Dự thảo Thông tư Hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 05:11 - 22/09/2016
Từ năm 2017 sẽ tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
DỰ THẢO: THÔNG TƯ Hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động các cấp; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 2. Chủ đề của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tình hình thực tiễn của đất nước xây dựng chủ đề chung của Tháng hành động. Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp theo đặc điểm sản xuất và trọng tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động của từng năm có thể lựa chọn chủ đề riêng phù hợp với đơn vị.
Chủ đề cần ngắn gọn, dễ hiểu, chứa đựng thông điệp thúc đẩy hành động về an toàn, vệ sinh lao động, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động của quốc gia hoặc của ngành, lĩnh vực, địa phương mà cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, dư luận quan tâm.
Điều 3. Nội dung hoạt động của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Tập trung vào thực hiện các qui định của Luật An toàn, vệ sinh lao động; các yêu cầu, chỉ đạo, định hướng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; các mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc, giảm tải nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các hoạt động chính tổ chức trong Tháng hành động gồm:
1. Truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động
a) Xây dựng, gửi, phát các thông điệp, tài liệu tuyên truyền về chủ đề, nội dung hoạt động của Tháng hành động tới các doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng.
b) Xây dựng các tài liệu, hướng dẫn về kỹ năng, qui trình làm việc an toàn; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu truyền thông mẫu; phát hành các tranh áp phích, sổ tay, băng đĩa, tờ rơi tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động;
c) Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến chủ đề, nội dung Tháng hành động cho các cơ quan thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các báo, đài, internet, hệ thống các đài phát thanh ở quận, huyện, xã phường như xây dựng các chương trình cảnh báo về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài phóng sự, chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động; phản ánh, phê phán các điều kiện, thực trạng mất an toàn lao động; tuyên dương các mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác an toàn, vệ sinh lao động…
2. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
a) Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động của quốc gia được tổ chức tại một địa phương trọng điểm và do Bộ Lao động, Thương binh xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trọng điểm tổ chức.
b) Tại các bộ, ngành, địa phương tổ chức mít tinh hoặc các hoạt động cụ thể để hưởng ứng Tháng hành động phù hợp với điều kiện của bộ ngành, địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp, người lao động.
c) Chương trình của buổi lễ: theo mẫu qui định tại Phụ lục I kèm Thông tư này.
d) Thành phần, số lượng người tham gia Lễ phát động/ Lễ mít tinh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương, có sự tham gia của lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan; đại diện các doanh nghiệp, người lao động, sinh viên, học sinh trên địa bàn địa phương.