mình; đóng tàu cho ngư dân cũng chính là đóng cho mình. Vì vậy, từ lãnh đạo đến đội ngũ công nhân viên của Công ty đã đầu tư trí tuệ, tâm huyết để đóng ra những con tàu có chất lượng cao nhất, để ngư dân yên tâm bám biển và bảo đảm vấn đề lâu dài đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc”, ông Thụ cho hay.
Với việc tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang hình thành nhiều tổ đội đánh bắt xa bờ, thì những con tàu vỏ thép, hiện đại, chắn như của các ông Trần Dành, Trần Dũng, Nguyễn Hôi và ông Trần Văn Chiến sẽ góp phần làm tăng sản lượng hải sản của địa phương. Đặc biệt những con tàu này sẽ cùng với đội ngũ tàu công suất lớn trên cả nước góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo đất nước.
Một số hình ảnh con tàu vỏ sắt đắt nhất Thừa Thiên Huế thời điểm hiện tại:
Tàu "Dành 555" mang số hiệu TTH91555TS trong đêm cuối neo đậu tại khu vực Cửa Việt (Gió Linh, Quảng Trị) trước khi về Thừa Thiên Huế
Thân tàu có chiều dài 28,6m, rộng 7,3m
Tàu được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, nguồn vốn vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN chi nhánh Thừa Thiên Huế
Với trị giá lên đến hơn 21,4 tỷ đồng, tàu vỏ thép của ngư dân Trần Dành được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, nội thất và thiết kế khá đẹp
Dàn đèn cao áp 150 bóng
Hệ thống tụ điện của dàn đèn cao áp
Cabin gồm 2 tầng: tầng 1 gồm nơi sinh hoạt, ngủ nghĩ của thuyền viên, bếp nấu nướng, kho chứa đồ, nhà vệ sinh; tầng 2 là nơi đặt hệ thống lái, liên lạc, thông tin, điều khiển tàu và giường ngủ
Nhiều thiết bị tân tiến, hiện đại tại khu vực lái và điều khiển tàu
Máy chính của tàu có công suất 829 mã lực được sản xuất từ hãng Misubishi nổi tiếng của Nhật Bản
Lắp đặt 2 bên máy chính là 2 máy phát điện của tàu
Thiết bị làm lạnh của tàu
Tàu vỏ thép mới của ngư dân Trần Dành còn được lắp đặt một thiết bị rất hiện đại và đắt tiền đó là máy đo độ sô, dò cá đứng Furuno có trị giá lên đến 1,7 tỷ đồng
Màn hình hiển thị của thiết bị
Còn màn hình hiển thị màu xanh trong ảnh là màn hình của máy dò ngang 360 độ kiểu quét toàn vòng phát hiện và hiển thị ngay lập tức các đàn cá và các vật thể dưới nước. Màn hình thiết bị hiển thị 16 màu sống động hỗ trợ trong việc nhận biết cấu trúc đáy biển, sự tập trung và phân bố của các đàn cá. Dữ liệu lái tàu và đánh bắt đa dạng giúp ích cho thực hiện song song hoạt động đánh bắt và hải hành.
Màn hình vệ tinh trên tàu
Hệ thống kết nối thông tin, liên lạc của tàu
Đúng 7h30 sáng ngày 25/12, ngư dân Trần Dành đứng vào vị trí lái tàu, đưa con tàu rời khu vực biển Cửa Việt...
Khoảng 11h trưa cùng ngày, chiếc tàu vỏ thép giá trị cao nhất Thừa Thiên Huế vào thời điểm hiện tại về cập cảng cá Thuận An và sẽ neo đậu tại đây đến ngày thứ Năm (28/12) để các đơn vị liên quan làm lễ bàn giao
Video Ngư dân Trần Dành điều khiển con tàu vỏ thép của mình rời biển Cửa Việt về cảng cá Thuận An