Dư lượng thuốc tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường
- Y học 360
- 14:03 - 20/11/2019
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) so sánh dữ liệu nồng độ dư lượng dược phẩm trong các mẫu nước trên toàn thế giới cũng như xu hướng kê đơn thuốc và quy định lọc nước ở nhiều quốc gia khác nhau.
Báo cáo công bố hôm 14/11 ước tính 10% trong số tất cả các loại dược phẩm, trong đó có hormone, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh có nguy cơ gây hại môi trường.
OECD cho biết, việc sử dụng kháng sinh cho chăn nuôi được dự đoán sẽ tăng hơn 66% trong thập kỷ tới, gây lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh. Số lượng người sử dụng thuốc kê đơn cũng sẽ tăng mạnh.
Nghiên cứu khác trích dẫn trong báo cáo của OECD đã chỉ ra nồng độ dược phẩm "cực kỳ cao" tại sông, biển các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc, Mỹ.
Chỉ tính riêng tại Anh, một lượng lớn ethinyloestradiol, diclofenac, ibuprofen, propranolol và kháng sinh được tìm thấy trong chất thải của 890 nhà máy xử lý nước thải, đủ để gây "tác động xấu đến môi trường".
"Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về sự tồn tại của dư lượng thuốc, thậm chí biết ít hơn về nồng độ được tìm thấy", Hannah Leckie, tác giả chính báo cáo, nói.
Hơn 700.000 người chết mỗi năm do nhiễm trùng kháng thuốc. Đến năm 2050, ước tính con số sẽ tăng lên 10 triệu, trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng và già đi, y học tiến bộ, lượng tiêu thụ sản phẩm từ cá, thịt ngày càng nhiều làm tăng nhu cầu sử dụng thuốc kê đơn.
"Nếu các giải pháp quản lý rủi ro phù hợp không được đưa ra kịp thời, dư lượng thuốc thải ra môi trường sẽ ngày càng nhiều", báo cáo ghi rõ.
Tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng khi biến đổi khí hậu làm tăng sự lây lan và tần suất của các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết.
Hannah cho hay thuốc kê đơn và các bệnh liên quan tới biến đổi khí hậu là một vòng luẩn quẩn. "Các hoạt động của con người như gia tăng dân số, giao thông kết hợp với biến đổi khí hậu làm tăng kháng kháng sinh... do đó, tăng nhu cầu sử dụng dược phẩm.