THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 10:08

Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có là "bất hiếu"?

Khi chồng ốm, bản thân cũng không được khỏe, không người chăm sóc nhưng khi con cái bảo đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, bà Hằng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không khỏi “sốc”. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, ông bà đã thấy khá thoải mái ở môi trường mới. Mỗi tháng, con cái phải trả cho viện số tiền 25 triệu đồng.

Vợ chồng bà Hằng coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Ảnh: P.T

Không phải cứ ở cạnh mới là có hiếu

Trước đây, khi nói đến những trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mọi người thường nghĩ đến đây là nơi ở dành cho những người già cô đơn, không nơi nương tựa. Nhưng thực tế các cụ vào đây đều là người có gia đình, các con.

Ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức (ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội), cụ Lê Bích Châu, quê ở Hà Nội, tuy đã 84 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Châu trông vẫn rất khỏe mạnh, đẹp lão. Hàng ngày cụ vẫn đọc báo và làm thơ.

Trước kia, hai cụ đều là cốt cán của ngành Dược. Hai cụ sinh được 4 người con (1 gái, 3 trai). Người con đầu sinh ra chưa được đầy năm thì mất vì bệnh viêm phổi. Ba người con trai của cụ hiện đều rất thành đạt và có gia đình riêng. Cụ kể: "Anh con cả học Đại học Điện ảnh ra không có việc nên theo bạn bè sang sống bên Ba Lan hơn 20 năm nay, anh thứ 2 ở Hà Nội là tiến sỹ đang công tác ở một bệnh viện. Còn con út học rồi làm việc ở Tiệp, hiện nay vợ chồng sinh sống ở Đắk Lắk".

Năm cụ ông 87 tuổi bị bệnh nặng, phải nằm một chỗ, con cái ai cũng có công việc bận rộn cả ngày không thể chăm sóc được, cụ bà lại già yếu nên cuối cùng hai cụ đều tự nguyện vào trung tâm này. Từ đó, hai cụ ở với nhau trong viện dưỡng lão cũng được hơn 3 năm. Năm trước, cụ ông về với tổ tiên để lại một mình cụ bà trong căn phòng nhỏ này.

Khi hỏi lý do vì sao cụ vào Trung tâm dưỡng lão khi con cái đông, thành đạt như vậy?. Cụ chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã sống chung với vợ chồng anh thứ 2 cùng hai cháu nội hơn 10 năm song vẫn phải ăn riêng vì con cái đi làm thất thường. Sáng chúng đi làm sớm, tối muộn mới về có khi bố mẹ lên giường đi ngủ con vẫn chưa về.

Hai ông bà già, cuộc sống lặp đi lặp lại như một cái máy, sáng – trưa – chiều cứ đến giờ là người giúp việc mang đồ ăn lên. Khi ốm đau, người giúp việc không giúp gì được còn con cháu lại bận việc chỉ gọi điện hỏi thăm chứ cũng không chăm mình được. Ở đây tôi được chăm sóc chu đáo hơn. Tuy vậy, thi thoảng tôi cũng nhớ các con, các cháu. Nhưng rồi lại chợt nhận ra mỗi đứa đều có công việc riêng nên đành cho nỗi nhớ chảy ngược vào trong, chứ ông bà già có con cái ở bên vẫn hạnh phúc hơn”. Nói rồi, cụ Châu lấy trong ngăn tủ ra cuốn album ảnh của gia đình đưa ra cho chúng tôi xem.

Căn phòng cụ Châu sống ở trung tâm có giá 12 triệu đồng/tháng. Căn phòng đó tuy không rộng bằng ở nhà nhưng được bài trí gọn gàng, có ti vi, tủ lạnh, nhà vệ sinh khép kín sạch sẽ… để cụ có thể thoải mái làm những việc mình thích. Cụ Châu bảo: “Ở đây tôi được chăm sóc đầy đủ, lúc nào cũng có người bên cạnh. Họ dọn dẹp, nấu nướng, tắm giặt… Duy chỉ ăn uống thì không bằng ở nhà vì họ phải nấu cho quá nhiều người. Cái nữa là hơi mất tự do, đi đâu không được phép một mình ra khỏi trung tâm. Việc họ làm thế cũng không sai, nhỡ đi ra ngoài một mình gặp chuyện gì bất trắc, họ biết nói sao với các con tôi”.

Nhắc đến ngày Vu Lan, cụ Châu nói, ngày trước, khi các con cụ còn nhỏ, vào những ngày lễ Tết hay Vu Lan, gia đình cụ thường làm một mâm cơm cúng gia tiên sau đó cả nhà cùng quây quần ăn, cùng trò chuyện. Giờ mỗi đứa một nơi, đứa ở xa một năm mới gặp nhau vài ba lần nên có nhớ cũng chẳng dám than thở. “Vu Lan là dịp nhắc nhở con cháu nhớ đến cha mẹ mình. Con cái tôi không vào thăm hàng ngày được nhưng chúng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, thỉnh thoảng rủ nhau đến thế là vui rồi. Thực ra mỗi người làm cha, làm mẹ đều mong nhận được là thấy con mình thành người, sống vui vẻ, an lành, hạnh phúc là báo hiếu rồi chứ không phải ở cạnh mà không chăm sóc đã là có hiếu”, cụ Châu chia sẻ.

Vui vẻ với ngôi nhà cuối đời

Cũng như nhiều cụ khác ở đây được con cái đưa vào để “dưỡng” tuổi già, vợ chồng bà Phan Thị Tuyết Hằng (SN 1947) và ông Quản Đình Lưu (SN 1937) nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội giờ đã cảm thấy thoải mái hơn.

Bà Hằng từng là y tá, còn ông Lưu làm trong Tổng Công ty điện lực Sài Gòn. Hai ông bà về hưu đã được 20 năm. Cách đây mấy năm, ông mắc bệnh mất trí, cứ hễ bà nói gì thì ông nói theo. Ông bà có hai con trai, cả hai đều định cư ở Nhật. Một năm con mới về thăm một hai lần. Nhiều năm nay, ông bà sống riêng, thuê người về giúp.

Gần một năm trước, thấy ông bị bệnh và bà già yếu không có người chăm sóc, các con có ý định gửi bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão, lúc đó ông bà cảm thấy rất buồn. Nhưng vào đây một thời gian, bà Hằng lại cảm thấy tinh thần phấn khởi hơn. Bà Hằng vui vẻ nói: “Ngày đầu nghe con nói đưa mẹ vào trung tâm dưỡng lão, tôi cũng buồn và "sốc" lắm. Sau tôi hiểu là chúng ở xa không có thời gian chăm sóc nên cũng nguôi ngoai. Giờ thì thấy đó là lựa chọn sáng suốt của các con. Trước ở nhà cũng chỉ có hai ông bà, ốm đau không ai chăm. Sống ở đây khá thoải mái lại sinh hoạt điều độ. Hàng ngày chúng tôi được chăm sóc, vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt… Mọi việc khác có các cháu y tá ở đây phục vụ tận tâm lắm”.

Căn phòng của ông bà Hằng ở trung tâm là phòng dành cho vợ chồng với đầy đủ tiện nghi: Ti vi, tủ lạnh, điều hòa, nối mạng Internet… Mỗi tháng, con cái phải trả phí cho cả hai bố mẹ là 25 triệu đồng.

Bà Hằng mắt xa xăm khi nghĩ tới con: “Chúng tôi cũng nhớ con cháu ở nhà lắm. Song ở đây mọi thứ thoải mái hơn mà cái thoải mái lớn nhất là về mặt tinh thần. Mỗi tháng con cái phải đóng cho vợ chồng tôi 25 triệu đồng, phải gia đình có điều kiện mới cho bố mẹ ở đây được đấy. Giờ chúng tôi coi đây là nhà của mình, có khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng ở đây thôi”.

“Hiện 3 cơ sở của trung tâm nuôi dưỡng 250 cụ. Hầu hết các cụ tại đây đều trên 70 tuổi, có nhiều cụ trên 90 tuổi. Số ít khỏe mạnh còn đa phần đều đã lẫn, hoặc bị liệt, hoặc bị các bệnh mãn tính. Về mức chi phí chăm sóc, thấp nhất hiện nay là 5 triệu đồng một tháng tùy theo sức khỏe của các cụ chi phí sẽ tăng dần cho chi phí thuốc men và chế độ chăm sóc. Đối với những cụ phải chăm sóc đặc biệt 24/24 giờ, mọi việc đều phụ thuộc vào nhân viên điều dưỡng, chi phí 13 triệu đồng một tháng”. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức cho biết.


giadinh.net.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh