Dự kiến vaccine ngừa COVID-19 COVIVAC có giá không quá 60.000 đồng/liều
- Tây Y
- 01:18 - 28/02/2021
Theo Vov, sáng 27/2, tại buổi lễ tiếp nhận 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng ngừa COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC do Tập đoàn Vingroup tài trợ diễn ra tại Bộ Y tế, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cho biết, Dự án nghiên cứu thử nghiệm Vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất.
Đây là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Dự kiến ngày 3/3, sẽ thử nghiệm tiêm thử nghiệm vaccine này trên người. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện tại trường Đại học Y Hà Nội với khoảng 120 người tham gia. Họ có độ tuổi từ 18-59 tuổi, cả nam và nữ, được tiêm 2 mũi/0,5 ml (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Sau 43 ngày tiêm mũi thứ 2 (thuộc giai đoạn 1) nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu, nhóm nghiên cứu cho hay sẽ tiếp nối chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 2. Giai đoạn này dự kiến bắt đầu vào tháng 7/2021, được thực hiện tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư (Thái Bình) mở rộng số lượng người tham gia lên 300 người, đồng thời mở rộng độ tuổi từ 18-75 tuổi (trong đó tuổi từ 60-75 chiếm khoảng 1/3).
Dự kiến, quá trình nghiên cứu lâm sàng COVIVAC sẽ hoàn thành vào tháng 10/2021.
Giai đoạn 1 sẽ nghiên cứu độ an toàn và tính sinh miễn dịch trên 4 nhóm vaccine với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg kháng nguyên Protein S không có tá chất và 1 mcg có tá chất, có thêm nhóm đối chứng là giả dược (không chứa thành phần vaccine).
Nhà sản xuất cho biết giai đoạn 1 nhằm đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch để chọn ra 2 nhóm vaccine tối ưu nhất, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu độ an toàn và tính sinh miễn dịch trên 2 nhóm vaccine với các mức liều tối ưu chọn dược từ giai đoạn 1, có thêm nhóm đối chứng là giả dược (không chứa thành phần phần vắc xin).
Ông Thái cũng cho rằng, dự án nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC của IVAC có tính khả thi cao, là kết quả của sự hợp tác quốc tế và hướng tới một vaccine đủ điều kiện lưu hành trong nước và xuất khẩu. Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ là hai đơn vị có nhiều năng lực, kinh nghiệm trong việc triển khai thử nghiệm lâm sàng, đảm bảo có một vaccine giá rẻ cho người dân. Hiện nay theo kịch bản, vaccine này sẽ có giá không quá 60.000 đồng/liều.
Liên quan đến vắc xin COVID-19, tờ Tiền phong cho hay, Bộ Y tế đã cấp chứng nhận cho 3 kho lạnh âm sâu đến -86°C, 51 kho lạnh từ 2-8°C của Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng hệ thống thiết bị vận chuyển vắc xin chuyên dụng với khả năng lưu trữ khoảng 170 triệu liều vắc xin. Đây là điều kiện quan trọng để đơn vị này tiến đến nhập số lượng lớn vắc xin COVID-19 cần lưu trữ ở nhiệt độ âm sâu.
Tháng 01/2021, với cấp phép chính thức của Bộ Y tế, Hệ thống tiêm chủng VNVC tự hào là hệ thống tiêm chủng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có kho bảo quản vắc xin âm sâu đến -86°C, tại mỗi kho lạnh âm sâu đều có một kho rã đông được kiểm soát nhiệt độ luôn dưới 8oC để đảm bảo vắc xin được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
“Với sức chứa mỗi tủ gần 100.000 liều vắc xin, 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng với 30 tủ âm sâu (18 tủ tại TP.HCM, 5 tủ tại Đà Nẵng và 7 tủ tại Hà Nội) có thể lưu trữ lên tới 3 triệu liều vắc xin cùng lúc. Với các điều kiện này, VNVC cũng được Bộ Y tế cấp phép Xuất khẩu - nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện lạnh 2-8°C, vắc xin, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện âm sâu (-40 đến -86°C)”, bà Trần Thị Trung Trinh - Giám đốc kiểm soát chất lượng Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam khẳng định.
Với những vắc xin cần bảo quản âm sâu (-80°C đến -70°C), chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin ở nhiệt độ này. Trong hệ thống tiêm chủng dịch vụ, duy nhất chỉ có kho bảo quản vắc xin âm sâu của Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam VNVC có thể đáp ứng điều kiện lưu trữ và bảo quản hàng triệu liều vắc xin COVID-19 bắt buộc bảo quản ở điều kiện nhiệt độ âm sâu như vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna.
Bên cạnh hệ thống kho lạnh âm sâu, mạng lưới 49 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc đang sở hữu hệ thống 49 kho vắc xin lẻ và 2 kho tổng chuyên dụng bảo quản vắc xin ở nhiệt độ 2 - 8°C. Với tổng diện tích hơn 1.000m2, dung tích hơn 4.000m3, các kho 2 - 8°C có sức chứa lên tới gần 167 triệu liều vắc xin thông thường khác tại cùng một thời điểm.