Chống “lạm phát” cấp phó: Mỗi bộ không quá 5 thứ trưởng
- Tây Y
- 01:46 - 10/04/2015
Phiên họp thứ 37 của UB Thường vụ Quốc hội
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UB Pháp luật khái quát ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại kỳ họp trước đã yêu cầu quy định rõ trong luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ để chống “lạm phát” cấp phó.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng: “Đến thời điểm này mà chưa đưa ra được quy định khung về số lượng cấp phó thì rất khó thuyết phục Quốc hội. Nên có quy định số lượng nhưng là khung co giãn để phù hợp với thực tế. Vì nếu quy định mỗi bộ không quá 5 cấp phó thì đối với một số bộ lớn như Bộ NN&PTNT liệu có đáp ứng được không?”
Bà Trương Thị Mai cho rằng mỗi Bộ không quá 5 cấp phó thì đối với một số Bộ lớn như Bộ NN&PTNT liệu có đáp ứng được không?
Đứng từ quan điểm của cơ quan soạn thảo luật, Chính phủ vẫn kiên trì đề nghị không quy định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật Tổ chức Chính phủ mà giữ nguyên như quy định hiện nay là vấn đề này do Chính phủ quy định.
Lý lẽ đưa ra là quy định “mở” như thế sẽ bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trình bày báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, việc không quy định cụ thể số lượng cấp phó còn là để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước khác đã được Quốc hội thông qua như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Bộ trưởng Nội vụ cũng quả quyết, về cơ bản, số lượng cấp phó của các bộ trong nhiệm kỳ khóa 13 này không tăng hơn so với các khóa trước. Có bộ số thứ trưởng tăng nhưng cũng có bộ giảm nên bình quân số lượng cấp phó vẫn cơ bản giữ nguyên.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng “nếu khống chế không quá 5 thứ trưởng thì cũng căng”. Vì vậy, ông Ksor Phước đề nghị cân nhắc thêm để có sự linh động, phù hợp với một số bộ.Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Số lượng cấp phó giờ phải quy định vào luật, không quy định Quốc hội không thông qua đâu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng từng trả lời chất vấn về vấn đề này rồi. Muốn chất lượng phải quy định”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Muốn chất lượng phải quy định số lượng (Ảnh:TTXVN)
Theo Chủ tịch Quốc hội: “Quy định không quá 5 là được rồi, vì có bộ chỉ cần 3, có bộ cần 5 và với bộ đa ngành thì số lượng đó cũng là đủ, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”.
Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh các ý kiến đều thống nhất quan điểm việc quy định trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Theo đó, dự thảo Luật đã xác định rõ, số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5 trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không quá 6; số lượng cấp phó của Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 4; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ không quá 3. |
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc